Tự hào trận địa pháo phòng không Lam Hạ

Để bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch qua Phủ Lý cũng như cuộc sống của nhân dân trong xã và các vùng lân cận, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngày 5/8/1965 Đại đội Dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập. Đây là một trong những đơn vị dân quân phòng không đầu tiên được thành lập trên miền Bắc, sau đúng một năm Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc (5/8/1964).

Xã Lam Hạ, nay là phường Lam Hạ thuộc thành phố Phủ Lý, trong những năm kháng chiến chống Mỹ là một trọng điểm giao thông quan trọng trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. 

Để bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch qua Phủ Lý cũng như cuộc sống của nhân dân trong xã và các vùng lân cận, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngày 5/8/1965 Đại đội Dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập. Đây là một trong những đơn vị dân quân phòng không đầu tiên được thành lập trên miền Bắc, sau đúng một năm Mỹ bắt đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc (5/8/1964). Đại đội Dân quân phòng không Lam Hạ có 87 thành viên với một trung đội nam và một trung đội nữ, trong đó trung đội nữ có 24 thành viên. Đại đội vừa có nhiệm vụ sản xuất, vừa tổ chức huấn luyện pháo thủ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng các trận địa pháo phòng không trên địa bàn xã, vận chuyển phương tiện kỹ thuật, đạn dược và cứu chữa thương, bệnh binh.

Tại các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm, Quỳnh Chân của xã Lam Hạ có 8 trận địa pháo phòng không bảo vệ trọng điểm Phủ Lý. Theo sự phân công về địa bàn cư trú, khi bộ đội pháo phòng không đóng quân ở làng nào thì dân quân làng đó đảm trách nhiệm vụ nên trong những trận chiến ác liệt dân quân Lam Hạ sẵn sàng bổ sung lực lượng cho các trận địa phòng không của bộ đội trên địa bàn và trực tiếp chiến đấu đánh trả lực lượng không quân Mỹ. Với sự quyết tâm chiến đấu để bảo vệ quê hương đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, trong đó có sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ - 10 bông hoa thép bên bờ Châu Giang. 

Tự hào trận địa pháo phòng không Lam Hạ
Trận địa pháo phòng không Lam Hạ năm xưa giờ là nơi xây dựng đền Liệt sỹ  tỉnh và đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ. Ảnh: Thế Trang

Trận đầu tiên giặc Mỹ đánh vào địa bàn thị xã Phủ Lý là buổi sáng ngày 7/11/1965, chúng tập kích cầu và nhà ga Phủ Lý. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần chiến đấu cao độ nên hàng trăm trái bom của Mỹ đều trượt mục tiêu. Trận này ta còn bắn hạ một máy bay địch và bắt sống giặc lái. Nhưng trận chiến đấu oanh liệt, tiêu biểu nhất cho tinh thần quả cảm của dân quân Lam Hạ vào ngày 1/10/1966. Qua ba đợt tập kích đầu, bị phản công dữ dội từ trận địa pháo cao xạ Đình Tràng, địch không phá được cầu.

Trong đợt đánh thứ tư, địch quay sang tập kích vào các trận địa nhằm tiêu diệt lực lượng, trọng tâm là hủy diệt trận địa pháo Đình Tràng. Ngay loạt bom bi và rốc két đầu tiên đã có 10 người ngã xuống, trong đó có 6 nữ pháo thủ là các cô Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương. Các cô ngã xuống khi đang trực tiếp chiến đấu và cứu thương tại điểm lửa Đình Tràng. Ngày 9/10/1966, trên địa bàn xã Lam Hạ tiếp tục diễn ra trận chiến đấu hết sức quyết liệt với không quân Mỹ. Ngay từ sáng sớm, tại trận địa phòng không Đường Ấm, đại đội pháo của bộ đội chủ lực và súng máy cao xạ của dân quân đã tập trung hỏa lực chiến đấu dũng cảm, đánh bật nhiều đợt bắn phá của không quân Mỹ. Địch vừa bắn phá mục tiêu vừa tập kích trận địa, 5 nam nữ dân quân thôn Đường Ấm hy sinh, trong đó có 3 nữ dân quân là các cô Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh. 

Gần một năm sau, trưa ngày 7/7/1967, trong trận đánh trả máy bay Mỹ từ trận địa phòng không đặt tại thôn Hòa Lạc, nhiều chiến sĩ pháo cao xạ và 2 dân quân hy sinh, trong đó có nữ dân quân Đặng Thị Chung. 10 nữ dân quân phòng không Lam Hạ là 10 trong 33 đồng chí hy sinh ngay trên địa bàn xã và là 10 trong tổng số 210 liệt sĩ của Lam Hạ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 7 năm  (1965 - 1972) chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các trận địa phòng không Lam Hạ nói chung và trận địa phòng không thôn Đình Tràng nói riêng là những trận địa kiên cường, một địa chỉ đỏ, biểu tượng cao đẹp của tinh thần bất khuất và tình đoàn kết quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là một trong những dấu ấn lịch sử, niềm tự hào của nhân dân Hà Nam.

Đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân phường Lam Hạ, cũng như thể hiện tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ của quê hương, năm 2009 Đền Liệt sĩ tỉnh Hà Nam được xây dựng cùng lúc với Đền thờ mười nữ liệt sĩ dân quân phòng không Lam Hạ ngay trên khu đất năm xưa là trận địa pháo phòng không Đình Tràng. Đây là 2 di tích tâm linh nằm trong Khu di tích trận địa pháo phòng không Lam Hạ. Năm 2016, tròn 50 năm ngày hy sinh của 10 nữ dân quân, khu di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2021, tròn 55 năm ngày 10 cô gái dân quân phòng không Lam Hạ hy sinh, khu di tích này đã cơ bản hoàn thành với hồ nước và dòng sông Châu Giang bao quanh, những con đường dạo bộ quanh co ven hồ, những bồn hoa cây cảnh khoe sắc, rặng ổi, sấu, thứ quà quê độc đáo của Lam Hạ trùm bóng… 

Trong khu di tích này còn có nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện một người con ưu tú của quê hương Hà Nam - đồng chí là nhà hoạt động chính trị, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, quê ông ở tổ dân phố Mễ Tràng, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý - cũng đã được xây dựng. Khu quảng trường thoáng rộng phía trước khu tâm linh sau này sẽ tạo dấu ấn nổi bật với bức tượng đài 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ. Mẫu tượng đài lấy ý tưởng về sự bi hùng của 10 nữ liệt sỹ dân quân  Lam Hạ anh dũng hy sinh trên trận địa pháo để bảo vệ tuyến giao thông Bắc Nam và bầu trời Phủ Lý.

Mẫu tượng đài phác họa chân thực hình tượng 10 nữ liệt sỹ dân quân phòng không Lam Hạ với 10 tư thế khác nhau. Phía sau khối tượng 10 cô là hình tượng các tia lửa cách điệu từ hình ảnh ngôi sao vàng được lấy ý tưởng  từ sự công phá ác liệt của bom nổ bao trùm lên trận địa pháo. Hai bên là 2 bức phù điêu khắc họa hình ảnh quê hương, con người đặc trưng của mảnh đất Hà Nam. Cùng với đó, là hình ảnh các nữ dân quân đang lao động, chiến đấu bảo vệ bầu trời Phủ Lý. Tại khu di tích này, thời gian tới UBND thành phố Phủ Lý sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tái hiện lại các trận địa pháo phòng không, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, ụ chiến đấu, hố bom… 

Để tri ân và tôn vinh sự hy sinh của 10 nữ dân quân phòng không Lam Hạ, lưu giữ niềm tự hào quê  hương, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng thành phố Phủ Lý cũng như phường Lam Hạ nên nghiên cứu tổ chức lễ hội văn hóa tâm linh tưởng niệm ngày 10 liệt nữ hy sinh và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ Hà Nam, để từng bước tạo thành lễ hội tiêu biểu của Hà Nam, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất, con người núi Đọi sông Châu.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy