Tiến sĩ Lý Trần Thản

“Tiến sĩ Lý Trần Thản” là cuốn sách viết về danh nhân lịch sử Lý Trần Thản, do nhà thơ Nguyễn Thế Vinh, thành viên Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Tôn giáo chủ biên.

Được biết, để khắc họa được rõ nét, chân thực, sinh động thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Tiến sĩ Lý Trần Thản – người con quê hương núi Đọi sông Châu (người khai khoa của đất học Lê Xá, người được chọn đặt tên đường phố tại TP Phủ Lý và phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên), ngoài đọc, nghiên cứu, sưu tầm rất nhiều nguồn tư liệu, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh còn dày công đi về quê nội, quê ngoại, tới các di tích có liên quan đến Tiến sĩ Lý Trần Thản để tìm hiểu, nghiên cứu, thu thập thông tin. Cuốn sách còn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian của Trung ương, địa phương, có sự tham gia của các vị đại diện dòng họ Lý Trần...

Với cách viết giản dị, ngắn gọn, xúc tích, có hệ thống, 6 phần của cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những thông tin cụ thể về sự hình thành của dòng họ khoa bảng Lý Trần từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII (dòng họ nổi tiếng với hai anh em đỗ tiến sĩ cùng ngày); về quê hương, về gia đình, về thân thế sự nghiệp, các giai thoại, thơ Lý Trần Thản... Đặc biệt, phần thứ 4, phần viết về Lý Trần Thản thu hút bạn đọc bởi cách thể hiện “lồng văn vào sử” hài hòa mà khúc triết qua những câu chuyện kể dung dị, giàu cảm xúc.

Tiến sĩ Lý Trần Thản
Bìa cuốn sách “Tiến sĩ Lý Trần Thản”.

Tiến sĩ Lý Trần Thản cất tiếng khóc chào đời ngày 12/3 năm Tân Sửu (1721) tại xóm Giếng, xã Lê Xá (nay là làng Lê Xá, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Cha của ông là Đặng Trần Diễm, quê làng Vân Canh. Mẹ ông là bà Lê Thị, người xã Lê Xá, tổng Đội Sơn, trấn Sơn Nam Thượng. Từ nhỏ, Lý Trần Thản đã được cha rèn cặp cẩn thận, từ nét chữ đến nét người. Đặc biệt, người cha luôn dạy con lấy chữ Đức làm đầu. 11 tuổi, mẹ qua đời, Lý Trần Thản được cha đưa về Vân Canh. Năm 12 tuổi, Lý Trần Thản theo học thầy Nguyễn Quảng Cư, sau này ông Quảng Cư về làm quan ở phủ Thường Tín. Năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), ngoài 20 tuổi, Lý Trần Thản đỗ Tam trường. Năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744) ông được bổ làm Tri huyện Thanh Hà (Hải Dương). Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), được bổ làm Tri huyện Phú Xuyên. Năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) làm quan Trấn thủ Hưng Hóa, rồi Trấn thủ Đà Giang. Năm Cảnh Hưng 12 (1751) lên Tuyên Quang, có công dẹp loạn, được phong chức Binh bộ thị Lang, tước Tuy viễn Hầu. Năm Kỷ Sửu (1769), 48 tuổi, đỗ Tiến sĩ, về nhậm chức Tri phủ Lỵ Nhân. Tháng 10 năm Kỷ Sửu (1769) vào kinh là Hữu Tư Giảng. Năm 1770 nhậm chức quan Hình bộ thị Lang. Năm 1773 vào sông Gianh. Năm 1773 quay ra Bắc... 

Trưởng thành trong khoa cử phong kiến, trong giai đoạn lịch sử thế kỷ XVIII nhiều biến động (vua Lê, chúa Trịnh, Trịnh – Nguyễn phân tranh), nhưng với đức thanh liêm chính trực, cùng tài năng và đức độ của mình, Lý Trần Thản đã đóng góp xứng đáng vào giai đoạn lịch sử này. Khi làm Tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội), với tài trị nhậm, ông giữ được bản hạt thanh bình, ngày không lo cổng chưa gài, đêm dân yên giấc ngủ. Ngày Lý Trần Thản đảm nhiệm việc quan ở phủ Lỵ Nhân, ông đặt thêm các điểm tuần phòng trên các tuyến đê xung yếu sông Hồng, sông Châu. Từ miền đồng bằng ông được cử đi công vụ ở xứ Hưng Hóa, nơi biên giới phía Bắc. Với tài văn võ song toàn, từ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... nơi nào ông đến là làng bản yên ổn, nhân dân vui mừng. Sau ngày thi đỗ tiến sĩ (1769), ông nhận việc rèn cặp Thế tử Trịnh Tông (tính thế tử ham võ nghệ, không thích học hành), con chúa Trịnh Sâm với chức Tư giảng ở phủ Chúa. Nhờ sự kèm cặp của ông và các hiền quan khác, Trịnh Tông đã bớt chơi bời, có ý thức hơn về dòng tộc, khôn khéo hơn trước nạn kiêu binh. Những ngày được phong chức Hành quân Tư mã (Bộ tham mưu tiền phương của chúa Trịnh) cầm mấy ngàn quân vào sông Gianh xem xét tình hình, ông bí mật cho người vượt sông Gianh quan sát thực địa, lập bản đồ, sửa chữa lán trại, chăm sóc binh sĩ ốm đau... Nhờ tài mưu lược của Lý Trần Thản, việc tranh chấp của hai tập đoàn phong kiến Trịnh -  Nguyễn được dàn xếp, bớt được cảnh đổ máu xương, gây đau khổ cho nhân dân.   

Năm 1774, Lý Trần Thản trở lại quê ngoại Lê Xá. Mấy mẫu đất triều đình ban, ông hiến cho làng để làm đình, còn mình trở về xóm Giếng nơi vườn xưa của mẹ để ở, làm nơi thờ tự, đồng thời làm trường dạy trẻ. Tiến sĩ Lý Trần Thản tạ thế ngày 14 tháng 2 năm Bính Thân (1776) tại làng Lê Xá. Khi Lý Trần Thản mất, triều đình Lê - Trịnh giao cho Tri phủ Lỵ Nhân Nguyễn Hữu Huân tổ chức tang lễ trọng thể, có đông đảo quan chức triều đình Lê – Trịnh, phủ Lỵ Nhân, đồng môn, học trò và dân chúng tham dự. Thay mặt triều đình quan Tri phủ Lỵ Nhân đọc điếu văn. Câu đối của quan phủ Lỵ Nhân được bình là hay nhất: “Dĩ hiếu, dĩ trung đương nhật thiểu/Hoàn danh, hoàn phúc kỷ nhân đồng”, nghĩa là “Giữ hiếu, giữ trung nào thấy lắm/Vẹn danh, vẹn phúc mấy ai bằng” – Tố Hữu dịch năm 1978. 

Qua cuốn “Tiến sĩ Lý Trần Thản” - Dòng họ, gia đình, thân thế, sự nghiệp, tài đức và những đóng góp to lớn của Lý Trần Thản với dân, với nước cùng những áng thơ nổi tiếng của ông... được thể hiện đầy đủ, chân thực dựa trên Ngọc phả của dòng họ, qua những tư liệu Hán Nôm quý được dịch thuật, biên tập, chú thích rõ ràng; qua các nguồn tư liệu, các câu chuyện kể... Trao đổi với nhà thơ Nguyễn Thế Vinh được biết, khi cuốn sách còn ở dạng bản thảo, nhà thơ đã phô tô thành nhiều bản chuyển về dòng họ Lý Trần làng Lê Xá để mọi người trong dòng họ đọc, cùng tham gia đóng góp ý kiến.

Với trên 300 trang, cuốn sách “Tiến sĩ Lý Trần Thản” không chỉ giúp con cháu dòng họ Lý Trần hiểu thêm về gia phong, tăng niềm tự hào, mà còn là nguồn tư liệu quý cho những người muốn tiếp bước nghiên cứu về Lý Trần Thản sau này. Và không chỉ con cháu dòng họ Lý Trần, người dân Lê Xá, qua cuốn “Tiến sĩ Lý Trần Thản” người dân Hà Nam nói chung thêm hiểu và tự hào về một danh nhân khoa bảng – người con của quê hương, người có nhiều thành công và đóng góp vào sự nghiệp khoa cử, vị quan thanh liêm, tài giỏi, chính trực giúp dân, giúp nước, để lại tiếng thơm muôn đời.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy