Trong suốt hành trình 90 năm có Đảng, 90 năm người dân Bồ Đề sống, chiến đấu, lao động và học tập gắn liền với danh phong quê hương tiếng trống cách mạng Bồ Đề, cả vùng đất và con người nơi đây đã không ngừng đổi mới, vượt qua những khó khăn của tự nhiên, của đời sống xã hội để xây dựng và phát triển.
Tháng 10 về mang không khí mát dịu và nhiều cảm xúc hơn cho cán bộ, nhân dân Bồ Đề. Dưới mái đình Triều Hội rêu phong cổ kính, già trẻ, trai gái trong làng rộn ràng tiếng trống chào đón Tết Trung thu. Cụ Đỗ Quang Văn ngoài 90 tuổi tay bắt mặt mừng những cán bộ địa phương đến thăm. Cụ nói với đồng chí Lê Quý Ba, tân Bí thư Đảng ủy xã một cách thân mật: “Bác Ba ơi! Bà con đang mừng lắm, rác thải sinh hoạt từ nay không phải lo dồn ứ, ô nhiễm nữa rồi. Cảm ơn bác đã quyết cho dân cái việc phải chờ đợi bao nhiêu năm nay…”. Chưa hết, cụ Văn chân thật: “Mấy tháng nay, bà con đến xã lo thủ tục nhàn hơn, tiện hơn. Họ nói với nhau, không khí tiếp đón bà con nhân dân bây giờ khác rồi, cán bộ “một cửa” làm việc đúng chức trách, nhiệm vụ, đúng tinh thần phục vụ nhân dân”.
Chứng kiến cảnh tiếp đón, trò chuyện của nhân dân với cán bộ ở Bồ Đề, chúng tôi thực lòng thấy “khang khác”. Chờ khi đám hội kết thúc, chúng tôi về xã làm việc với đồng chí bí thư, nhất định phải hỏi cho ra đầu ra cuối chuyện cụ Văn nói hồi nãy là sao? Đồng chí Ba cười xòa: Có gì đâu, cách đây vài tháng, lúc tôi mới từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy về nhận chức ở đây, khi xuống đối thoại với nhân dân mấy thôn, thấy nhân dân phàn nàn: Xã nông thôn mới rồi, cái gì cũng mới, chỉ có môi trường sống là không làm sao thay đổi được. Hết năm này qua năm khác, rác thải sinh hoạt của nhân dân không được thu gom, ứ hết chỗ này đến chỗ kia, gây ô nhiễm môi trường.
Qua trao đổi với bà con thấy được nguyên nhân chủ yếu là do bãi rác tập trung được quy hoạch xây dựng ở giữa cánh đồng, cách khu dân cư khá xa nhưng đường ra bãi rác lại không có thì làm sao chở rác ra đó được. Hôm đấy, sau một hồi trao đổi với dân, với cán bộ xã, đồng chí Bí thư Chi bộ thôn 2 nói một câu “Đừng để nghị quyết treo đầu ngõ” mà mình phải nghĩ. Tôi nói với anh em, không nhất thiết mỗi thôn có một bãi rác đâu, giờ mình tập trung làm hai bãi rác thật quy củ, có đường cho xe chở rác vào bảo đảm an toàn, tiện lợi. Tính toán đến chuyện kinh phí, nhiều đồng chí lo không có nguồn để làm mấy trăm mét đường vào bãi rác. Mặc, anh em thống nhất phải làm, làm bằng được, đừng để dân chịu khổ thêm nữa. Không ngờ, khi triển khai kế hoạch, chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, doanh nghiệp cả về tiền và vật liệu xây dựng để làm đường. Khi bãi rác có lối vào, chúng tôi kết nối với đơn vị xử lý rác thải trên tỉnh về thu gom. Họ đồng ý và phối hợp với xã làm rất tốt. Trong vòng hai tháng, toàn bộ vấn đề rác thải nông thôn ở Bồ Đề đã được xử lý theo đúng nguyện vọng, mơ ước của nhân dân…
Thế còn chuyện “một cửa” là sao? Tôi hỏi đồng chí Lê Quý Ba. Anh từ tốn kể: Người dân bấy lâu đến trụ sở giải quyết thủ tục luôn có cảm giác gò bó, không thoải mái vì nhiều lý do, trong đó không gian “một cửa” không giống các xã khác, cán bộ cũng vậy, thiếu sự nhiệt tình và tận tụy. Thế là bà con kêu. Mình cũng thấy thế, thấy bà con kêu đúng nên chỉ đạo anh em đổi mới ngay lề lối làm việc.
Bắt đầu từ phòng “một cửa”, rồi đến phong cách tiếp dân, phục vụ dân của cán bộ. Tôi nói với anh em, người dân đến “một cửa” vì công việc của họ muốn bảo đảm theo đúng quy định pháp luật chứ không ai thích đến quấy nhiễu cán bộ đâu… Từng bước thay đổi, anh em nhận ra trách nhiệm của mình với công việc trước giờ còn chưa thể hiện hết, là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho dân. Họ bắt đầu thay đổi, từ cách ăn mặc đến cách giao tiếp với nhân dân. Cũng chỉ trong vòng hai tháng, công tác cải cách thủ tục hành chính ở đây có chuyển biến tích cực, cán bộ ai vào việc người ấy. Nhân dân đến “một cửa” lúc nào cũng có người tiếp đón.
Nhớ lại câu chuyện với cụ Đỗ Quang Văn, người chứng kiến toàn bộ những đổi thay của Bồ Đề kể từ khi có tiếng trống cách mạng những năm 1930 đến nay mới thấy sự đổi hay to lớn của quê hương… Sau gần một thế kỷ kể từ sau sự kiện tiếng trống cách mạng Bồ Đề (20/10/1930), vùng đất này cũng trải qua không ít biến cố, không ít khó khăn. Thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh thử thách lòng dân, nhưng tất cả đều vượt qua. Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, cán bộ, nhân dân Bồ Đề luôn đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu phát triển. Bồ Đề là xã nông thôn của Bình Lục được sử dụng nước máy đầu tiên. Năm 2016, đạt chuẩn xã nông thôn mới. Bây giờ, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm; giá trị canh tác bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân phát triển toàn diện.
Cách đây mấy năm, đình Triều Hội được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh đầu tư xây dựng nhà bia tưởng niệm cùng nhiều công trình phụ cận với kinh phí gần 6 tỷ đồng. Không gian di tích rộng rãi, bề thế hơn, nhân dân Bồ Đề tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương. Đó cũng là nền tảng tinh thần để cán bộ, nhân dân trong xã tiếp tục khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh, là một vùng quê đáng sống, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa làng truyền thống, nơi có môi trường tự nhiên trong lành, nơi không còn hộ nghèo, các tệ nạn xã hội… Thực hiện được khát vọng đó, cần có sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ và nhân dân; cần có những cán bộ cốt cán luôn mẫu mực, vì dân.
Giang Nam