Vùng đất Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng được thiên nhiên ban tặng núi rừng trùng điệp, sông lớn chảy qua, có vực thiên tạo, có những cánh đồng rộng lớn phì nhiêu và những đầm hồ mênh mông sóng nước. Xưa, nơi đây đã được nhiều nhà tu hành nổi tiếng chọn làm nơi tu luyện hành đạo, đã xây nên quần thể tâm linh tám chùa, một miếu nổi danh thiên hạ với tên gọi Bát Cảnh sơn. Nay, tuy Bát Cảnh sơn không còn được như xưa nhưng vẻ hoang sơ, thơ mộng và quyến rũ vẫn còn vương vấn ít nhiều nơi những ngôi chùa còn lại với thời gian. Đó là ngôi chùa nằm lưng chừng ngọn núi có hình dáng con voi đang phủ phục được dân làng gọi là núi Voi quỳ hay núi chùa Ông - tên ngôi chùa.
Chùa Ông được hình thành gắn với sự tích Đức Thánh Tiên Ông. Ngài là con của một vị tướng quốc công đời nhà Trần. Thân phụ ngài có hai mươi ba thê thiếp nhưng không bà nào sinh được con trai. Trong một lần kinh lý trấn Sơn Nam, thân phụ ngài gặp và lấy một bà họ Lê ở xã Đại Cương (Kim Bảng) mới sinh ra ngài. Ngài sinh ngày rằm tháng sáu có mây ngũ sắc vờn bay báo hiệu một cuộc đời nhiều huyền cơ sau này. Cùng lúc đó ở triều đình, nhà vua nằm mơ thấy có một vị sư vào dâng bốn chữ “Mãn Nguyệt Thiên Nhân”. Một vị triều thần giải thích những chữ trên báo hiệu có đức Phật Mãn Nguyệt giáng sinh. Nhà vua thấy sự trùng hợp lạ lùng bèn chúc mừng lão quan họ Nguyễn và đặt tên cho quý tử của ông là Mãn Nguyệt như trong giấc mơ. Quý tử nối dõi tông đường được chăm sóc, nuôi dưỡng với đầy kỳ vọng của nhà họ Nguyễn. Ngài thông minh, đĩnh ngộ và từ nhỏ đã đặc biệt kính Phật, chăm dùng hương hoa lễ Phật. Đến năm mười tuổi bột phát căn, ngài xin được đi tu. Cha mẹ ngài thảng thốt phản đối nhưng ngài một mực xin đi đành phải cho ngài xuất gia. Đầu tiên ngài tu tại chùa làng, sau về vùng rừng núi Tượng Lĩnh tu luyện hành đạo tại chùa Tam Giáo – một trong Bát Cảnh sơn tự nằm trên cửa ngõ vào Hương Sơn Phật tích. Cùng với Đức Vân Mộng tức Thiền sư Nguyễn Minh Không, Đức Tiên Ông đã làm cho những giáo lý Phật giáo được lan truyền rộng rãi. Ngài được giao trấn tọa vùng Bát Cảnh, quản suất bách thần ở trấn Sơn Nam và được thụ chức là Bồ Tát Chân Nhân.
Đức Tiên Ông tu thờ đạo Phật nhưng không xa rời đời thực mà hòa nhập vào cuộc sống của muôn dân để cứu nhân độ thế. Ngài làm thuốc cứu người, cùng dân làng cấy lúa, trồng khoai, thu hoạch mùa màng, chạy mưa tránh lũ, trông nom con trẻ, nuôi trẻ mồ côi, cùng ăn cùng ở với dân làng. Ngài luôn tâm niệm: Nhà no người đủ ấy là tài lộc của ta. Sau một thời gian gắn bó với dân làng Quang Thừa, ngày rằm tháng sáu năm ấy, ngài hóa trên sườn núi Voi, đây chính là địa điểm dân làng lập đền thờ ngài từ đó cho đến nay. Ngài chính quả đường tu nên được gọi là Bồ Tát và có công với làng với nước nên trở thành Thành hoàng. Nhân dân thờ ngài với hai bức tượng tiền Bồ Tát, hậu Thành hoàng nên nơi thờ ngài vừa có thể gọi là chùa Tiên Ông cũng có thể gọi là đền Đức Thánh Tiên Ông là vì thế.
Sau khi hóa nhưng linh khí của ngài vẫn thường xuất hiện phù độ chúng sinh, phò vua giúp nước. Nhân dân Quang Thừa còn nhớ mãi câu chuyện thời giặc Minh đô hộ, để dễ bề cai trị chúng phá trừ các linh thần nước Việt, trong đó có bức tượng bằng đồng của ngài bị chúng đưa đi rèn vũ khí. Chúng dùng mọi cách nhưng không sao phá được, dùng bấc quấn đốt hàng giờ liền tượng vẫn nguyên vẹn. Thậm chí ngài còn tức giận làm mưa ba ngày liền, nước mưa đỏ như máu làm cho quân Minh chết hàng loạt. Quân Minh biết bị uy linh ngài trừng phạt bèn sắm lễ vật sám hối, sai đúc tượng mới thờ ở chùa Ông, còn tượng cũ đưa về Thịnh Đại quê mẹ để nhân dân Thịnh Đại thờ. Từ đó Thịnh Đại và Quang Thừa đều thờ chung một mẫu tượng ngài. Đến khi Lê Lợi khởi nghĩa đánh giặc Minh, nhà sư Huyền Quang Chân Nhân đang tu hành ở chùa Tam Giáo nhiều lần mơ thấy ngài ra chỉ truyền bảo theo đạo trời phù Lê đánh đuổi giặc Minh. Nhà sư tuân lời động viên các tăng ni, phật tử xuất thế cùng quân dân trăm họ theo nhà Lê đánh giặc, cứu nước. Đất nước đại thắng, ngài được nhà vua truy tôn là “Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ, thiên vương Bồ Tát”.
Đền Tiên Ông năm 1950 còn bị quân Pháp phá hoại lấy vật liệu xây bốt trên núi Voi, nhưng bức tượng ngài vẫn được người dân Quang Thừa bảo quản, giữ gìn. Hòa bình lập lại, dân làng xây lại một gian chùa nhỏ đưa tượng ngài lên thờ. Năm 1995, chùa Ông được chỉnh trang, nâng cấp to đẹp, có khuôn viên rộng, tường bao, sân lát gạch, cây cối tốt tươi. Dưới chân núi có nhà khách và khu vườn cây nhìn ra vực chùa Ông. Đền hình chữ Tam, tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và 1 gian hậu cung. Hiện nay, tại chùa Ông còn lưu giữ được nhiều thần phả, sắc phong và nhiều đồ thờ tự quý hiếm, như: hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương cổ bằng đá, đồng và 2 pho tượng Đức Thánh. Trong những bản sắc phong quý hiếm có sắc phong vua Trần Dụ Tông, trong đó nhà vua có đề đôi câu đối, được tạm dịch nghĩa: Tiền là Phật, hậu là thánh các bách thần. Ngài ngự trên núi cao trấn đầu địa mạch nơi trời Nam. Các vua thời sau, như Lê Thái Tổ, Tự Đức cũng đều có đạo sắc phong và những câu đối thờ ngài. Nhiều bậc quan lại, nhân sĩ, trí thức cũng đều có câu đối, đại tự cúng tặng.
Nói đến chùa Ông không thể không nói đến vực chùa Ông. Vực hình thành ở đầu nhánh núi chùa Ông nên tên được gọi theo tên chùa. Vực chùa Ông được thiên tạo vào năm 1889 sau trận lụt lớn làm vỡ đê sông Đáy nước xoáy thành vực. Vực chùa Ông rộng 32 mẫu, vực rất sâu, chỗ sâu nhất khoảng trên 20 mét. Nước vực quanh năm trong xanh tạo cảnh quan thêm phần thơ mộng cho đền Đức Thánh Tiên Ông. Cùng với chùa Tam Chúc, chùa Bà Đanh, đền Trúc – Ngũ Động Sơn, đền và vực chùa Ông được xác định là điểm du lịch tâm linh độc đáo của huyện Kim Bảng.
Chu Bình