Những năm qua, người dân thôn Tế Xuyên Bến, xã Đức Lý (huyện Lý Nhân) tích cực tham gia các CLB văn nghệ, thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, đồng thời, giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, thôn đã thành lập được CLB múa đao, vật gậy nhằm giữ gìn môn vật gậy truyền thống từ ngàn xưa cha ông để lại.
Theo ông Lê Văn Hiền, Trưởng thôn Tế Xuyên Bến, hiện tại, thôn có câu lạc bộ (CLB) văn nghệ (chủ yếu hát là hát chèo, hát dân ca); có đội bóng chuyền hơi nam nữ; có CLB dưỡng sinh của các cụ cao tuổi; có CLB erobic của phụ nữ; có CLB múa lân, sư tử; có CLB trống hội của phụ nữ; đặc biệt có CLB múa đao, vật gậy truyền thống của các cụ cao tuổi.
Nói về nguồn gốc môn vật gậy của quê hương, cụ Nguyễn Thế Phồn, 83 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, người tâm huyết dành nhiều thời gian nghiên cứu những nét đẹp truyền thống của làng Tế Xuyên Bến chia sẻ: Thôn Tế Xuyên ngày trước có 4 xóm, gồm xóm Mễ, xóm Giữa, xóm Gạch và xóm Bến. Sau quá trình tách ra, nhập vào, hiện nay thôn có tên là Tế Xuyên Bến.
Theo các cụ truyền lại, hội làng Tế Xuyên trước kia diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, thời gian, đến nay hội làng được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng, cùng ngày mừng thọ các cụ cao niên trong làng. Hội làng diễn ra đông vui, với nhiều trò chơi dân gian, trong đó có môn vật gậy truyền thống (từng đôi sử dụng gậy dài khoảng 5m, dùng tài, dùng mưu vật đối kháng để phân thắng thua).
Không ai biết chính xác môn vật gậy có từ bao giờ, nguồn gốc từ đâu, nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu tôi nghĩ môn vật gậy gắn với những nhân vật lịch sử của làng. Đó là Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng và Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục được thờ tại đình Tế Xuyên. Đây đều là những vị tướng tài cuối đời nhà Lý, đầu đời nhà Trần. Rất có thể môn vật gậy ra đời khi các ông tổ chức luyện rèn quân sĩ.
Ngoài ra, qua nghiên cứu, thời Hậu Lê, ở xóm Bến có người tên là Nguyễn Phúc Đôn sức khỏe hơn người, lại có tài bơi lặn nổi tiếng. Theo tương truyền, có lần một nàng công chúa đi chơi trên sông Long Xuyên bị con Giải bắt. Nhà vua truyền ai bắt được con Giải sẽ trọng thưởng. Với tài bơi lặn, cộng với sức khỏe phi thường Nguyễn Phúc Đôn đã diệt được con Giải. Sau khi diệt được con Giải, nhà vua phong Nguyễn Phúc Đôn là Lê Thiên Quỷ, cấp cho 1 sào đất ở Hà Nội để cho dân Tế Xuyên lên đó buôn bán. Ngoài ra, cho Lê Thiên Quỷ được thu hoa lợi từ Thượng Mặc Xá đến hạ Cống Vùa… Có thể môn vật gậy truyền thống của quê hương ra đời gắn với việc luyện tập để có sức khỏe như Nguyễn Phúc Đôn...
Trong ngôi đình làng cổ kính, linh thiêng, ông Lê Văn Hiền, Trưởng thôn Tế Xuyên Bến bộc bạch thân tình: Quê hương Tế Xuyên xưa kia có nghề riu tép truyền thống, cuộc sống của người dân vất vả vô cùng. Cùng với tiến trình phát triển của đất nước, quê hương, Tế Xuyên Bến hôm nay đang phát triển, đổi thay từng ngày. Bên cạnh xây dựng đời sống văn hóa mới, những nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có môn vật gậy để luyện rèn sức khỏe, luyện rèn trí dũng mà ông cha đã truyền lại vẫn được người dân nơi đây gìn giữ.
Hiện nay, tuy đã có nhiều mai một, nhưng trong làng vẫn còn vài đôi biết cách, biết miếng vật gậy để biểu diễn trong ngày hội làng. Thôn cũng đã thành lập CLB múa đao, vật gậy với hy vọng trong thời gian tới, môn vật gậy sẽ tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ tiếp nối với mong muốn mọi người luôn ý thức tiếp bước cha anh, chú trọng luyện rèn sức khỏe, đoàn kết, chung sức xây dựng và đổi mới quê hương.
Phạm Hiền