Quốc ca Việt Nam là bài hát Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao (1923-1995), quê xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bài hát được tác giả sáng tác năm 1944, được Bác Hồ giới thiệu để Quốc dân Đại hội quyết định làm Quốc ca từ mùa thu cách mạng năm 1945. Trong tiếng nhạc hùng tráng vang lên, cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 02 tháng 09 năm 1945 lịch sử. Ngoài gia tài âm nhạc, cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn Cao còn là nhà thơ, họa sỹ nổi tiếng. Trong số các tác phẩm hội họa của ông, bức tranh sơn dầu chân dung nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941), quê làng Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, là tác phẩm mỹ thuật đặc sắc.
Câu chuyện về bức tranh nổi tiếng liên quan đến sự kiện trọng đại đi tìm ai là người đã phác họa đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng.
Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Nam, sinh ngày 21/09/1928, quê làng Hoa Lý, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là tác giả tiểu thuyết Búp sen xanh về Bác Hồ và nhiều tác phẩm lịch sử cách mạng Việt Nam, nhà văn đã dành nhiều năm theo đuổi đề tài này.
Căn cứ các tài liệu Sơn Tùng sưu tầm được ở các cơ quan lưu trữ quốc gia, các hồ sơ mật của người Pháp để lại, tìm gặp các bậc lão thành cách mạng tham gia phong trào yêu nước và cách mạng giai đoạn 1930-1945 ở cả ba miền nước ta. Đặc biệt là công trình nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940-1941, nơi đầu tiên xuất hiện cờ đỏ sao vàng.
Những tư liệu đã công bố của nhà văn Sơn Tùng, xác định được người phác họa Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ là nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến.
Việc xác minh tác giả người vẽ cờ Tổ quốc được nhà văn Sơn Tùng viết thành sách, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, được dư luận quan tâm, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí giới thiệu. Nhà văn Sơn Tùng đã tìm gặp người bạn là cố nhạc sỹ Văn Cao và mời họa sỹ vẽ chân dung Nguyễn Hữu Tiến. Từ bức ảnh gốc nhà văn chụp được trong hồ sơ mật thám Pháp, Sơn Tùng đã về làng Lũng Xuyên 16 lần thu thập sử liệu, trong đó có cả thơ ca yêu nước và cách mạng của Nguyễn Hữu Tiến. Đây là những tài liệu quý hiếm, được đưa vào các cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Yên Bắc, Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Ngôi nhà tưởng niệm nhà cách mạng, địa chỉ đỏ cho các thế hệ hôm nay và mai sau tìm hiểu, hun đúc truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương.
Câu chuyện đi tìm người vẽ cờ Tổ quốc được nhà văn kể cho người nhạc sỹ nổi tiếng tường tận. Cảm hứng của nhà văn đã truyền lửa cho tác giả Quốc ca. Một ý tưởng lóe lên, cơ duyên để người viết Quốc ca họa người vẽ cờ Tổ quốc.
Để chuẩn bị sáng tác bức tranh, nhạc sỹ Văn Cao đã cùng nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Tân Trà về huyện Duy Tiên dự hội thảo “Thân thế, sự nghiệp của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến”. Các văn nghệ sỹ đã gặp con gái nhà cách mạng… Người nhạc sỹ già cảm kích nói với nhà văn Sơn Tùng:
- Qua câu chuyện, được về quê hương Nguyễn Hữu Tiến, mình cảm động rơi nước mắt, đã hình dung ra… Mình sẽ phác thảo để vẽ chân dung người vẽ cờ Tổ quốc.
Quá trình sáng tác bức tranh được họa sỹ Văn Thao, con trai nhạc sỹ kể. Hôm ở Duy Tiên, Hà Nam về, thấy người cha căng toan lên giá, chuẩn bị sơn dầu và bút vẽ. Tối đó, ông hý hoáy phác thảo bố cục đen trắng lên một mảnh giấy bằng bàn tay trông như một bức minh họa. Hôm sau, ông kẹp phác thảo lên góc của tấm toan rồi lấy than phóng hình lên toàn bằng những nét vẽ linh hoạt, chủ động và chính xác. Thường xem ông vẽ nhưng ít khi thấy ông phác thảo màu. Ông bảo: “Quan trọng là bố cục hình và mảng miếng trong bức tranh, còn tông màu thì đã hình dung trong đầu rồi nên khi thực hiện ta chủ động được trong việc sử dụng màu sắc, sắc độ. Như vậy, màu mới trong, tranh để lâu không bị xuống màu”.
Bức chân dung Nguyễn Hữu Tiến, Văn Cao vẽ trong hai ngày thì xong. Sơn Tùng đến, vừa bước vào nhà, thấy bức tranh, ông giật mình nhận ra đúng là Nguyễn Hữu Tiến. Nhà văn đưa ra bức ảnh chụp trong Hồ sơ mật thám Pháp so sánh, hai ông cùng ồ lên “Hoàn toàn giống”!
Nhà văn Sơn Tùng báo về cho huyện Duy Tiên lên đón nhận tranh. Nhạc sỹ Đặng Đình Hưng có mặt hôm đó, trầm trồ: “Đây là một tác phẩm nghệ thuật chứ không còn là bức chân dung thông thường”.
Năm 1994, khi tỉnh Nam Hà xây Nhà tưởng niệm Nguyễn Hữu Tiến tại quê hương, bức tranh này được đưa vào trưng bày. Bức tranh lịch sử lần đầu in trên bìa Tạp chí Văn Nhân và sau này in bìa Tạp chí Sông Châu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam./.
Nguyễn Thế Vinh