kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Vị tướng người Hà Nam và sự kiện lịch sử năm Ất Sửu (545)

Vị tướng người Hà Nam và sự kiện lịch sử năm Ất Sửu (545)

Trong lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, vùng đất và con người Hà Nam đã có những đóng góp quan trọng, trong đó có sự kiện năm Ất Sửu 545 liên quan đến vị tướng Đinh Lôi, người Hà Nam.

Bản thần tích được lưu giữ ở đình thôn Nguyễn Trung (xã Liêm Phong), đình Hòa Ngãi (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm) đã cho biết khá chi tiết về thân thế, công trạng của Đinh Lôi. Theo đó, thời nhà Lương (Trung Quốc) thống trị nước ta có gia đình ông bà Đinh Phụng, Nguyễn Thị Thường sống ở trang Cát Đàm, nay thuộc thôn Nguyễn Trung, xã Liêm Phong. Ông Phụng mở trường dạy học, kiêm lương y chữa bệnh cho dân. Bà Thường quê trang Hương Ngãi (nay thuộc thôn Hòa Ngãi, xã Thanh Hà) là người hiền thục, nhân hậu. Cả hai ông bà đều được dân làng quí trọng, nhưng lại muộn đường con cái.

Vị tướng người Hà Nam và sự kiện lịch sử năm Ất Sửu 545
Cổng đình đá Nguyễn Trung, xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Ảnh: T.S

Ngoài 30 tuổi, bà Thường mới có mang, rồi ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (514) bà hạ sinh. Đứa bé sinh ra có nước da ngăm đen, mắt sáng. Nhớ lại điềm ứng mộng, ông bà đặt tên con là Đinh Lôi (Lôi nghĩa là sấm).

Đinh Lôi lớn lên thông minh, khỏe mạnh. Ông Phụng tìm thầy giỏi dạy văn chương, võ nghệ cho con. Đinh Lôi tiếp thu rất nhanh, đồng thời sớm biểu lộ lòng thương dân, yêu nước. Năm 15 tuổi, Đinh Lôi đã tinh thông văn võ, đặc biệt là tài bắn cung, nhưng cũng năm đó (529) cha mẹ ông lần lượt qua đời, đẩy Đinh Lôi sớm lâm vào cảnh mồ côi.

Lúc đó, Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương đứng đầu bộ máy thống trị nước ta. 3 năm Đinh Lôi chịu tang cha mẹ cũng là thời gian nung nấu quyết tâm cứu nước. Hết tang cha mẹ, chàng thanh niên Đinh Lôi đi tìm người cùng ý chí ở quê nội, quê ngoại và trong vùng được hơn 5.000 người, khẩn trương luyện tập võ nghệ, binh pháp, thiết lập dinh đồn chờ thời cơ khởi sự.

Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí quê ở Long Hưng (nay là tỉnh Thái Bình) phát động khởi nghĩa chống bè lũ thống trị nhà Lương. Được tin, Đinh Lôi bèn truyền mổ trâu bò khao quân rồi đưa đạo nghĩa binh của mình đến ra mắt Lý Bí. Thấy đạo quân dũng liệt, chỉ huy văn võ toàn tài Lý Bí phong cho Đinh Lôi làm Trung tướng quân cùng với Triệu Quang Phục - Tả tướng quân, Phạm Tu - Hữu tướng quân tấn công dũng mãnh trị thành Long Biên (Bắc Ninh). Quân Lương đại bại, tên đầu sỏ Tiêu Tư tháo chạy về nước.

Chưa cam chịu thất bại, đầu năm Quí Hợi (543), triều đình nhà Lương tổ chức lực lượng nhằm tái chiếm nước ta. Chủ động chặn giặc, theo lệnh của Lý Bí, Đinh Lôi cùng các tướng Phạm Tu, Triệu Quang Phục đem quân tấn công bán đảo Hợp Phố, đánh tan quân Lương ngay ở cửa ngõ nước ta. Đến đây cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo hoàn toàn thắng lợi.

Vị tướng người Hà Nam và sự kiện lịch sử năm Ất Sửu 545
Đình Hòa Ngãi, thôn Hòa Ngãi, xã Thanh Hà, huyệnThanh Liêm.  Ảnh: T.S

Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Nam đế (vua nước Nam) phủ định quyền thống trị của phong kiến phương Bắc. Nhà vua định đô ở Long Biên (Bắc Ninh), đặt niên hiệu là Đại Đức (đức lớn), cho dựng điện Vạn Thọ, chùa Khai Quốc trong kinh thành. Triều đình mới gồm hai Ban Văn, Võ được thiết lập. Đinh Lôi giữ chức cao trong Ban Võ. Đặc biệt, triều đình đặt quốc hiệu là Vạn Xuân biểu lộ sức sống mới của dân tộc, khôi phục danh xưng quốc gia sau 722 năm bị mất (kể từ năm 179 trước công nguyên Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc). 

Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế xét định công lao của tướng sĩ để ban thưởng. Đinh Lôi lập nhiều công trạng được ban thưởng hậu hĩnh, rồi được nhà vua cử đi trị nhậm Hồng Châu (nay là tỉnh Hải Dương). Bái tạ nhà vua, ông xin về Nguyễn Trung, Hương Ngãi bái biệt dân làng, về quê, ông cho mổ trâu, bò, lợn gà... khao họ hàng, dân làng, lại tặng cho quê nội, quê ngoại 30 vạn tiền xanh để dân lo việc nhà nông, sửa sang đền miếu. Xong xuôi mọi việc, Đinh Lôi mới đến Hồng Châu nhậm chức.
Không từ bỏ dã tâm, đầu năm Ất Sửu (545) nhà Lương cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên thống lĩnh 30 vạn quân xâm lược nước Vạn Xuân non trẻ. Lý Nam Đế triệu các tướng bàn bạc kế sách chống giặc. Đinh Lôi được nhà vua thăng chức làm Đại tướng quân chỉ huy đạo quân 5 vạn người quản lĩnh vùng đất rộng lớn tương đương với lộ Sơn Nam thời Hậu Lê. Với sự chỉ huy tài giỏi của ông, quân ta chặn đánh giặc quyết liệt, có trận gây cho giặc thương vong nặng nề.

Tuy nhiên ở các hướng khác, thế quân Lương còn mạnh, quân ta gặp nhiều tổn thất. Tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế giao binh quyền cho Triệu Quang Phục rồi lui về động Khuất Lão (Phú Thọ) tránh giặc.

Đinh Lôi hợp quân với Triệu Quang Phục cùng về đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) lập căn cứ kháng chiến. Quân Lương tấn công nhiều trận nhưng đều thất bại.

Tháng 4 năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Khi nghe tin vua mất, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương. Năm 550 nhà Lương loạn to, tướng Trần Bá Tiên đem quân về nước cướp ngôi nhà Lương, lập ra nhà Trần. Chớp thời cơ, Triệu Việt Vương có sự góp sức của Đinh Lôi đem quân tấn công thành Long Biên đánh tan quân Lương, giết tướng giặc Dương Sàn, giành lại độc lập cho nước Vạn Xuân.
Đất nước thanh bình, Đinh Lôi trở về quê quán để chăm lo khuyến khích nghề nông, mở trường dạy học cho trẻ em trong làng dù Triệu Việt Vương mời ông ở lại gánh vác việc triều đình.
Năm Tân Mão (571), Lý Phật Tử lên ngôi (Tức Hậu Lý Nam Đế), xét Đinh Lôi là người lập nhiều công trạng nên nhà vua sắc phong ông là Lôi Công Đại vương, cho lập sinh từ thờ phụng ngay khi còn sống. Đinh Lôi từ trần ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn trong chuyến đi thuyền lên kinh đô để tấu trình nhà vua ban sắc phong cho vị Thiên thần "Không Hoàng Hộ Quốc Đại vương" được thờ ở quê ngoại.
Cuộc kháng chiến năm Ất Sửu (545), có sự đóng góp quan trọng của Tướng quân Đinh Lôi mang ý nghĩa lịch sử lớn lao, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của quân dân Vạn Xuân và giữ vững nền độc lập nước nhà hơn nửa thế kỷ. Năm 603 nước Vạn Xuân mới bị nhà Tùy thôn tính.
Đinh Lôi làm rạng danh vùng đất và con người Hà Nam vào giữa thế kỷ VI. Vị tướng có công lớn với nước, với dân được các triều đại phong kiến sau này tôn phong là "Thượng đẳng phúc thần". Dân làng Nguyễn Trung và Hòa Ngãi thờ ông làm Thành hoàng bảo trợ trong đình làng. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Thường được dân làng Hòa Ngãi lập miếu phụng thờ. Cùng với hai thôn Nguyễn Trung, Hòa Ngãi còn có 52 nơi khác cùng đón sắc chỉ phụng thờ Đinh Lôi.

Đinh Lôi - nhân vật lịch sử tiêu biểu, niềm tự hào của nhân dân Hà Nam.

Mai Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy