"Nhớ mãi năm xưa trên đường ra trận
Đất nước đi qua Phủ Lý túi bom
Dẫu phố phường chìm trong đổ nát
Còn trái tim đây rực sáng soi đường"
Là người con của Phủ Lý mấy ai không biết bài hát này. Ca khúc “Về Hà Nam” của nhạc sỹ Lê Xuân Thọ gợi nhớ về một thời oanh liệt và hào hùng của vùng đất ngã ba sông, những năm quân và dân Phủ Lý kiên cường chiến đấu với máy bay giặc Mỹ khi chúng quay trở lại ném bom miền Bắc. Chiến tranh kết thúc, vượt qua những đau thương mất mát, từ đống đổ nát người dân Phủ Lý lại dốc sức xây dựng kiến thiết quê hương, để có một Phủ Lý phát triển như hôm nay.
Những năm giặc Mỹ quay trở lại bắn phá miền Bắc, ông Ngô Văn Tỵ (ở Lam Hạ) mới là một thiếu niên nhưng đã tham gia phục vụ ở trận địa pháo phòng không Lam Hạ. Ông cho biết: Khi đó mình làm nhiệm vụ vác đạn, tải thương, chặt cây ngụy trang trận địa,... Giặc Mỹ ném bom kinh khủng lắm, có ngày chúng đánh bom điên cuồng từ sáng tới tối. Cá dưới sông trúng bom chết nổi trắng mặt nước. Nhà cửa, xóm làng, thị xã tan hoang. Xóm nhà tôi có ngày 2 quả bom rơi vào, có gia đình trong hầm 3 người đều trúng bom thiệt mạng, thi thể tan nát lẫn lộn hết, đau thương vô cùng. Bom đánh dữ dội vào khu vực cầu Phủ Lý, cầu phao Hồng Phú, khu ga, khu Quyết Tiến, chợ Trấn, các trận địa pháo phòng không, khu bách hóa thị xã cũ bị bom đánh sập, bao nhiêu khung xe đạp, hàng hóa bắn tung toé lẫn cùng gạch, vữa…
Những trận bom điên cuồng hủy diệt của giặc Mỹ đã khiến hơn 90% nhà dân bị san phẳng; các đầu mối giao thông, các công trình công cộng bị phá hủy hoàn toàn. Cả thị xã chi chít hố bom, ngổn ngang đổ nát. Ông Tỵ nghẹn ngào kể lại, thậm chí nhiều người chết đã chôn lại bị bom đánh bật lên, phải chôn đi chôn lại mấy lần, đau đớn và tang thương vô cùng.
Trong những tháng ngày ác liệt đau thương ấy, quân và dân Phủ Lý đã cùng bộ đội chủ lực anh dũng kiên cường đánh trả lại những đợt tấn công của máy bay Mỹ. Các chiến sỹ trận địa pháo phòng không Lam Hạ, Phù Vân chiến đấu anh dũng, bắn trả dữ dội máy bay giặc Mỹ. Nhiều người đã anh dũng ngã xuống, nhiều người bị thương, nhưng nhiều máy bay Mỹ đã bị bắn rơi... Theo tư liệu lịch sử, từ năm 1965 đến tháng 9/1967, máy bay giặc Mỹ đã đánh vào Phủ Lý 55 trận với 559 lần chiếc máy bay oanh tạc. Chúng đã ném 3.140 quả bom phá, napan, bom bi, rốc két, bom nổ trên không nhằm san bằng thị xã Phủ Lý nhỏ bé khi ấy chỉ có diện tích chưa đầy 1 km2. Riêng năm 1972, chỉ trong hai tháng 5 và 6 đã có 275 lượt chiếc máy bay Mỹ đánh phá thị xã, ném hàng trăm tấn bom các loại; từ tháng 9 đến tháng 12/1972, đã có 250 lượt máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời Phủ Lý, trút 700 quả bom các loại xuống thị xã bé nhỏ.
Sự kiên cường của quân dân Phủ Lý đã giúp giữ vững huyết mạch giao thông Bắc-Nam được thông suốt, góp phần vào thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
46 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Từ thị xã bé nhỏ năm nào, giờ Phủ Lý đã là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, người dân Phủ Lý càng biết quý trọng hơn một cuộc sống bình yên cho mọi nhà, mọi người. Các thế hệ người Phủ Lý không ngừng lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Phủ Lý đã dần trở thành một thành phố năng động, hiện đại ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội với kinh tế tăng trưởng vượt bậc; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn được đầu tư xây dựng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 16,9%/năm, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 69 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Phủ Lý cũng đã hoàn thành xuất sắc chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2018, 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Phủ Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới. Phủ Lý đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm của khu vực về thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, là đô thị thông minh vào năm 2025.
Phủ Lý hôm nay, những con phố rộng dài, những tòa nhà cao tầng, cửa hàng, siêu thị đầy ắp hàng hóa, tấp nập người mua… Dòng sông Châu, sông Đáy uốn lượn, thanh bình. Cầu Phủ Lý, cầu Hồng Phú tấp nập người xe qua lại. Những chuyến tàu vào ra bình yên trong ga Phủ Lý. Những trận địa pháo năm xưa nay là cánh đồng lúa mướt xanh, ruộng hoa rực rỡ sắc màu,…
Trong sự phát triển của Phủ Lý hôm nay, đây đó vẫn còn những dấu tích của cuộc chiến ác liệt khi xưa, trong lòng đất, trong ký ức của người dân, và trên những vết thương của những người con dũng cảm chiến đấu năm xưa mỗi khi trái gió trở trời... Đền thờ Liệt sỹ tỉnh, đền thờ 10 cô gái Lam Hạ,… luôn thoang thoảng khói hương, nhất là trong những ngày tháng Tư lịch sử này. Đồng đội, người dân vẫn luôn nhớ và biết ơn những người con quê hương đã anh dũng chiến đấu hy sinh, vì hòa bình, tự do của dân tộc. Người dân không quên những mất mát nhưng đã nén xuống để xây dựng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc và phát triển. Những mất mát, nỗi đau đã trở thành động lực để các thế hệ người dân Phủ Lý biết yêu quý, trân trọng cuộc sống hòa bình, dốc sức xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đỗ Hồng