Tọa lạc trên khu đất rộng 2.233m2, mặt chính diện quay hướng Tây, đình Cống thuộc tổ dân phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục). Tên cũ trước kia của tổ dân phố Bình Nam là thôn Thượng Thọ, gắn với tên thôn ngày ấy đình Cống có tên gọi là đình Thượng.
Dưới bóng mát của cây đa cổ thụ, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tính, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Bình Nam được biết: Đình Cống thờ hai vị thành hoàng làng là Thạch Sùng hiển quốc đại vương và Quý Minh công chúa. Đây là những vị thần có công với đất nước và nhân dân địa phương. Được xây dựng từ lâu đời, theo phong cách cổ truyền của dân tộc, kiến trúc đình Cống mang đậm phong cách thời Nguyễn. Trên các vì nóc, vì nách… của đình được chạm khắc các hoa văn họa tiết: rồng mây, “tứ quý”, phượng vũ… với đường nét chạm trổ công phu, tỷ mỷ. Đình Cống hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, hiện vật có giá trị, như: hương án, ngai thờ, bát hương, hạc chầu, kiệu…
Theo lịch sử địa phương, trong giai đoạn năm 1930-1945, đình Cống là cơ sở hoạt động cách mạng, là địa điểm hội họp, nơi làm việc bí mật của cán bộ chủ chốt địa phương. Cách mạng tháng Tám thành công, đình Cống là địa điểm mở các lớp bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Đình còn là nơi đặt “Hũ gạo cứu đói”, phát động “Tuần lễ vàng”, xây dựng “Quỹ độc lập”…
Thời kỳ chống thực dân Pháp (1946-1954), đình Cống là địa điểm hội họp, luyện quân của cán bộ, bộ đội, quân dân du kích địa phương. Giai đoạn 1946-1947, đình Cống là trụ sở của UBND kháng chiến xã Mỹ Thọ. Đầu năm 1948, Mỹ Thọ trở thành vùng tạm chiếm, đình Cống trở thành nơi gác quan sát hoạt động của giặc ở bốt phố Phủ. Từ năm 1950-1953, phong trào du kích ở Thượng Thọ phát triển, đình Cống là nơi cảnh giới của du kích. Du kích địa phương lấy nơi đây làm địa điểm để theo dõi và khống chế pháo 105 ly của địch ở bốt phố Phủ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đình Cống là nơi tiễn đưa hàng trăm con em quê hương lên đường vào Nam chiến đấu. Những năm 1965, 1966, đình Cống là cơ sở đặt kho thuốc của Công ty Dược, huyện Bình Lục cấp phát cho toàn huyện.
Chia sẻ về nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng ở đình Cống, ông Nguyễn Đắc Thừa, Trưởng Ban nghi lễ khánh tiết đình Cống cho biết: Một năm, ngoài 4 lễ tế chính (xuân, hạ, thu, đông), đình Cống còn các kỳ lễ (tính theo lịch âm): Ngày mùng 4 tháng giêng – tổ chức lễ mừng thọ các cụ cao niên tuổi tròn trong làng. Ngày mùng 9/2 – ngày việc làng. Người dân Thượng Thọ trước kia có câu “mùng 9 tháng 2, xôi khoai, bánh khúc”. Theo các cụ kể lại, ngày trước đời sống của người dân hết sức khó khăn, “cơm không đủ ăn”, lễ vật tế thành hoàng làng cũng hết sức đơn giản. Mùa tháng 2 rau khúc mọc xanh đồng, dân làng đi lấy rau về làm bánh khúc, luộc khoai dâng lên tế thần. Ngày 13 tháng 8 – tổ chức tế công tử. Lễ tế này cầu cho trai tráng trong làng luôn khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, làng có thêm nhiều đinh… Ngày mùng 1 tháng 10 – tổ chức lễ tế thần Nông cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, dân làng khỏe mạnh. Đặc biệt, từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 7, đình Cống tổ chức lễ cầu an, báo hiếu (Vu Lan) thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ cầu an, báo hiếu là dịp để mọi người trong làng cùng ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương; ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với Tổ quốc, với quê hương. Dịp này cũng là dịp cháu con trong mỗi gia đình tưởng nhớ, báo hiếu công ơn cha mẹ, nhớ về tổ tiên, dòng tộc… Để buổi lễ diễn ra trang trọng, năm nào cũng vậy, trước ngày tế lễ, Ban khánh tiết của đình phân công người bao sái đồ thờ, quét dọn vệ sinh khuôn viên đình sạch sẽ.
Thôn Thượng Thọ xưa có 6 giáp, gồm: giáp Đông, giáp Đoài, giáp Chùa, giáp Thượng, giáp Chợ, giáp Lương Ý. Theo lệ làng, đến ngày làng làm lễ mỗi giáp phải chuẩn bị: một hòm quần áo, mũ khăn, cờ; một con lợn đã được làm sạch, mâm xôi, hoa quả, oản, trầu cau, rượu… dâng lên tế thần. Chiều ngày mùng 1 tháng 7, các chức sắc, già làng đại diện cho dân làng làm lễ cáo yết xin Thành hoàng làng cho phép làm lễ. Sáng mùng 2, tổ chức rước kiệu từ đình đến các đền Ông Chùa (trấn Nam Phương), đền Đông (trấn Đông Phương), đền Quan Bản (trấn Tây Phương), đền Thánh Bắc (trấn Bắc Phương) xin rước chân nhang về làm lễ. Buổi chiều tại khuôn viên diễn ra các trò chơi dân gian như: leo cầu phao, đi cầu khỉ, bắt vịt. Buổi tối tổ chức hát chèo do gánh hát chèo địa phương biểu diễn. Ngày mùng 3, đình long trọng tổ chức nghi lễ cầu an, Vu Lan… Sáng mùng 4, đội tế thực hiện nghi thức tế yên vị và tụng kinh. Tế lễ xong, đoàn rước lần lượt rước chân nhang về các đền yên vị…, buổi tối thực hiện nghi lễ phóng sinh và thả đèn hoa đăng ngay tại ao đình.
Giữ nét đẹp truyền thống xưa, thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, ngày nay, cứ 3 năm đình Cống tổ chức lễ rước một lần. Trong lễ rước, ngoài tới 4 đền, đoàn rước còn tới nghĩa trang liệt sĩ rước chân nhang về làm lễ. Đêm văn nghệ còn có thêm tiết mục giao lưu với những người con xa quê để tăng thêm sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đình Cống không tổ chức tế lễ. Đúng ngày, Ban khánh tiết đình cử đại diện ra đình thắp hương cầu an, cầu dịch bệnh mau qua để người dân yên tâm trong sinh hoạt, lao động sản xuất…
Trải qua những biến thiên của thời gian, của lịch sử, từ nguồn xã hội hóa, những năm qua đình Cống đã được tu sửa nhiều lần. Đình được trùng tu tôn tạo vững chắc; khuôn viên đình được lát gạch, trồng cây, trồng hoa… tôn lên vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, linh thiêng của di tích.
Bà Nguyễn Thị Tính, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Bình Nam vui vẻ cho biết thêm: Năm 2019, đình Cống được xếp hạng Di tích “Kiến trúc Nghệ thuật và Lịch sử” cấp tỉnh. Tự hào với truyền thống văn hóa của quê hương, người dân tổ dân phố Bình Nam nêu cao tinh thần đoàn kết, chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, kiến trúc, nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của đình Cống tới muôn đời sau.
Phạm Hiền