Đổi thay trên quê hương Tượng Lĩnh

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh, chung sức, đồng lòng xây dựng và đổi mới quê hương.

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã chia sẻ: Trong những ngày thu tháng Tám, hướng tới kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh mùng 2/9, cán bộ, đảng viên và nhân xã Tượng Lĩnh luôn ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, quê hương Tượng Lĩnh những ngày thu tháng Tám năm 1945 được ghi lại chi tiết trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tượng Lĩnh (1930-2010), đây là nguồn tư liệu quý, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống, lòng yêu quê hương đất nước, ý chí cách mạng của người dân Tượng Lĩnh trong những ngày cùng cả nước giành chính quyền năm 1945. 

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Tượng Lĩnh: Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề nghiệp chủ yếu của người dân Tượng Lĩnh là làm ruộng, nhưng ruộng đất phần lớn nằm trong tay địa chủ. 16 địa chủ chiếm 2,4% số hộ đã nắm giữ 205 ha, chiếm 42% diện tích canh tác... Phần lớn nông dân phải đi làm thuê, cuốc mướn cho địa chủ. Người dân có ít ruộng đất, phần lớn lại là ruộng xấu, đất bạc màu. Chế độ cho vay lãi nặng làm cho người nông dân phải cầm cố ruộng đất, khi lãi mẹ đẻ lãi con, không trả được nợ dẫn đến mất ruộng đất. Nhiều gia đình không có một “tấc đất để cắm dùi” phải đi cày thuê, cuốc mướn cho bọn địa chủ. Bọn chúng tha hồ phát canh thu tô với mức cao “cắt cổ”, hoặc cấy chia, cấy rẽ mà phần thiệt thòi thuộc về người nông dân... Bên cạnh đó, chính sách vơ vét thóc gạo, tô cao, thuế nặng và việc bắt nhân dân phá lúa, trồng đay của phát xít Nhật dẫn đến nạn đói nghiêm trọng khắp các tỉnh miền Bắc vào đầu năm 1945. Dọc đường 22 (nay là đường 21B) tới chợ Dầu người thập phương đi qua bị chết đói rất nhiều. Ở các thôn làng thuộc Tượng Lĩnh cũng có tới ngót trăm người chết đói; có một số gia đình chết đói cả nhà (như gia đình ông Sanh ở chợ Dầu chết cả 6 người)...

Không cam chịu kiếp sống lầm than nô lệ, từ năm 1936 - 1939, trên địa bàn các xã thuộc Tượng Lĩnh, tuy chưa tổ chức được các cuộc đấu tranh lớn, nhưng thông qua các hoạt động cách mạng đã góp phần củng cố tổ chức, thử thách, rèn luyện và phát động tinh thần cách mạng cho quần chúng, chuẩn bị cho bước phát triển cao hơn ở cao trào giải phóng dân tộc sau này... 

Đổi thay trên quê hương Tượng Lĩnh
Một góc làng quê Tượng Lĩnh.

Ngày 18/8/1945, Ban Cán sự huyện tổ chức hội nghị đại biểu Việt Minh họp tại thôn Ấp, do đồng chí Mai Văn Thái chủ trì. Hội nghị đã nghe đồng chí Lê Thành truyền đạt hội nghị Lũng Xuyên và cử ra Ủy ban Quân sự cách mạng huyện do đồng chí Đỗ Đình Phát (Thụy Lôi) làm Chủ tịch. Hội nghị quyết định kế hoạch và thời gian khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 20/8/1945. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị đại biểu Việt Minh huyện họp tại thôn Ấp, nhân dân trên địa bàn Tượng Lĩnh nô nức chuẩn bị cho ngày giành chính quyền. Ngày 20/8/1945, một số thanh niên do đồng chí Trần Đình Lâu phụ trách cùng với cán bộ Việt Minh đến nhà chánh tổng, lý trưởng thuyết phục chúng giao nộp tài liệu, hồ sơ, ấn tín, công quỹ cho cách mạng... Ủy ban Cách mạng lâm thời cũng được thành lập ở các địa phương trên địa bàn Tượng Lĩnh. Theo kế hoạch đã định, các đội tự vệ đã cùng lực lượng vũ trang của huyện tham gia giành chính quyền ở huyện lỵ, một bộ phận khác cùng với nhân dân dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh tiến hành thu ấn tín, sổ sách, kho tàng ở nhà chánh tổng, lý trưởng tại địa phương. Ngày 20/8/1945, ở các địa phương thuộc Tượng Lĩnh thực sự trở thành ngày hội lớn, chính quyền từ tay phong kiến, đế quốc đã về tay nhân dân. Bộ máy chính quyền xã được thành lập. 

Tinh mơ ngày 24/8/1945, nhiều người dân cùng lực lượng tự vệ thuộc địa bàn Tượng Lĩnh chỉnh tề đội ngũ tập trung tại sân vận động huyện đỏ rực cờ, băng-zôn, biểu ngữ cùng nhân dân trong huyện tiến về Phủ Lý tham gia giành chính quyền toàn tỉnh.

Hơn 70 năm đã trôi qua, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tượng Lĩnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Xác định rõ, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, vì vậy, ngay khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2016), Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Tượng Lĩnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân quyết tâm giữ vững, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn. Để thực hiện được nhiệm vụ này, xã ưu tiên nguồn kinh phí hoàn thiện cơ sở cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở Tượng Lĩnh chỉ còn 1,1%; tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ nhà cao tầng đạt trên 30%… 

Đồng chí Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Xây dựng xã có phong trào thi đua toàn diện, xuất sắc; phấn đấu đạt tiêu chí phường trước năm 2025. Để thực hiện được mục tiêu này, xã Tượng Lĩnh đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá cần tập trung thực hiện, đó là: Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn xã, trọng tâm là dự án Khu du lịch quốc tế đa năng; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; quan tâm đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Những ngày thu này, cùng với các nhiệm vụ đột phá, Tượng Lĩnh đang tập trung mở rộng các trục đường chính của thôn (rộng 5,5m, trải asphalt), có hệ thống thoát nước. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường được xã quan tâm chú trọng. Đến thời điểm này, các hộ dân trong xã đã được trang bị hai thùng nhựa để thực hiện phân loại rác thải tại hộ. Các thôn đều có tổ thu gom rác thải, một tuần thu gom hai lần. Xã đã đầu tư mua 40 xe thu gom rác thải, lượng rác thải thu gom để trực tiếp trên xe, khi có ô tô về vận chuyển chỉ việc nâng đổ lên, không phải qua bể trung chuyển. Cùng với đó, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại - dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, làng văn hóa, gia đình văn hóa... thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt: Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy