Tự hào Phủ Lý 

Ngược thời gian về trước, nhiều điểm của Phủ Lý chỉ còn trong sách vở, tư liệu. Nhưng trong dọc dài hành trình phát triển, có nhiều người không quên một thị xã nhỏ hẹp, âm thầm bên những dòng sông, một “túi bom” trong những năm chống Mỹ, những con người kiên cường bám trụ để có một thành phố trẻ hội tụ những tiềm năng và hy vọng…

Những kỉ niệm về một Phủ Lý xưa dường như chưa bao giờ cũ và như mạch chảy trong hồi ức của tất thảy những thế hệ người dân Phủ Lý. Câu chuyện mà ông Đinh Việt Cường, nguyên Phó Bí thư Thị ủy Phủ Lý đưa người nghe đi theo chuỗi thời gian và lịch sử của một Phủ Lý xưa. Bản thân ông đã sống ở đây từ năm 1954, lại làm lãnh đạo chủ chốt của thị xã nhiều năm nên lịch sử thị xã trong ký ức của ông rất dày và ông nhớ rất nhiều chuyện về thị xã, về lịch sử của mảnh đất này.

Theo lời kể của ông, trước đây, thị xã chỉ dài từ cầu Phủ Lý, nơi có hai “mắt rồng”, tức là hai hồ nước trong xanh có tên là hồ Châu Giang (sau này đã được san lấp xây trụ sở của một số sở, ngành như Tài Chính, Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Điện lực…) và kéo đến cầu Phủ Lý mới hôm nay (gần Toà nhà Tiến Lộc, ven quốc lộ 1A). Chiều rộng của thị xã được tính từ bờ Đông sông Đáy đến dốc Mễ. Cả thị xã có độc nhất một cây cầu gọi là Bến Chi Nê, hay còn được gọi là cầu phao, bắc qua sông Đáy để dân từ bờ bên thị xã sang bên Phường Lê Hồng Phong bây giờ, đi vào Ba Sao, Hoà Bình. Một chiếc cầu xe lửa khác xây dựng rất chắc chắn, bằng cốt thép xi măng nhưng bị bom đạn đánh sập trong chiến tranh. Bên phải cây cầu này là làng nổi Châu Thủy, hay còn gọi là làng chài. Cuộc sống của những người dân sông nước ấy rất tự do nhưng nghèo khổ. 

Tự hào Phủ Lý 
TP Phủ Lý nhìn từ trên cao. Ảnh: Trương Dũng

Phủ Lý là mảnh đất giao thoa, hội tụ của 3 dòng sông: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu nhưng dòng Châu Giang lại như có ý nghĩa hơn cả với người dân thị xã nghèo khi đó. Dòng sông chảy giữa những xóm làng xanh mướt cây cối từ Duy Tiên về Lý Nhân, qua thị xã… Làng Châu Cầu ven sông Châu nổi tiếng từ đời này qua đời khác vì có một dòng họ Bùi hiển danh khoa cử, trong đó phải kể đến Tiến sỹ Bùi Văn Dị. Ông có tên chữ là Ân Niên, Châu Giang, Hải Nông, Tốn Am, sinh năm 1833 trong một gia đình nho học. Bùi Văn Dị đỗ Cử nhân năm 1855 và sau đó một năm ông mới vào Huế dự thi hội, thi đình và đạt học vị Phó bảng cùng người em họ, con ông chú ruột là Bùi Văn Quế. Ông được bổ làm Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Ninh, rồi làm Án sát Ninh Bình, sau đó sung vào Nội các. Năm 1876, Bùi Văn Dị được cử làm Chánh sứ, đi sứ Nhà Thanh. Hai năm sau, ông được sung vào Nội các được cử làm Duyệt quyển thi hội, thi đình lần thứ 2… Khi quân Pháp mở rộng xâm lược đánh chiếm Bắc Kỳ, ông đã dâng sớ đề nghị kiên quyết chống đánh và được cử làm Khâm sai phó kinh lược sứ Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 27 và 28/3/1883 chặn quân Pháp lấn ra ngoại vi Hà Nội. Ông được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh. Tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của ông bị tổn thương đến phát bệnh khi triều đình nhà Nguyễn ký hàng ước 25/3/1883. Bùi Văn Dị không chịu nổi sự sỉ nhục quốc thể  đó đã từ chối chức Tổng đốc Ninh Thái về ở ẩn tại Thanh Hóa.

Tuy nhiên, duyên nợ với triều đình chưa hết, năm 1884, ông bị triệu về làm Nhật Giảng Quan, giảng giải sách cho vua Kiến Phúc và sau đó là vua Hàm Nghi. Đến cuối năm 1887, ông lại được triều đình gọi về làm Phụ chính đại thần. Trong dịp này, ông đã được truy phục học vị Tiến sỹ khoa Ất Sửu 1865. Ba năm sau đó, ông từ chức Thượng thư bộ lại và Phụ chính đại thần, trong lòng mang nặng nỗi niềm chính sự. Ông mất năm 1895 tại Huế. Linh cữu được đưa về quê xã Châu Cầu, Phủ Lý xưa an táng tại cánh đồng Ngũ Mã. Sau này, con cháu họ Bùi đất Châu Cầu đã di chuyển mộ ông về nghĩa trang Bảo Lộc...

