Nghe và biết danh tiếng cụ Trần Quốc Hương (Mười Hương), người chỉ huy tình báo tài ba của Việt Nam từ lâu, nhưng thú thực, tôi chưa có dịp được tiếp cận và hầu chuyện.
Thế rồi, những năm về thành phố mang tên Bác Hồ làm xuất bản, dịp may cũng tới. Đầu năm 2013, tôi nhận được 3 tập bản thảo mang tính tự truyện và tổng kết kinh nghiệm của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự A20, một người sống lặng lẽ, ngụ ở con hẻm trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Hiểu rõ lai lịch của các bản thảo này, tôi chọn lọc, sắp xếp, biên soạn lại thành một tập khoảng 300 trang, nhưng vẫn giữ nội dung cốt truyện, bối cảnh, cũng như thể hiện đúng tâm tư của tác giả. Bản thảo xong, gia đình Thiếu tướng Sáu Trí đọc rất hài lòng. Lãnh đạo Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Nhiều người đã lạc quan khi nói về một cuốn sách “hot” trong nay mai.
Tuy nhiên, với một người làm công tác biên tập có nhiều năm kinh nghiệm, tôi vẫn đắn đo. Tôi đến tìm gặp cụ Mười Hương, cấp trên của Thiếu tướng Sáu Trí, xin ý kiến. Phải có một “lời bạt” tầm cỡ “tàu phá băng” thì mới xứng. Nhờ đồng chí thư ký kiêm bảo vệ của cụ Mười Hương, tôi xin được cụ một cái hẹn...
*
Trần Quốc Hương chào đời ngày 20-12-1924 tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một vùng đồng đất chiêm trũng. Tên khai sinh của ông là Trần Ngọc Ban. Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho thanh bần, ông thừa hưởng cốt cách trọng đạo lý của người cha Trần Đức Tân và học được chữ “nhẫn” từ người mẹ Trần Thị Nhàn. Tuy không được đi học, nhưng bù lại bà Nhàn thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và cả Truyện Kiều. Vùng quê nghèo của ông lại có nhiều người giàu lòng ái quốc. Bởi thế, cụ Phan Bội Châu khi đề xuất phong trào Đông Du thường hay ghé lại. Nhờ đó mà chàng thanh niên Trần Ngọc Ban sớm giác ngộ và hướng lòng mình về cách mạng.
Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi, hai lần bị bắt (vào các năm 1939, 1941) bị thực dân Pháp khảo tra, nhưng ông vẫn một mực không lay chuyển. Thời kỳ này, ông đổi tên là Hương và còn có nhiều bí danh như Hương Con, Đen, Ly, Trang… Ra tù, ông được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ trong Ban công tác Đội, nói gọn là đội cảnh vệ (tiền thân của lực lượng công an sau này), trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng. Ông là người trực tiếp bảo vệ đồng chí Trường Chinh. Đến năm 1948, ông chuyển qua hoạt động tình báo quân sự. Khi vào Nam, ông dùng căn cước với tên mới Trần Ngọc Trí (tên người anh ruột đã mất), còn anh em đồng chí thân mật gọi ông là anh Hai, anh Bảy, anh Mười Hương…
Bước vào thời kỳ chống Mỹ-Diệm, ông Mười Hương chỉ huy mạng lưới tình báo H10-A20, với các nhà tình báo nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn… Là Phó trưởng ban địch tình, ông Mười Hương được lệnh Xứ ủy Nam Bộ điều về căn cứ. Ngày 14-6-1958, theo quy ước, ông đến một quán trên đường Võ Tánh, Gia Định (nay là đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình) thì bị sa vào tay giặc, do có kẻ phản bội chỉ điểm. Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn đưa ông Mười Hương về giam tại Tòa Khâm cũ ở Huế. 6 năm trong trại giam, ông bị địch đối xử tàn tệ, nhưng vẫn không sờn lòng, vẫn đấu trí kiên cường với địch, khiến cho mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ của kẻ địch đều thất bại.
Sau đảo chính Diệm-Nhu, ông Mười Hương thoát khỏi ngục tù. Sức khỏe yếu, ông được đưa ra Bắc chữa bệnh và được phân công giữ chức Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an, cấp bậc Đại tá. Tháng 5-1969, ông Mười Hương trở lại chiến trường miền Nam, công tác ở Ban An ninh Miền, phụ trách an ninh đô thị và trinh sát vũ trang. Năm 1970, ông là Trưởng ban An ninh Sài Gòn-Gia Định (T4). Ông có công lớn trong việc xây dựng các lõm chính trị ở nội thành và vùng ven, tìm cách phân hóa và chia rẽ hàng ngũ địch.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Mười Hương được phân công giữ nhiều trọng trách, như Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng (các khóa IV, V, VI), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương…
*
Tôi đến Thảo Điền, quận 2, trước giờ hẹn 15 phút. Cứ nghĩ, may lắm chỉ xin được cụ Mười Hương vài chục phút là cùng. Nghe tiếng chuông, người thư ký ra mở cửa. Tôi chậm rãi bước vào sân. Hóa ra, ông cụ ngồi xe lăn, nhưng để mắt quan sát tôi ngay khi vừa xuất hiện. Lên nhà, tôi cất tiếng chào, thấy nơi ánh mắt tinh anh của cụ một nét cười. Chả biết ngó tướng mạo người lính ra sao đó, mà thư ký dìu cụ ra bàn ngồi tiếp chuyện luôn.
Biết lý do tôi đến, cụ Mười Hương dốc bầu tâm sự ngay. Tôi kinh ngạc bởi cụ đã bước vào cửu thập, không chỉ là một nhân cách đặc biệt, mà trí nhớ vẫn hết sức mẫn tiệp, cư xử khoan thai, lịch thiệp. Cụ hỏi tôi về mảng sách báo trong quân đội và khen ngợi những tờ báo giàu tính chiến đấu, tôi mang biếu cụ cuốn tạp chí Văn hóa Quân sự số mới nhất. Khi tôi trình bày về bản thảo của Thiếu tướng Sáu Trí, cụ bảo thế là tốt, chiến tranh qua lâu rồi, nên có những cuốn sách như vậy, để bạn đọc, nhất là lớp trẻ hiểu cha ông mình đã đấu tranh khôn khéo với kẻ thù như thế nào để giành cho được tự do, độc lập. Những cái gì thuộc về bí mật thì phải gìn giữ, song có cái theo thời gian cũng cần nói để nhân dân hiểu rõ. Tôi ghi nhớ từng lời của cụ Mười Hương.
Sau hơn hai tiếng đồng hồ hầu chuyện cụ Trần Quốc Hương, tôi trở về, viết xong lời bạt khoảng gần nghìn chữ, mang đến, trình cụ. Ông cụ treo kính đọc kỹ và gật đầu. Cụ không bỏ đi chữ nào, chỉ nói tôi thêm tên của nhà tình báo Lê Hữu Thúy vào cho trọn vẹn. Xong, với nét chữ nghiêng nghiêng, rắn rỏi, cụ ký tên và ghi rõ: Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương. Và cuốn sách “Giữa hai trận tuyến” đã ra đời như thế.
Vẫn biết người đà ngấp nghé ngưỡng bách niên thật hiếm, nhưng khi nhận tin cụ Mười Hương lên đường về với Bác Hồ, tôi vẫn không khỏi bùi ngùi tiếc thương một người cộng sản mẫu mực, kiên cường; một tấm lòng son sắt với Đảng, với nhân dân!
Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC