Những vị tướng thời Hai Bà Trưng và tục lệ thờ cúng trên đất Hà Nam

Trong nghìn năm Bắc thuộc có một điểm đáng nhớ, đó là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán năm 40 (sau Công nguyên). Tuy thời gian hai Bà xưng Vương không dài (40 - 43) nhưng cuộc khởi nghĩa của Trưng Nữ Vương đã vang danh sử sách bởi lần đầu tiên đứng đầu cuộc khởi nghĩa là nữ giới và cũng lần đầu tiên một nữ giới xưng Vương.

Và điều đặc biệt, khi cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Mê Linh, đông đảo người dân đã nhất tề đứng lên hưởng ứng và đồng lòng đứng dưới cờ tụ nghĩa của hai Bà. Trong những cuộc tập hợp nghĩa quân có rất nhiều tướng lĩnh (cả nam và nữ) là người Hà Nam, họ đã lập nhiều chiến công góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Sau khi hy sinh hoặc mất theo quy luật tạo hóa, để ghi nhớ công ơn, nhân dân nhiều nơi trong tỉnh đã lập đền thờ và đều phong các vị là phúc thần hoặc thành hoàng làng.

Những vị tướng thời Hai Bà Trưng và tục lệ thờ cúng trên đất Hà Nam
Đền thờ Nữ tướng Lê Chân tại xã Thanh Sơn (Kim Bảng). 

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa dân gian, danh sách các nữ tướng và nam tướng được thờ phụng là người Hà Nam gồm 50 vị, trong đó có 33 nữ và 17 nam. Nơi thờ các tướng Hai Bà Trưng người Hà Nam theo số liệu điều tra mới nhất là ở 83 xã, phường, thị trấn, đây đều là những địa chỉ đã được xác định và có thông tin rõ ràng, trong đó 2 địa phương có nhiều nơi thờ nhất là huyện Thanh Liêm và TP Phủ Lý. Một số di tích và lễ hội tiêu biểu ở Hà Nam liên quan đến việc thờ phụng các tướng lĩnh thời Hai Bà Trưng có thể kể đến như: Lễ hội đình đá An Mông (Tiên Sơn, Duy Tiên) thờ Nguyệt Nga công chúa; lễ hội đền Lê Chân (Thanh Sơn, Kim Bảng) thờ Thánh Chân công chúa; lễ hội đình Tái Kênh (Đinh Xá, TP Phủ Lý) thờ Quỳnh Trân công chúa; lễ hội đình Phú Viên (Phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý) thờ Quỳnh Anh phu nhân; lễ hội đình Lạc Nhuế (Đồng Hóa, Kim Bảng) thờ Ảnh Lành và Ả Đê là nữ tướng của Hai Bà Trưng; lễ hội đình Nhân Dực (Đồn Xá, Bình Lục) thờ Cao Cự đại vương – nam tướng thời Hai Bà Trưng… 

Theo một số công trình nghiên cứu đã được công bố, ở Hà Nam có 7 nữ tướng thời Hai Bà Trưng được tôn vinh là những nhân vật kiệt xuất, liệt nữ gồm: Lê Chân, Thụy Nương, Nguyệt Nga, Đặng Vạn Phúc, Nguyễn Thị Quỳnh Chân, Cao Thị Liên, Trương Thị Cả.

Các tướng của Hai Bà Trưng trên đất Hà Nam đều có tên tuổi, gia đình và quê hương cụ thể. Giống như nhiều nhân vật lịch sử có công với dân với nước khác khi mất họ đều được nhân dân tôn sùng, linh thiêng hóa trở thành phúc thần, thành hoàng làng trong các đình, đền của làng. Những nhân thần, phúc thần đó thông qua các lễ hội – một thực hành văn hóa độc đáo được truyền đời lưu giữ.
 Trong lễ hội thờ các tướng của Hai Bà Trưng ở Hà Nam ngoài các nghi thức tế lễ còn có các trò chơi thiêng gợi nhắc đến chiến công của các thần khi sinh thời, như: Bơi thuyền chải (đình An Mông, đền Lê Chân); thi nấu cỗ (đình An Mông, đình Nhân Dực, đình Tái Kênh), trò cướp cầu (đình An Mông, đình Lạc Nhuế)… Và các trò chơi truyền thống như: Bịt mắt bắt dê, bắt vịt dưới ao, bắt chạch trong chum bùn, leo cầu phao, chọi gà, kéo co, chơi đu…

Sự thiêng hóa và thờ phụng các nữ thần qua thời gian còn được tích hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu nên nghi lễ hát văn, hầu bóng cũng được diễn ra tại các di tích thờ nữ thần. Tiêu biểu trong đó là nghi lễ hát văn và hầu bóng ở đền Lê Chân. Bà Lê Chân là nhân vật lịch sử được thờ phụng nhiều nơi ở Bắc Bộ, được triều đình phong kiến công nhận là Thượng đẳng thần. Với Hà Nam, nơi bà tuẫn tiết vẫn là vùng đất thiêng, được nhân dân coi như Mẫu cửa rừng nên xu hướng tam tứ phủ đã được hấp thu khá trọn vẹn nơi đây. Tại đây, vào lễ hội tháng 7 âm lịch hằng năm không chỉ có các vấn hầu của các bà đồng ở Hà Nam mà còn ở cả Hải Phòng nơi bà có công khai hoang, lập ấp; ở Quảng Ninh – quê hương bản quán và các tỉnh thành khác vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng thực hành tín ngưỡng này tại đền Lê Chân ở Lạt Sơn, Kim Bảng.

Tín ngưỡng thờ phụng các nữ thần, thiêng hóa thành phúc thần, thành hoàng làng đã chứng tỏ những quy định khắt khe của Nho giáo đã phải thỏa hiệp với niềm tin tâm linh và tín ngưỡng của nhân dân. Từ việc thờ phụng các nữ tướng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” còn là tiền đề để người dân Hà Nam đề cao vai trò, đạo nghĩa của người phụ nữ như đền thờ Vũ Thị Thiết hay Mỵ Ê ở Lý Nhân và sau này là sự phụng thờ các liệt nữ như ở đền thờ các nữ liệt sĩ dân quân phòng không Lam Hạ, TP Phủ Lý… Sự thờ phụng đó tạo nên một dòng tín ngưỡng thờ phụng nữ thần độc đáo ở Hà Nam.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy