Lễ hội làng Thanh Nộn 1

Trước lễ hội một tuần, các xóm huy động nhân dân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Ở đình, các cụ trong Ban khánh tiết lau chùi đồ thờ, quét dọn, thu xếp đình Thượng gọn gàng, sạch sẽ.

Tiếp chúng tôi nơi mái đình cổ kính, linh thiêng, ông Nguyễn Xuân Sang, Trưởng Ban khánh tiết đình Thượng, thôn Thanh Nộn 1, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) cho biết: Theo những tư liệu lịch sử còn được lưu giữ, đình Thượng, thôn Thanh Nộn 1 thờ Tương Bình Đại Vương Nguyễn Công Khôi, người con quê hương, có công giúp Lý Nam Đế (tức Lý Bí hoặc Lý Bôn) đánh thắng quân Lương, giải phóng quê hương đất nước. Hằng năm, vào ngày sinh (mùng 6 tháng 5 âm lịch) và ngày mất (mùng 10 tháng Giêng) của Tương Bình Đại Vương Nguyễn Công Khôi, dân làng Thanh Nộn 1 đều tổ chức tế lễ trang trọng để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng. Đặc biệt, vào ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch hằng năm, ngày hội làng, không chỉ người dân Thanh Nộn 1 mà những người con xa quê, người dân ở các làng bên cũng về dự hội rất đông. Ngoài ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương, tưởng nhớ công lao to lớn của Tương Bình Đại Vương Nguyễn Công Khôi đối với quê hương, đất nước, người dân tham gia lễ hội đều thành kính mong cầu những điều tốt đẹp, an lành… sẽ đến với mỗi gia đình, đến với làng quê nhiều nghĩa tình sâu đậm.

Lễ hội làng Thanh Nộn 1
Đình Thượng, thôn Thanh Nộn 1 - nơi diễn ra lễ hội hằng năm.

Về thôn Thanh Nộn 1, qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Để hội làng diễn ra trang trọng, đoàn kết, vui tươi, năm nào cũng vậy, trước lễ hội, Ban khánh tiết đình Thượng tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng xóm, từng thành viên trong Ban khánh tiết. Năm nào làng tổ chức rước kiệu (theo quy định, 3 năm tổ chức rước kiệu một lần), mỗi xóm huy động đủ 15 nam, 10 nữ (nam thanh, nữ tú) để nam khiêng kiệu, nữ cầm kiếm, bát bảo, xà mâu, lọng... 

Trước lễ hội một tuần, các xóm huy động nhân dân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Ở đình, các cụ trong Ban khánh tiết lau chùi đồ thờ, quét dọn, thu xếp đình Thượng gọn gàng, sạch sẽ. Tối tối, đội kỳ lân sư tử của làng cũng rộn ràng tập trung luyện tập với mong muốn phục vụ lễ hội tốt nhất. 

Trước lễ hội, vào tối ngày mùng 5, làng tổ chức liên hoan văn nghệ. Ngoài những hạt nhân văn nghệ của thôn, làng còn mời đội văn nghệ của các xã bạn tham gia. Các tiết mục văn nghệ với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước… được các “nghệ sĩ không chuyên” biểu diễn mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần duyên dáng, thu hút và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân.

Ông Nguyễn Xuân Sang vui vẻ chia sẻ thêm: Đêm ngày mùng 5 tháng 11 hằng năm đình Thượng đông vui, náo nhiệt, không khí hết sức phấn khởi và sôi động. Ở ngoài sân đình, tiếng hát, tiếng vỗ tay reo hò cổ vũ vang lên giòn giã. Phía bên đình, tổ tín lão cùng tổ hậu cần khẩn trương, tập trung đồ xôi, đóng oản, luộc gà, luộc thịt lợn… chuẩn bị lễ thắp hương Thành hoàng làng và chuẩn bị một số món cho bữa liên hoan phục vụ người tham gia lễ hội vào sáng hôm sau. Lễ dâng lên Thành hoàng làng năm nào cũng được chuẩn bị công phu, đầy đủ, gồm: Xôi, thủ lợn, gà, các loại hoa quả, bánh kẹo…  

Sáng sớm ngày mùng 6, khi lễ vật được bày biện trang trọng trên ban, một cụ ông khỏe mạnh (được tổ Tín lão chọn từ trước), có uy tín với dân làng, gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, của làng oai nghiêm, kính cẩn vào đình thắp hương xin Thành hoàng làng cho rước kiệu, khai hội. Lễ xong, khi cụ ông bước ra, đội khiêng kiệu là những chàng trai tân khỏe mạnh, vạm vỡ của làng trong trang phục quần  áo hội (áo mầu đỏ, đội mũ vuông, đi hia) bắt đầu rước kiệu từ đình Thượng xuống đình Cao. Tại đình Cao, đội kỳ lân sư tử đã đợi sẵn nhập vào đoàn rước kiệu cùng đi quanh làng rồi trở lại đình Thượng. Năm nào tổ chức rước kiệu, đoàn người nối nhau kéo dài, đông vui; đường làng tưng bừng, rộn vang tiếng trống, sôi nổi, hào hứng tiếng cười, tiếng nói… 

Khi về tới đình Thượng, đội kỳ lân sư tử tiếp tục múa một bài biểu diễn, sau đó đại diện đội vào đình thắp hương lễ thánh. Phần tế lễ của đội tế nam (đội nữ bồi tế) diễn ra hết sức thành kính, trang trọng, uy nghiêm. Nội dung văn tế cầu: Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh, làng xóm đoàn kết, yên vui… Sau phần tế lễ, các xóm, các dòng họ và người dân lần lượt vào đình dâng hương lễ thánh cầu may, cầu an. Đặc biệt, tại lễ hội, Ban tổ chức dành thời gian ôn lại tiểu sử, công trạng của Tương Bình Đại Vương Nguyễn Công Khôi nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương tới các thế hệ tiếp nối. Qua đó, động viên, nhắc nhở mọi người nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực lao động, công tác, góp công góp của chung sức xây dựng và đổi mới quê hương.  

Dẫn chúng tôi vào tham quan ngôi đình, chỉ lên những chỗ bị dột trên mái đình Thượng, ông Sang bày tỏ: Đình Thượng hiện đã bị xuống cấp, nhiều chỗ bị mối mọt, dột nát... Từ lâu, người dân làng Thanh Nộn 1 mong muốn ngành chức năng quan tâm về khảo sát, nghiên cứu, đầu tư kinh phí để tôn tạo, tu sửa đình. Đình Thượng được tôn tạo, tu sửa không chỉ người dân yên tâm về nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị kiến trúc lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương trong thời kỳ đổi mới. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy