kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Giáo Kiên và phong trào cách mạng ở Duy Tiên năm 1945

Giáo Kiên và phong trào cách mạng ở Duy Tiên năm 1945

Đồng chí Lưu Quang Bích (sinh năm 1906, quê Mộc Bắc, Duy Tiên) là một trong những người con quê hương có lòng yêu nước và sớm tham gia hoạt động cách mạng. Trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, đồng chí là Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng lâm thời huyện Duy Tiên. Đồng chí cũng chính là chồng nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Trần Thị Phúc, Bí thư Chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lý.

Thời niên thiếu, mặc dù xuất thân từ gia đình điền chủ, nhưng người thanh niên Lưu Quang Bích đã sớm giác ngộ, tích cực tham gia hoạt động yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng tại quê hương Duy Tiên, Hà Nam với bí danh Giáo Kiên. Năm 1932, bị chính quyền thực dân bắt, đầy đi Côn Đảo, tại đây đồng chí Lưu Quang Bích đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1937, khi Mặt trận Bình Dân Pháp lên nắm quyền, buộc chính quyền thực dân ở Đông Dương phải ân xá tù chính trị, đồng chí Lưu Quang Bích cùng nhiều nhà hoạt động cách mạng được thả tự do. Ra tù, từ 1937 đến 1945, đồng chí Lưu Quang Bích cùng với người đồng chí, người vợ hiền Trần Thị Phúc (Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã Phủ Lý, em gái nhà hoạt động cách mạng tiền bối Lương Khánh Thiện) đã có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tại tỉnh Hà Nam. Đồng thời, tham gia gây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng và trực tiếp lãnh đạo, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Duy Tiên. 

Giáo Kiên và phong trào cách mạng ở Duy Tiên năm 1945
Một góc thị xã Duy Tiên hôm nay. Ảnh: Thế Trang

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Duy Tiên có ghi: Giữa năm 1944, tại khu vực tổng Mộc Hoàn(*) theo chỉ đạo của cấp trên, một tổ Việt Minh bí mật được thành lập do đồng chí Lưu Quang Bích (người Mộc Bắc) trực tiếp tuyên truyền và tổ chức hoạt động. Tổ gồm 5 đồng chí: Đặng Đình Thành, Đào Mạnh Giao (ở Yên Lạc), Nguyễn Văn Tiến, Đào Văn Thái, Phạm Văn Tiêu (Mộc Bắc) đã tập trung tuyên truyền, lên án sự bất công của bọn Nhật, Pháp và địa chủ, phong kiến; tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và tham gia phong trào cách mạng.

Từ một tổ, phong trào được nhân rộng ra nhiều nhóm tổ ở Mộc Hoàn Nam, Mộc Hoàn Bắc, nhất là các thôn Yên Từ, Yên Lạc. Tháng 4/1945, hội nghị tỉnh Hà Nam tổ chức tại Ngọc Động, Hoàng Đông (Duy Tiên) đã cử ra Ban Cán sự Đảng tỉnh lâm thời để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Tháng 5/1945, Hội nghị Ban Cán sự Đảng tỉnh lâm thời họp tại Cao Mật, Lê Hồ, Kim Bảng đã thống nhất định hướng chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh: Ra sức phục hồi, phát triển cơ sở, mở rộng Mặt trận Việt Minh, lập các ban cán sự Việt Minh; kết hợp đấu tranh đòi quyền lợi cả về kinh tế và chính trị; phát triển, củng cố đội tự vệ cứu quốc. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh lâm thời, Ban cán sự Việt Minh huyện Duy Tiên được thành lập, lãnh đạo là các đồng chí: Lưu Quang Bích (Mộc Bắc), Phạm Văn Hoán (Hoàng Đông). Sau sự kiện này, phong trào ở Duy Tiên không những được củng cố mà phát triển mạnh ở hầu hết các xã. Các cuộc mít tinh, treo cờ, rải truyền đơn nổ ra ở khắp nơi, tiêu biểu là cuộc mít tinh tại đền Lảnh Giang với sự tham gia và bảo vệ của rất đông nhân dân Mộc Hoàn Nam, Mộc Hoàn Bắc. Tháng 8/1945, thực hiện Chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy Hà Nam, các cơ sở cách mạng ở Duy Tiên tập trung xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT).

Tại Mộc Hoàn Bắc, LLVT được xây dựng ở thôn Yên Từ, sau đó các đội tự vệ cũng được thành lập ở các thôn khác. LLVT ở Mộc Hoàn Bắc do đồng chí Lưu Quang Bích lãnh đạo, thường xuyên họp tại đình Hoàn Dương, đền Yên Từ có rất đông thanh niên trung kiên và nhân dân cùng tham dự. Cũng thời gian này, Đoàn Thanh niên Cứu quốc xã Mộc Bắc được củng cố, phát triển mạnh. Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc triệu tập họp, chỉ đạo khởi nghĩa. Ngày 15-16/8/1945, tại Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, Ủy ban Quân sự Cách mạng huyện Duy Tiên được thành lập gồm 5 đồng chí: Lưu Quang Bích (Mộc Hoàn Bắc), Trần Quyết, Phạm Văn Hoán (Ngọc Động). Sáng ngày 17/8/1945, tại thôn Lũng Xuyên, đồng chí Lưu Quang Bích và đồng chí Nguyễn Huân(**) triệu tập Hội nghị cán bộ toàn huyện. Đồng chí Lưu Quang Bích thay mặt Ủy ban Quân sự Cách mạng tỉnh truyền đạt nghị quyết của Ban Cán sự, thống nhất quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 20/8/1945. Tiếp đó, Ban Cán sự Việt Minh huyện Duy Tiên họp, cử ra Ủy ban Quân sự Cách mạng lâm thời huyện Duy Tiên gồm các đồng chí: Lưu Quang Bích (Chủ tịch), Nguyễn Huân (Phó Chủ tịch) và 5 ủy viên để chỉ đạo phong trào khởi nghĩa ở Duy Tiên.

Nhận thức được sức mạnh của quần chúng nhân dân, chuẩn bị cho khởi nghĩa, Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh quyết định chỉ đạo cùng lúc tổ chức cuộc mít tinh ở nhiều nơi với sự tham gia của đông đảo quần chúng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, nhân dân các vùng quê nô nức hướng về cách mạng, cờ đỏ sao vàng cùng biểu ngữ, truyền đơn xuất hiện khắp nơi. Tiếp đó, tin Nhật đầu hàng Đồng minh cùng Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban hành, tất cả đều rất phấn khởi. Nhận thấy khí thế cách mạng của quần chúng đang lên rất cao, kế hoạch khởi nghĩa ở Hà Nam được quyết định theo phương châm: Khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện trước, tỉnh sau; kết hợp chặt chẽ giữa tranh thủ khí thế và sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng với sử dụng lực lượng quân sự để nhanh chóng giành chính quyền. Các đơn vị tự vệ được hình thành rất nhanh, quần chúng tụ tập đến ủng hộ, tình nguyện giấu vũ khí rồi hòa vào dòng người kéo đi hưởng ứng ngày khởi nghĩa rất đông, giúp cho việc đánh chiếm các huyện đường diễn ra với khí thế rất cao và nhanh gọn.

Tại Duy Tiên, sau hội nghị của Ủy ban Quân sự cách mạng lâm thời huyện, các đồng chí cán bộ nhanh chóng trở về cơ sở truyền đạt mệnh lệnh khởi nghĩa, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng. Đêm 19/8/1945, lực lượng chính của đội quân cách mạng tập trung ở đình Lũng Xuyên chờ lệnh xuất phát. Lực lượng trung kiên ở các cơ sở tập trung theo từng khu vực, có cán bộ chỉ huy phụ trách. Sáng sớm 20/8/1945, hàng nghìn người từ các ngả đường xen lẫn với nhân dân đi chợ Điệp về nơi tập kết. Được tin tên huyện trưởng đang dẫn lính cơ lên đê sông Hồng kiểm tra việc hộ đê, lập tức thay mặt Ủy ban Quân sự, đồng chí Lưu Quang Bích quyết định phát lệnh khởi nghĩa. Đúng 10 giờ, một hồi kèn vang lên dưới cờ đỏ sao vàng, đội quân cách mạng vũ trang tiến vào huyện đường (đóng tại Điệp Sơn). Đến cổng chính, đồng chí chỉ huy cho nổ một băng tiểu liên giòn giã làm hiệu lệnh. Lực lượng ở các hướng lập tức tràn vào huyện đường. Trong huyện, tên đội và lính cơ hoảng hốt định chống cự, nhưng trước thế áp đảo của đội quân cách mạng nên chúng vội vã hạ vũ khí. Toàn bộ chính quyền huyện nhanh chóng đầu hàng, giao ấn tín, sổ sách cho đại diện chính quyền cách mạng. Chiều 20/8, tại huyện lỵ Điệp Sơn, Ủy ban Quân sự cách mạng lâm thời tổ chức mít tinh với 2 nghìn quần chúng tham dự. Tại đây, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện Duy Tiên đã công bố 10 chính sách của mặt trận và giới thiệu Ủy ban lâm thời cách mạng huyện.

Sau Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, đồng chí Lưu Quang Bích tiếp tục tham gia hoạt động, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và mất năm 1955. Trước đó, năm 1949, người đồng chí, người vợ của ông- Nữ Bí thư Chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lý cũng qua đời vì di chứng từ những cực hình tra tấn của kẻ thù trong nhà tù thực dân. Các con của hai nhà hoạt động cách mạng Lưu Quang Bích, Trần Thị Phúc sau đó được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành và đều là những cán bộ mẫu mực. Tháng 7/2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã truy tặng đồng chí Lưu Quang Bích Huân chương Kháng chiến về những thành tích, đóng góp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

_________________________________________

(*) Tổng Mộc Hoàn gồm Mộc Hoàn Nam, Mộc Hoàn Bắc (nay là các xã Mộc Nam, Mộc Bắc)
(**) Quê Lũng Xuyên, Yên Bắc, là cán bộ tiền khởi nghĩa, sau này là Trung tướng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự.

Thanh Nghị

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy