Triều đại Tây Sơn trên đất Hà Nam

Quyển địa bạ có dấu triện “ Hoàng đế chi bảo”; các chuông đồng Cảnh Thịnh năm thứ 8 (1800) ở chùa Phúc Thủy, xã Hợp Lý, Lý Nhân, chuông đồng Cảnh Thịnh ở chùa Mỹ Thọ, huyện Bình Lục và nhiều đạo sắc phong triều đại Tây Sơn tại Hà Nam .vv… là những tư liệu quý, còn lưu lại đầy tự hào của triều đại Tây Sơn hiển hách trong lịch sử.

XUÂN KỶ DẬU 1789

230 năm trước (1789-2019), người dân kinh thành Thăng Long và các trấn Bắc Hà, đón Tết Kỷ Dậu (1789) thật đặc biệt, Tết mừng chiến thắng của người anh hùng áo vải Tây Sơn giải phóng Thăng Long.

Ngay sau khi tuyên chiếu lên ngôi ( 22-12-1788), Hoàng đế Quang Trung (1753-1792) lập tức xuất đại binh thần tốc Bắc phạt.

Cuộc hội quân Bắc - Nam tại đèo Tam Điệp (Ninh Bình), nhà vua hẹn với ba quân đến ngày hạ nêu (mồng 7 tháng Giêng) cho quân sĩ ăn Tết tại Thăng Long sạch bóng quân thù.

Đêm giao thừa năm ấy, tiền quân diệt đồn Gián Khẩu giáp ranh hai tỉnh Ninh Bình - Hà Nam. Giữ nghiêm bí mật, quân sĩ phải ngậm miệng hành tiến nên nơi này sau có tên là “Gián Khẩu”. Quân tình báo nhà Thanh bị đánh úp bất ngờ, bị bắt gọn và giết sạch, không để lọt tin tức quân báo (Đại Nam chính biên liệt truyện - Quyển 30). Thủy bộ chia làm 3 mũi, qua đất Châu Cầu (Phủ Lý ngày nay) thẳng tiến Ngọc Hồi. Đến mồng 3 tết (28/01) quyét đồn Hạ Hồi, cách Thăng Long 30 km và hạ đồn Ngọc Hồi chỉ còn cách Thăng Long 14km.

Giờ Ngọ mồng 5 tết Kỷ Dậu, vừa im tiếng súng, xác giặc chất thành gò ở Đống Đa, kinh thành vang lên những tràng pháo mừng xuân, dân phố tràn ra đường, mang bánh chưng, rượu tết khao đoàn quân chiến thắng. Trên bành voi chiến, áo bào nhà vua còn sạm màu thuốc súng, Hoàng đế chọn cành đào Thăng Long đẹp nhất, cho kỵ mã phi về Phú Xuân báo tin thắng trận với công chúa Ngọc Hân. Đất nước sạch bóng giặc.

Sơn Nam Thượng (Hà Nam) vinh dự được góp phần vào chiến thắng. Đoàn quân áo vải, cờ đào đi đến đâu, dân chúng các làng đón chào, các cụ bô lão làm thơ mừng, nhiều làng gánh gạo, mổ lợn, mổ trâu khao quân. Từ Động Xuyên (Thanh Liêm) đến Động Linh (Duy Tiên), trai tráng nô nức đầu quân ngày thêm đông thêm mạnh.

LÀNG QUY LƯU ( THÀNH PHỐ PHỦ LÝ)

Trước thời Quang Trung, Hà Nam thuộc trấn Sơn Nam, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) đời vua Lê Hiển Tông, trấn Sơn Nam cải thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Thời Tây Sơn (1788-1802), trấn Sơn Nam Thượng có quan trị nhậm là trấn thủ và quan phụ tá (Hiệp Trấn), phủ lị của trấn coi như một huyện, nên đặt quan văn là Phân tri, quan võ là Phân xuất cai quản. Sử liệu cho biết, khi dừng chân tại Châu Cầu, đích thân Hoàng đế Quang Trung xem xét, cắt đặt bộ máy quản lý hành chính của trấn.

Chuyện rằng: Sau chiến thắng, quân sĩ về qua đây, thấy trên bến dưới thuyền, làm ăn thông thuận, một số người xin ở lại lập nghiệp, những người còn lại theo nhà vua trở về Phú Xuân, nơi họ chia tay có tên là “Quy Lưu” (nay còn tên đường Quy Lưu) tại thành phố Phủ Lý.

ĐÔ ĐỐC NGUYỄN CÔNG DUỆ

Nguyễn Công Duệ (1751-1804), quê thôn Giáp Nhất, xã Động Xá (nay là Liêm Cần, huyện Thanh Liêm). Tổ tiên họ Nguyễn, định cư tại đất Động từ cuối thế kỷ XVI, ba đời làm quan Thiên hộ nhà Lê. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Nguyễn Công Duệ được quan huyện Vĩnh Khang ( Nghệ An) là Lưu Trắc Kỳ nhận làm con nuôi. Vốn thông minh, sức khỏe hơn người, ông trở thành võ quan, được phong là phó Thiên hộ cầm một đạo quân hơn 1.000 người.

Quân Tây Sơn ra Bắc, hưởng ứng chiếu cầu hiền của Hoàng đế Quang Trung, vị tướng nhà Hậu Lê - Nguyễn Công Duệ mang đạo quân của mình đi theo Tây Sơn, tham gia chiến dịch xuân Kỷ Dậu (1789) lập nhiều công tích.

Sau đó, ông được Hoàng đế Quang Trung bổ làm Phó tướng trấn giữ vùng Nghệ An và doanh Kỳ Hoa ( Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Có 8 vị quan chức được tin dùng, cai quản các trấn, các bộ, Nguyễn Công Duệ (Bộ Lại) coi giữ dinh điền và chức Hiệp trấn ( Hiệp trấn, võ quan giữ trấn, có từ thời Lê, dưới chức trấn thủ. Sau đổi trấn thành tỉnh, hiệp trấn đổi là Bố chính, làm phó cho Tổng đốc). Năm Quang Trung thứ 3 (1790), Nguyễn Công Duệ được Hoàng đế giao giữ chức Thông huyện trưởng huyện Thanh Liêm, trấn Sơn Nam Thượng.

Ông mất năm Gia Long thứ 3 ( 1804) thọ 54 tuổi, hiện thôn Giáp Nhất, xã Liêm Cần, còn đền Quan hậu thờ ông.

ĐỔI MỚI, PHỤC HƯNG ĐẤT NƯỚC

Là một thiên tài quân sự lỗi lạc, Quang Trung còn là một nhà lãnh đạo đất nước tài ba. Hoàng đế có nhiều chính sách đổi mới, xây dựng đất nước về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế văn hóa giáo dục, ngoại giao…

Chiếu khuyến nông có đoạn: “ Trẫm chịu mệnh trời, giữ nghiệp lớn, bốn bề trong lặng. Nay buổi đầu đại định, chính sách khuyến khích sản xuất là có dân giầu, phải được tiến hành lần lượt…”.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy quyển Địa bạ ở đền Quan Hậu xã Liêm Cần do thông huyện trưởng Thanh Liêm Nguyễn Công Duệ tâu trình vua Quang Trung, có dấu triện với dòng chữ: “ Quang Trung ngũ niên sơ nguyệt nhật cẩn khai”, ( Khai trình báo ngày đầu tháng năm Quang Trung thứ 5). Địa bạ chép trên giấy bản loại tốt, mở đầu ghi: “ chúng tôi gồm thông huyện trưởng Nguyễn Công Duệ, xã trưởng Hà Văn Du, Nguyễn Công Kỳ, cúi đầu trăm lạy, kính cẩn kê khai các loại ruộng thực canh, lưu hoang, sụt lở xuống sông, cùng ruộng mới khẩn hoang do tựu tập dân lưu tán. Xin kê khai đầy đủ như sau:

Được các quan Vũ phân xuất, Văn phân tri, các quan đứng đầu huyện khám thực và có văn bản phê chuẩn. Theo địa bạ, đến năm 1790, xã Động Xá có 7 hạng ruộng đất, ruộng quan điền ( ruộng công), tư điền và các loại đất thổ từ (ao công), thổ trạch viên từ ( vườn ao, đất ở), đến đất thần từ, Phật tự… cho thấy có một phần đáng kể là vườn, ao, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình bấy giờ.

Điều dễ nhận ra là, tuy làm quan chức to, nhưng các ông không có ưu đãi riêng về quyền lợi. Không thấy họ được phần lộc điền, đã vậy, mỗi vị còn tự bỏ công của, giúp dân khẩn hoang, xây dựng đời sống ấm no.

Đáng chú ý là cam kết: “ Từ đây trở lên, sổ địa bạ có 13 tờ 26 trang, kê khai tường tận như trong sổ. Nếu trong đó có điều gì man trá, lấy công làm tư, lấy thực canh làm lưu hoang, ẩn lận điền thổ, từ một thước trở lên, sau tra khám phát hiện ra là không thực, thì bản xã chúng tôi từ Vũ Đình Thân đến Nguyễn Công Kỳ trưởng thôn cam tịch biên gia sản và chịu tội tử hình, nay cam đoan. (Theo bản dịch của Tiến sĩ Bùi Quy Lộ - Khoa lịch sử ĐHSP I Hà Nội.)

Quyển địa bạ có dấu triện “ Hoàng đế chi bảo”. Dấu tích thời đại Tây Sơn còn nhiều trên đất Hà Nam, các chuông đồng Cảnh Thịnh năm thứ 8 ( 1800) ở chùa Phúc Thủy xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, chuông đồng Cảnh Thịnh ở chùa Mỹ Thọ huyện Bình Lục. Địa bạ thời Tây Sơn ở thôn Động Xá huyện Thanh Liêm lập sau chiến chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) một năm và nhiều đạo sắc phong triều đại Tây Sơn .vv… là những tư liệu quý, còn lưu lại bào quang bất  diệt đầy tự hào của triều đại Tây Sơn hiển hách trong lịch sử.

Nguyễn Thế Vinh - Trương Văn Thơ

Nguyễn Thế Vinh - Trương Văn Thơ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy