Phương Lâm - Vùng quê giàu bản sắc văn hóa

Nhắc đến Phương Lâm (Đồng Hóa, Kim Bảng) nhiều người dân trong vùng nhớ ngay đến mảnh đất từ xa xưa đã nổi tiếng với những nét văn hóa độc đáo riêng có trong hội làng, hội vật truyền thống đầu xuân.

Đình làng - nơi lưu giữ niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của người dân Phương Lâm.

Tự hào lưu giữ, tiếp nối truyền thống lịch sử

Theo tư liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phương Lâm xưa có tên gọi “Mộc Kiều Sách” (có cầu kiều bằng gỗ bắc qua), phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) địa danh “Mộc Kiều Sách” được đổi thành “Hoa Lâm Trang” bởi có năm xóm dân cư quần tụ rất đẹp, tựa năm cánh hoa mai xòe nở. Đến thời Nguyễn “Hoa Lâm Trang” đổi thành Phương Lâm. 

Ngoài sự độc đáo về thế đất, tên gọi, Phương Lâm còn có điểm khác biệt rất lạ là cả ba công trình tín ngưỡng quan trọng nhất của làng (đình, đền, chùa) đều tôn trí, thờ phụng ba nhân thần văn võ kiêm toàn, dày cao công đức với nước, với dân, lại là ba chị em cùng gia đình họ Hoàng- “nhất gia tam hiển thánh” (Một nhà có ba vị thánh). “Thần nữ Phu nhân- Hoàng Ngọc Chân” mà theo cách gọi nôm na và tôn kính của dân làng là “Bà chị” được tôn thờ tại ngôi đền phía bắc. Hai người em trai song sinh, người được thờ tại đình làng là “Ông anh” mang mỹ tự “Đông Bảng Hùng Trấn tướng quân- Hoàng Đình Độ”; người được thờ tại chùa là “Ông em” (Mỹ tự: “Đông Bảng Hùng Uy tướng quân- Hoàng Đình Ái”). Ba chị em cùng gia đình Hoàng tộc đều có công lớn dưới triều vua Lý Nhân Tông, khi hóa thánh hiển linh được triều đình ban mỹ tự và dân chúng Hoa Lâm Trang tôn kính phụng thờ.

Nói về những mỹ tục truyền thống mang đậm dấu ấn lịch sử của làng mình, cụ Nguyễn Văn Diện (thủ từ đình Phương Lâm) không giấu vẻ tự hào: Hằng năm từ mùng 9 đến 14 tháng giêng, nhân dịp sinh nhật “hai ông em trai”, người dân Phương Lâm lại náo nức mở hội. Đã thành lệ, sáng mùng 9, từ các cụ cao niên đến đám trai làng đều tất bật, ai vào việc nấy. Các cụ làm lễ yết cáo xin mở hội, rồi tiến hành nghi thức mộc dục (tắm tượng), bao sái (lau rửa) đồ thờ. Trung niên, trai đinh cắt cử nhau treo cờ, trang hoàng đình, đền, chùa, rồi dựng rạp đón khách, đóng gióng sới vật... Các bà, các cô tíu tít sửa biện trầu cau, chè rượu, bánh trái, gạo, thịt… lo lễ chung của làng. Các tư gia theo từng phe giáp vừa chăm chút lễ vật của giáp họ, vừa quét dọn đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Các cỗ kiệu sơn son thếp vàng được sắp ra trước sân chuẩn bị sẵn sàng để buổi chiều dân làng cung kính rước “Bà chị”, “Ông em” từ đền, chùa về đình yên ngự, dự lễ. Mùng 10, 11, buổi sáng làng lo việc tế, buổi chiều các giáp thay nhau trực lễ. 

Ngày 12 chính hội, sau phần tế lễ trang nghiêm, trọng thể, dân làng cùng khách thập phương quần tụ tại khuôn viên trước đình háo hức hòa mình vào các trò hội mừng sinh nhật thành hoàng và các tích trò mô phỏng việc luyện tập quân sĩ của thành hoàng khi chiêu binh giúp nước. Rôm rả hơn cả là hội vật, bơi chải và nhất là trò quây chồng cót lúa. Vào trò, các trai làng cởi trần, vấn đầu, thắt lưng, kết tay nhau, chụm đầu để những lớp trai khác đứng lên vai tạo thành nhiều tầng tượng trưng cót lúa. Bên ngoài, dân làng nối nhau ken dầy thành nhiều vòng tượng trưng mùa màng bội thu, lúa thóc đầy cót, đầy kho, mong cầu dân chúng no đủ, quân lương dư dả.

Cùng với trò quây chồng cót lúa, những keo đấu vật đầu xuân cũng làm nức lòng người dự hội, không khí náo hoạt của hội làng Phương Lâm bởi thế cứ không ngừng nối dài, lan rộng. Bắt nguồn từ cội rễ lịch sử truyền thống ngàn xưa nên đấu vật qua bao đời nay đã thành lề tục, thành niềm tự hào của dân làng Phương Lâm trong mỗi kỳ mở hội. Đề cao tinh thần thượng võ, trọng nghĩa, hiếu khách nên bất kể người làng hay khách thập phương đã về hội Phương Lâm nếu muốn đọ tài cao thấp trên sới vật đều được chức dịch, dân chúng, bạn vật hân hoan tiếp đón, chào mời cùng thượng đài giao đấu. Bởi vậy, từ xa xưa, hội làng, hội vật nơi miền quê giàu tinh thần thượng võ này đã nổi tiếng xa gần, trở thành điểm hẹn ước, thành mối kết giao để đô vật, bạn khách thập phương náo nức tìm về.

Trăn trở bảo tồn vốn quý văn hóa dân gian

Đình làng Phương Lâm(*) tọa trên thế đất đẹp, cao rộng, phong quang, trông về dãy núi Ba Sao và danh thắng Bát Cảnh Tiên(**). Đôi câu đối trước tiền đình minh chứng về thế đất đẹp đình Phương Lâm: “Sơn la án địa tam tinh chiếu/Thủy tụ giang tâm Bát Cảnh triều” (Núi án phía xa có ba ngôi sao chiếu rọi/Nước ở lòng sông từ Bát Cảnh chảy về). Trước đình, nước tụ về thành hồ nước rộng để hội đua chải hằng năm thêm đông vui. Giữa hồ nổi lên nấm đất đẹp là chỗ để dân Phương Lâm dựng sới, thi lễ keo vật “hầu thánh” và giao đấu cùng bạn vật bốn phương.

Thấu triệt tinh thần gìn giữ, phát huy vốn quý văn hóa dân gian, người làng Phương Lâm không những chung tay bảo tồn nguyên vẹn nếp đình cổ xưa mà còn đồng tâm kiên trì nối truyền nét đẹp của lề tục xưa cũ. Cùng với hội làng được phục dựng đầy đủ nghi trình, nghi thức, hội vật Phương Lâm cũng được duy trì, không những phục vụ chu tất nghi lễ trong hội làng mà còn dựng thành câu lạc bộ (CLB) làm nòng cốt cho môn vật truyền thống của huyện. Từ thời điểm tái lập tỉnh (1997) đến năm 2015, trong các giải đấu vật “Mùa xuân thượng võ” của tỉnh, những đô vật người làng Phương Lâm đã giành vô số huy chương góp vào thành tích chung của đoàn thể thao Kim Bảng. Tiếc rằng mấy năm gần đây, việc gìn giữ, phát huy vốn quý văn hóa dân gian của tiền nhân để lại đang đặt ra bao nỗi trăn trở với người dân Phương Lâm. 

Huấn luyện viên Nguyễn Văn Dụ (Chủ nhiệm CLB vật Phương Lâm) trải lòng: Khuôn viên đình làng thoáng rộng, phong quang, cận kề  khu dân cư, thuận tiện cho việc hội tụ những hạt nhân trẻ tham gia luyện tập, thi đấu, vừa phục vụ nghi thức truyền thống hội làng, vừa đóng góp cho phong trào thể thao quần chúng. Thuận tiện thế nhưng cái khó của CLB vật Phương Lâm là chưa tìm được cách thức huy động nguồn lực xã hội hóa hiệu quả để tạo dựng nên một sới vật đủ tiêu chuẩn. Hiện tại, sới vật (làm bằng bạt độn trấu) đặt tạm trong nhà văn hóa thôn, diện tích quá chật hẹp, mỗi khi nhà văn hóa có việc, thầy trò lại phải di chuyển sới vật ra ngoài, rất bất tiện. Bao năm qua, ao ước về một sới vật có mái che tại nấm đất đẹp nơi khuôn viên trước đình làng của thầy trò trong CLB vẫn chỉ là ao ước. 

Ngoài khó khăn về điểm luyện tập, CLB vật Phương Lâm cũng đang rất ngặt nghèo về lực lượng, kinh phí. Con cháu trong làng vướng bận học hành nên chỉ có thể tham gia 1 buổi/tuần vào ngày nghỉ. Giai đoạn luyện tập cao điểm cũng chỉ có thể dồn sức gấp rút vài tháng trước khi khai mở hội làng, giải vật “Mùa xuân thượng võ” hoặc tham gia giải vật trẻ mùa hè. Với những đô vật trong độ tuổi lao động phần lớn đang làm công nhân, thời gian nghỉ ít, không trùng nhau, mức thù lao của CLB quá thấp nên rất khó quy tụ tham gia thường xuyên…

Đã bao đời nay, những nét lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu, đậm đà bản sắc luôn là niềm tự hào đồng hành và thôi thúc người dân Phương Lâm không ngừng nỗ lực vươn tới. Và trách nhiệm tiếp tục gìn giữ, nối truyền nét đẹp lịch sử, văn hóa truyền thống quý giá ấy hơn lúc nào hết đang đòi hỏi nhiều hơn sự chung sức, đồng lòng từ mỗi người dân vùng quê giàu tinh thần thượng võ này.

Thế Vĩnh

 

(*) Đình Phương Lâm được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1998.

(**) Danh thắng Bát Cảnh Tiên (xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng), được lưu truyền là vùng đất địa linh, phong cảnh đẹp.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy