Tục "lên lão" ở Điền Xá

Năm nào cũng vậy, vào sáng ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, tại ngôi đình cổ kính, linh thiêng của làng, Ban khánh tiết đình Điền Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng tổ chức trang trọng lễ "lên lão" cho các ông bước sang tuổi 59.

Nói về tục “lên lão” của địa phương, ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng ban khánh tiết đình Điền Xá cho biết: Tục "lên lão" ở tuổi 59 ở Điền Xá được các cụ truyền lại từ rất nhiều đời nay. Trước kia, đời sống kinh tế khó khăn, người nông dân phải lao động vất vả, cực nhọc, việc chăm sóc sức khỏe không được đầy đủ... nên tuổi thọ không cao. Chính vì vậy, đàn ông trong làng đến tuổi 59 (đã được coi là thọ) đều được ra đình làm lễ "lên lão" (người dân còn gọi là được ra đình "rải chiếu thờ thánh"). Sau lễ "lên lão", mỗi khi lên đình đàn ông tuổi 59 trở đi chính thức được gọi là cụ. 

Tục lên lão ở Điền Xá
Các thành viên Ban khánh tiết đình Điền Xá trò chuyện với phóng viên Báo Hà Nam.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua, tục "lên lão" ở thôn Điền Xá được tổ chức vào ngày đầu xuân năm mới luôn bảo đảm trang trọng, đông vui. Ông Quản Đức Mạnh, Phó ban khánh tiết đình Điền Xá chia sẻ: Tôi năm nay đã 64 tuổi, làm lễ "lên lão" được 5 năm rồi. Ở Điền Xá, gia đình nào có người được "lên lão" trong năm mới thường chuẩn bị nuôi gà ngay từ đầu năm trước. Theo phong tục của làng, gà lễ tại đình phải là gà trống thiến, mào đỏ đẹp. Xôi được làm từ gạo nếp trắng, thơm, dẻo ngon. Theo các cụ ngày xưa kể lại, trước kia, đàn ông "lên lão" chỉ chuẩn bị một lễ mặn, gồm xôi trắng, gà trống thiến. Sáng ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, con cháu đội lễ ra đình, Ban khánh tiết đình nhận lễ để sắp xếp theo thứ tự. Khi lễ đã được chuẩn bị, sắp xếp chu đáo, các ông được "lên lão" đứng sắp thành hàng trong đình, cụ thủ từ lúc ấy mới chính thức làm lễ. Làm lễ xong, các gia đình đều dành một phần để biếu làng, phần còn lại mang về cho mọi người trong gia đình cùng hưởng lộc, chung vui. Buổi trưa ngày mùng 4 Tết, mừng nhà có người "lên lão" nhiều gia đình làm tới hàng chục mâm cỗ mời anh em, họ hàng, bà con thân thiết.

Ngày nay, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, gia đình có người "lên lão" thường chuẩn bị hai lễ, một lễ mặn, một lễ chay để mang ra đình lễ thánh. Sau khi lễ xong, lễ chay gửi lại biếu làng, lễ mặn mang về cho cháu con trong gia đình hưởng lộc. Không làm cỗ bàn linh đình như ngày trước, thực hiện nếp sống văn hóa mới, gia đình có người "lên lão" chỉ làm vài mâm gọn nhẹ cùng chung vui với con cháu trong gia đình và họ hàng thân thiết.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Điền Xá Quản Văn Tuấn, người vừa "lên lão" vào dịp đầu năm 2020 cười bộc bạch: Tục xưa cha ông để lại, bao năm qua, các thế hệ cháu con làng Điền Xá luôn kế thừa, duy trì, bảo tồn và phát huy. Tục "lên lão" của làng không chỉ mang ý nghĩa giáo dục cháu con phải "kính lão, trọng thọ", quan tâm chăm sóc người cao tuổi mà còn gắn kết được tình làng, nghĩa xóm. Tục "lên lão" được tổ chức vào dịp đầu năm mới tạo không khí phấn khởi, tươi vui cho từng gia đình, lan tỏa tới từng khu dân cư...

Chuẩn bị cho lễ "lên lão", theo quy định, đúng ngày 24/12, đàn ông đến tuổi 59 trong thôn lên đình báo cáo, đăng ký với Ban tổ chức. Những người làm ăn, sinh sống xa quê có thể nhờ người thân trong họ đăng ký hộ. Ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, con cháu trong gia đình, họ hàng, làng xóm đến chúc mừng những người "lên lão" rất đông. Không khí gia đình hôm đó rất đầm ấm, vui vẻ. Tối ngày mùng 3, các gia đình thịt gà, thổi xôi, chuẩn bị lễ để hôm sau mang ra đình lễ thánh. Mâm lễ thánh được chuẩn bị kỹ càng, công phu. Các gia đình có người “lên lão” thường thịt, luộc hai con gà trống thiến, sau đó chọn con đẹp đặt lên mâm xôi để mang ra đình. Sáng sớm mùng 4 Tết, đình đông chật người, nhà nào có người “lên lão” đều chuẩn bị phích nước sôi, trầu cau mang ra mời khách. 

Ông Nguyễn Viết Lãm, thủ từ đình Điền Xá chia sẻ: Tùy từng năm, có năm làng chỉ có bốn, năm người, có năm lên tới hơn hai chục người đến tuổi “lên lão”. Không chỉ người ở quê, mà nhiều người con làm ăn, sinh sống xa quê đến tuổi 59, ngày mùng 4 Tết đều sắp xếp về làng, lên đình làm lễ “lên lão”. Những người không có điều kiện về quê thì nhờ người thân trong họ lên đình gửi lễ. Trong buổi lễ “lên lão”, các cụ tuổi tròn 70, 80, 90, 100 cũng sắm lễ vào lễ thánh. Nhiều năm qua, tôi là người trực tiếp làm lễ, dâng sớ lễ thánh trong các buổi lễ “lên lão”. Sớ dâng thể hiện mong cầu cho những người “lên lão”, các cụ cao niên mạnh khỏe, trường thọ; gia đình thuận hòa, vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn... 

Quê hương Điền Xá đang đổi thay từng ngày. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, tuổi thọ được nâng lên, nhưng tục “lên lão” – nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, phát huy. Mỗi năm một lần, tục “lên lão” được tổ chức trang trọng tại đình làng góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ lòng kính trọng đối với người cao tuổi; đồng thời động viên người cao tuổi nêu cao tinh thần gương mẫu, góp trí, góp công, vận động cháu con và nhân dân đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng và đổi mới quê hương. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.