Kể từ đời Tiến sỹ Bùi Văn Dị trở xuống, dòng họ này đã có ba đời liền trong cùng một thời kỳ lịch sử phong kiến đỗ đại khoa là Bùi Văn Dị, Bùi Văn Quế (em trai ông Bùi Văn Dị), Bùi Hướng Lập (con trai ông Bùi Văn Dị) và Bùi Hướng Thành (cháu ruột ông Bùi Văn Dị). Bùi Thức, con trai phó Bảng Bùi Văn Quế đỗ Tiến sỹ khoa Mậu Tuất năm 1898, không ra làm quan chỉ ở nhà dạy học. Cháu nội Phó bảng Bùi Văn Quế là Bùi Kỷ cũng đỗ Phó bảng năm 24 tuổi theo gương cha Bùi Thức không làm quan... Đến hôm nay, dòng họ Bùi vẫn nổi tiếng là dòng họ lớn ở đất Phủ Lý. Rất nhiều người con của dòng họ đã phát huy truyền thống hiếu học của cha ông trở thành những tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư giỏi trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Trong câu chuyện của mình về đất và người Phủ Lý xưa, ông Đinh Việt Cường sẽ sàng bảo, nếu được ngồi trên thuyền vãn cảnh sông Châu, nghe đọc mấy câu này của cụ Bùi: “Đồng quê dãi ánh tà dương/ Sông dài nước lụt mênh mang ngập đầy/ Núi xanh cây lá chen dày/ Đội vầng mây trắng chim bay ngang trời/ Khói tuôn sóng vỗ bời bời/ Thuyền câu đậu bến ông chài nằm không...” thì sẽ chẳng bao giờ hết nhớ quê hương.

Đất và người như một mối duyên nợ để đất anh hùng sinh người tài hoa, nhân kiệt. Ngoài những nhân kiệt như cụ Bùi Văn Dị cùng họ tộc danh giá của cụ, sau này, cũng có rất nhiều người tài hoa có nguồn cội, gốc gác Phủ Lý… Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ người ở Thanh Châu, vốn là kỹ sư cầu đường nhưng viết nhạc rất hay. Cuối những năm 60 thế kỷ trước, ông đã là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam với những tác phẩm nổi tiếng như “Con cò be bé”, “Cầu Hàm Rồng”… Và, ấn tượng về Phủ Lý trong nhiều tác phẩm của ông là nỗi buồn, là niềm tự hào; là một Phủ Lý nhỏ bé, điêu tàn trong chiến tranh, là mục tiêu đánh phá ác liệt của giặc nhằm cắt đứt tuyến liên lạc, chi viện Bắc - Nam.

Viết về Phủ Lý xưa, ông từng viết “đất nước đi qua Phủ Lý túi bom, dẫu phố phường chìm trong đổ nát, còn trái tim đây bừng sáng soi đường…”. Đó là những ca từ đi mãi cùng năm tháng, đi mãi cùng đất và người Phủ Lý. Nhạc sỹ Lê Xuân Thọ rất yêu những cây cầu, khi về Phủ Lý, nhìn thấy những cây cầu mới, con đường mới, những ngôi nhà mới của một Phủ Lý phát triển, lòng ông thấy vui, bởi ông nghĩ, ở đâu có cầu mới, đường mới thì văn hoá và kinh tế đó ở đó ắt đi lên. Đã qua rồi cái thời Phủ Lý còn là thị xã nhỏ, người dân toàn đi bộ nên dẫu là con ngõ cũng thấy rộng và dài…

Qua thăng trầm thời gian, một Phủ Lý xưa tuy nhỏ và buồn, nhưng khó quên trong ký ức nhiều người. Bố tôi kể, cuộc sống của người dân thị xã lúc tôi chưa ra đời rất giản dị. Sự giản dị đến từ cách sống, lối sống, tư duy và cả tình cảm con người. Để giờ đây, khi đã bước vào độ tuổi thất thập cổ lai hy, cứ mỗi lần ra phố, nhìn dòng người đua chen tấp nập từ các ngả ùa về, những người già như bố tôi lại vời vợi nỗi lòng nhớ Phủ Lý xưa, nhớ mùi bánh gạo, xôi vừng, nhớ… 

Tôi sinh ra, lớn lên ở thành phố này khi nó còn là một thị xã tiêu điều với một vài dãy phố, những con đường heo hút, những công trình lịch sử để lại bị chiến tranh tàn phá, không còn nguyên vẹn. Thế hệ người trẻ chúng tôi ngày đó được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoà bình nhưng cũng đã chứng kiến một phần cuộc sống thiếu thốn, vất vả, nhọc nhằn của người dân thời kỳ bao cấp. Trong ký ức hạn hẹp của mình, những địa danh mộc mạc hằn sâu trong nỗi nhớ của chúng tôi, như: dốc nhà thờ đổ, dốc ông Quảng Thành, dốc lò mổ, ngõ khuy trai, đường Thanh niên… Nhớ cả những lô cốt, dấu tích buồn của chiến tranh; nhớ cửa hàng thực phẩm 1A nơi bán những chiếc kem mà tuổi thơ ai cũng mong một lần được tới; nhớ rạp chiếu bóng Biên Hòa chen chúc, đông nghịt người mỗi khi có buổi chiếu phim…

Đi qua khó khăn bằng sự nỗ lực, kiên cường vốn có, cứ thế, thị xã Phủ Lý nhỏ bé mà anh hùng đã vươn mình trở thành một thành phố trẻ, tràn đầy sức sống, đang bước những bước đi đầy vững chắc cùng đất nước phát triển. 

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy