Gác chuông chùa Khánh Long

Chùa Khánh Long, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên) tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 2 mẫu ở phía Bắc thôn Bút Thượng, xa khu dân cư. Đây là ngôi chùa cổ có quy mô lớn với nhiều hạng mục hợp thành quần thể có giá trị cao về kiến trúc, nghệ thuật, trong đó phải kể đến gác chuông.

Theo truyền thống, ngôi chùa Phật nào cũng có gác chuông trước chùa. Song, đến nay ở tỉnh Hà Nam số chùa còn giữ được gác chuông kiểu này rất ít. Vì vậy, gác chuông chùa Khánh Long quý ở chỗ, trước tiên vì hiếm. Thứ nữa, gác chuông này là công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc, đậm đà phong cách dân tộc, lại treo quả chuông được đúc từ thời Tây Sơn là cổ vật quý hiếm. Vì chuông Tây Sơn ở Hà Nam còn lại không nhiều.

Gác chuông nằm trước cửa chùa, thiết kế kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (Lê Trung Hưng), mặc dù đã vài lần tu sửa. Trên một chiếc cột khắc dòng chữ Hán: “Lê Chính Hòa niên tạo”, tức là gác chuông chùa được xây dựng vào niên hiệu Chính Hòa thứ nhất (1676) đời vua Lê Hy Tông. Cũng ở cột này còn ghi niên đại tu sửa gác chuông: “Hoàng triều Kiến Phúc nguyên niên mạnh đông, cát nhật, hưng khởi trùng tu”, nghĩa là ngày tốt, cuối đông triều vua Kiến Phúc năm thứ nhất (1884) trùng tu.

Gác chuông chùa Khánh Long
Gác chuông chùa Khánh Long, phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên). Ảnh: Lê Dũng

Gác chuông, bố cục mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh 8,2 mét. Bộ khung chịu lực làm bằng gỗ lim. Bốn cột cái có đường kính 55cm, vừa làm chức năng đỡ xà của tầng dưới, vừa là cấu kiện chủ yếu để tạo dựng tầng trên của gác chuông. Cột quân có 12 cái, đường kính cột 35cm làm chức năng đỡ xà lòng, xà nách, kéo moi (kèo hình cổ ngỗng). Các bẩy hiên gánh đỡ 4 mái cong của tầng dưới. Bốn mái cong của tầng trên được đỡ bởi 12 chiếc cột quân nhỏ hơn, đường kính mỗi cột 25cm; cột đặt trên xà thượng ở cả 4 phía, gánh đỡ dàn mái tầng hai gác chuông. Các cột cái đều được đặt trên chân tảng bằng đá xanh mặt nổi gương tròn xếp các cánh sen. Chân tảng hình vuông mỗi cạnh 80cm.
Mái gác chuông được tạo dáng rất đẹp, với 8 đầu đao mềm mại, uyển chuyển, vươn lên vừa độ, tựa 8 đầu rồng ngẩng cao nhìn về 4 phương, 8 hướng theo triết lý Phật giáo. Các hiệp thợ xưa đã tỏ ra điệu nghệ trong việc tạo tác lá guột, tàu mái, tạo bộ hoành tròn, rui tấm. Các hàng xà lòng, xà thượng, xà hạ cũng như xà nách làm kiểu ống tơ được soi bào cẩn thận. Lớp con rường, hàng bẩy, các đấu bát, trụ non cũng được tính toán tỷ lệ hợp lý, được đục chạm các họa tiết lá lật cách điệu, lá lật hóa long giàu chất thẩm mỹ. Bờ nóc mái tầng trên gác chuông đắp các con kìm cùng hai đầu rồng râu tóc mềm mại, tư thế vững chãi. Bờ nóc rất hài hòa với 8 cánh bờ dải của 8 mái, tạo dáng phù hợp với chiều vươn của mái cùng biểu tượng rồng chầu, phượng mớm, lá lật cách điệu và 8 đầu kìm. Giữa bờ dải còn có hình tượng nghê chầu, đặc biệt là 4 con nghê ở tầng dưới được làm bằng đất nung. Con nghê phong thái hồn nhiên, như đang chạy xô xuống, trông ngộ nghĩnh, sinh động.

Tầng trên gác chuông treo quả chuông lớn. Người xưa đã gửi gắm vào tiếng chuông niềm khát vọng như đôi câu đối chữ Hán tại gác chuông, tạm dịch: “Tỉnh giấc mộng mê muội, mong niềm vui lớn/ Cầu cho nước mạnh dân giàu, ngày một tiến lên”. Quả chuông cao tới 1,5m, đường kính 82cm được đúc vào niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời Tây Sơn. Trên chuông khắc bài Minh bằng chữ Hán, tạm dịch: “Cơ đồ nhà vua bền vững. Nghiệp đế thịnh vượng lâu dài. Ánh mặt trời nhà Phật sáng soi. Bánh xe pháp Phật chuyển đều. Thiên hạ thái bình. Cầu cho muôn dân thịnh vượng”. Cách thức trang trí trên chuông cũng thật độc đáo. Tại mặt ngoài, các đường chỉ nổi đã phân chia quả chuông thành 4 múi, với 4 chữ “Khánh Long tự chung” (chuông chùa Khánh Long) trên nền 4 vầng nhật nguyệt có vân ám viền quanh. Ở thân chuông cũng có các đường chỉ nổi chia các múi ra làm hai, giao điểm giữa các múi là 4 núm vú nổi, đường kính 12cm, có chỉ viền như mặt nguyệt, có chuỗi hạt cườm, chạy vòng quanh trông thật đẹp mắt. Phần dưới của mỗi múi chuông được tạo thành 4 khuôn hình chữ nhật, bốn góc trang trí hoa lá cách điệu. Lợi chuông loe ra, có độ vồng, gờ nẹp hài hòa, tất cả có 24 cánh hoa sen kép mãn khai, đè lên lớp cánh sen phía dưới nhỏ hơn, chạy viền quanh lợi chuông. Trên các cánh sen còn tô điểm các đường vòng tròn trang trí, các bông hoa chanh nhỏ, làm cho lợi chuông càng giàu nghệ thuật.

Tiếng chuông chùa Khánh Long có âm thanh rất ấm, tiếng ngân, độ vang vọng rất xa, cho nên mỗi khi thỉnh chuông mọi nhà trong làng và lân cận đều nghe thấy. Nhiều người xa quê lắng trong tâm tưởng tiếng chuông chùa. Nếu ai dù chỉ một lần đến chùa Khánh Long, thôn Bút Thượng sẽ không quên hình ảnh một gác chuông 8 mái cong cong trong không gian u tịch và tiếng chuông chùa trầm bổng vang xa!

Mai Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy