kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đền Mẫu phường Quang Trung - Di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu

Đền Mẫu phường Quang Trung - Di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu

Lạc Tràng (phường Quang Trung, TP.Phủ Lý) là vùng đất cổ, nơi có đường thiên lý Bắc Nam đi qua, là đất khoa bảng với nhiều dòng họ nổi tiếng như họ Bạch, họ Vũ. Cũng như nhiều thôn làng khác, Lạc Tràng xưa cũng có những nơi tôn nghiêm để người dân tu tâm dưỡng tính, lánh giữ tu hiền. Đó là 3 ngôi đình của 3 giáp Bắc, Đông, Ngô; chùa Lạc Tràng và đền Mẫu Đình Trường. Trải qua thời gian và bom đạn chiến tranh chỉ còn đền Mẫu Đình Trường còn nguyên vẹn, được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật năm 2006.

Đền Mẫu Phường Quang Trung  Di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu
Đền Mẫu, Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý.

Đền Mẫu nằm ở giữa thôn Đình Trường (nay thuộc Tổ dân phố 5) trong một khuôn viên rộng và cao ráo gần 1.900m2. Ngôi đền cổ kính, thâm nâu màu thời gian nằm dưới bóng hai cây muỗm cổ thụ. Phía trước có hồ bán nguyệt, phía sau có vườn cây nên mặc dù nơi đây tốc độ đô thị hóa cao song vẫn giữ được nét yên bình, tôn nghiêm. Đền phụng thờ Liễu Hạnh Công chúa thượng đẳng thần và hai tiên nữ phò tá Quỳnh Anh và Quế Anh chi thần. 

Qua trò chuyện với ông Vũ Mạnh Phu, Trưởng Ban quản lý di tích đền Mẫu, chúng tôi được biết khu vực Đình Trường xưa là một hòn đảo xanh tươi giữa bốn bề sông nước. Giữa đảo có một mô đất cao quanh năm hoa thơm trái ngọt, chim chóc quần tụ, non nước hữu tình. Thời đó, dân cư thưa thớt, nghèo đói và luôn bị dịch bệnh hoành hành. Được Mẫu báo mộng, nhân dân đến đây cầu đều linh ứng, nên đã dựng đền thờ để được Mẫu chở che. Đền Mẫu ngày nay được xây dựng trên khu đất thiêng đó, do nhu cầu của sự phát triển, hồ nước đã bị lấp một phần nên đền hiện nằm giữa làng.

Đền Mẫu trông về phía Tây, trông ra một phần hồ nước còn lại, đây cũng là nét độc đáo, bởi ít có di tích nào có mặt hướng về phía Tây. Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim; đầu kìm (nghê), mặt hổ phù, chữ thọ theo phong cách trang trí cổ truyền đều được tạo tác tinh xảo và đẹp mắt. Đền Mẫu gồm hai tòa, tòa tiền đường 3 gian. Điều đặc biệt của tòa tiền đường là các hàng cột đỡ ở đây đều là cột vuông có gờ ở 4 cạnh, cột cũng mảnh mai không tròn và đồ sộ như các di tích khác; chân kê cột là những bệ đá tròn, kích thước phù hợp với thân cột. Kiến trúc này làm cho tòa tiền đường mang vẻ nhẹ nhàng, thoáng rộng.

Hậu cung đền Mẫu là ba ngai thờ lớn, trên đó là tượng của Mẫu Liễu, Quỳnh Anh và Quế Anh. Bức tượng Mẫu Liễu mặc áo đỏ, vẻ mặt hiền từ vô cùng sinh động. Đền Mẫu Đình Trường hiện còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ, quý hiếm, như: hoành phi, đại tự, ngai, khám, tượng thờ, bộ nghi trượng, gươm, giáo và 18 đạo sắc phong của các triều đại ban cho Mẫu Liễu, ca ngợi công lao của Mẫu với địa phương.

Để ghi nhớ công lao của Mẫu, vào ngày kỵ Mẫu 3/3 hằng năm, nhân dân đều tổ chức lễ hội tại đền, khắp nơi nô nức về trẩy hội. Các cuộc thi làm bánh dày, nấu chè kho, thổi cơm…diễn ra rất sôi nổi, đêm đến các gánh chèo biểu diễn tại sân đền. Ngày chính hội tổ chức rước kiệu Mẫu, đám rước đông vui theo nghi lễ cổ truyền. Đám rước bắt đầu từ đền Mẫu đến miếu cửa sông – nơi thờ Trần Hưng Đạo, sau đó quay về đền làm lễ tế nữ quan, múa sênh tiền, hát chầu văn và hầu bóng. Lễ vật dâng người, ngoài hoa quả sản vật địa phương, dân làng bao giờ cũng chuẩn bị món cơm nắm bằng gạo tám xoan gồm 9 nắm nhỏ và đĩa muối vừng để lễ Mẫu.

Nhưng nét văn hóa tâm linh đặc sắc nhất và còn lưu giữ đến nay đó là lễ tế nữ quan tại đền. Tế nữ quan tại đền chính là lễ đón rước và thỉnh mời Mẫu về dự hội, hưởng lễ vật, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với Mẫu và cầu mong được bảo vệ, che chở, phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sức khỏe và bình an. Tế nữ quan tại đền được thực hiện trang nghiêm, tất cả các chức sự trong ban tế đều là những người có đức độ, phúc hậu, con cháu song toàn, gia đình hạnh phúc.

Nghi thức tế nữ quan tại đền Mẫu Đình Trường được thực hiện theo nghi lễ truyền thống, bao gồm các tuần dâng hương, dâng hoa, dâng rượu, dâng lễ vật… kết hợp với tiếng chiêng, trống, tiếng sênh tiền và phường bát âm tạo nên không gian linh thiêng, trang nghiêm và thành kính. Chính vì lưu giữ được nét văn hóa truyền thống này nên vừa qua, tế nữ quan đền Mẫu Phường Quang Trung đã được chọn đại diện cho thành phố Phủ Lý tham dự Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu lần thứ VI năm 2020.

Là địa chỉ tâm linh của người dân Phường Quang Trung nói riêng và người dân quanh vùng nói chung nên công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở đây rất được quan tâm, trong đó có công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích. Ông Vũ Mạnh Phu cho biết: Những năm qua, Ban quản lý di tích đền Mẫu đã tích cực hoạt động, góp phần nâng cao ý thức trân trọng và giữ gìn di sản văn hóa trong cộng đồng; công tác xã hội hóa di tích đã được thực hiện tốt ở địa phương. Nhân dân đã tích cực đóng góp công đức để xây dựng, tôn tạo, trùng tu các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của quê hương. Nhờ vậy, đền Mẫu cũng như các địa chỉ tâm linh khác của phường được tu sửa, tôn tạo bền vững, khang trang hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu tâm linh và làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy