Đình làng Phù Thụy (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng) là ngôi đình cổ đã được xây dựng từ hàng trăm năm nay. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây là nơi nuôi giấu chiến sỹ, cán bộ cách mạng. Với những giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc, tháng 11/2020, đình làng Phù Thụy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đình làng Phù Thụy tọa lạc trên thửa đất rộng, cao ráo đầu làng Phù Thụy, mặt đình quay hướng tây. Ngôi đình là một tổng thể hoàn chỉnh gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau và mang nhiều niên đại, chứa đựng một huyền tích.
Theo thần phả, đình làng Phù Thụy thờ 2 vị âm thần là Đương Cảnh thành hoàng Lý Bà Công chúa và nữ tướng Quyền nhiệm Đại vương Thái trưởng Công chúa. Tích xưa kể rằng, Lý Bà Công chúa vốn là người con gái nết na, thùy mị của làng, được bén duyên trở thành cung phi thứ tám của nhà vua. Bà có tấm lòng nhân hậu, thường xuyên xuất tiền cứu giúp người nghèo, lại còn chỉ dạy người dân thạo nghề buôn bán. Dần dần, nhân dân khắp vùng trở nên no đủ, giàu có, biết lễ, hiếu nghĩa. Hết thảy mọi người đều ca ngợi bà là người có công lao to lớn với quê hương, bản quán.
Về phần nữ tướng Quyền nhiệm Đại vương Thái trưởng Công chúa, tích xưa ghi lại bà là người có công cùng Hai Bà Trưng đánh tan quân Tô Định, dẹp yên bờ cõi. Khi bà mất, nhà vua lập miếu trên lăng, truyền cho dân hằng năm hương hỏa thờ phụng. Hằng năm cứ vào ngày sinh của Lý Bà Công chúa, nhân dân trong làng lại tổ chức làm lễ bái, lễ rước trang trọng.
Không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Phù Thụy còn là căn cứ cách mạng và nuôi giấu chiến sỹ cách mạng. Hiện nay, đình làng Phù Thụy là nơi hội họp của cán bộ, nhân dân trong làng, là nơi tổ chức các dịp hội làng, chúc thọ và các sự kiện trọng đại của làng.
Đình làng Phù Thụy là di tích được khởi dựng từ thời Hậu Lê, đến năm 1906, dưới thời vua Thành Thái được tu bổ lớn nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn dáng vẻ, phong cách kiến trúc của thời Hậu Lê. Trải qua tác động của thời gian, mưa nắng, chiến tranh, một số hạng mục đã bị xuống cấp, đặc biệt là hậu cung đình. Năm 2008, bằng nguồn xã hội hóa, cán bộ, nhân dân địa phương đã tu bổ lại hậu cung để tạo sự khang trang, vững chãi cho ngôi đình.
Đình có mặt bằng hình chữ Nhị. Tòa đệ nhất gồm 5 gian, kiểu bít đốc giật cấp cánh bảng vuông, mái lợp ngói Nam, dưới lót ngói chiếu. Hai đầu nóc đắp con kìm hình đầu rồng miệng mở rộng, răng to nhọn ngậm chặt bờ nóc, đuôi uốn cong đặt lên đầu vuông. Bộ khung chịu lực của đình gồm 6 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột. Vì nóc có kết cấu kiểu biến thể giá chiêng, vì nách có kết cấu không đồng nhất. Các vì nách gian bên và gian hồi tạo kẻ cổ ngỗng. 4 vì nách gian giữa được tạo tác cầu kỳ, mỗi vì nách gồm 4 con rường chồng khít lên nhau, 2 mặt trang trí đề tài “Tứ linh” rất sinh động, riêng con rường trên cùng được tạo tác thành hình con rồng vững chãi, chắc khỏe. Hậu cung gồm 3 gian được xây theo kiểu tường hồi bít đốc.
Ông Nguyễn Thế Liêu, Trưởng ban khánh tiết thôn Phù Thụy chia sẻ: Đình làng Phù Thụy là di sản kiến trúc nghệ thuật từ thời Hậu Lê. Trải qua quá trình tồn tại kéo dài hàng thế kỷ, đến nay, đình làng Phù Thụy là nơi bảo lưu đậm nét phong cách kiến trúc, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Đồng thời, đình làng thờ hai vị thành hoàng làng có công với dân, với nước, là niềm tự hào của nhân dân làng Phù Thụy. Bởi vậy, người dân Phù Thụy bao đời nay vẫn luôn tự nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng, bảo tồn đình làng.
Không chỉ là một công trình mang đậm nét kiến trúc cổ truyền của dân tộc, giá trị văn hóa của di tích còn thể hiện ở các đề tài trang trí tại đình, tuy không quá cầu kỳ nhưng đều thể hiện tính đặc trưng, rõ nét của niên đại khởi dựng. Đầu tiên phải kể đến các mảng chạm lá lật cách điệu trên mặt các con rường, xà và bảy ở tòa đệ nhị. Toàn bộ trang trí ở tòa này có tính thống nhất với cùng một đề tài và kỹ thuật đục, chạm. Các mảng chạm này đã đạt tới trình độ mẫu mực về kỹ thuật, mỹ thuật. Bên cạnh những giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc, đình làng Phù Thụy hiện nay còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật, đặc biệt là 7 sắc phong của các triều đại, kiệu bát cống, kiệu long đình, ngai thờ thành hoàng, bát bửu, đỉnh hương đồng, hạc gỗ, câu đối, đại tự… Sự phong phú của đồ thờ ở đình góp phần làm nổi bật giá trị kiến trúc và giá trị lịch sử của đình. Đồng thời, thể hiện ý thức gìn giữ, trân quý di tích của bao thế hệ người dân nơi đây.
Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền, nhân dân địa phương, bà con xa quê, với ý thức giữ gìn di sản văn hóa của ông cha để lại, dân làng đã thành tâm công đức, đóng góp công sức, tiền của tu bổ di tích, tôn tạo cảnh quan để di tích ngày càng khang trang mà vẫn giữ nguyên vẹn phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Phát huy truyền thống văn hóa, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ người dân làng Phù Thụy nói riêng, xã Thi Sơn nói chung luôn trân trọng giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể bằng các việc làm cụ thể, như
: Thành lập ban khánh tiết, trùng tu công trình kiến trúc, trồng cây, tạo cảnh quan đẹp, phục dựng lại lễ hội cổ truyền phục vụ khách tham quan. Song song với việc bảo tồn, tôn tạo, ban quản lý còn tích cực sưu tầm, tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn của ngành chuyên môn và những giá trị văn hóa đặc sắc của di tích, qua đó giúp nhân dân địa phương có nhận thức sâu sắc đầy đủ về trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy giá trị của di tích trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Nguyễn Khánh