Chuyện về dòng họ Trương ở Tiên Nội

Có mặt trên đất Tiên Nội, thị xã Duy Tiên đến nay đã hơn 400 năm, dòng họ Trương là một trong nhiều dòng họ lớn. Kể từ đời Tiến sỹ Trương Minh Lượng, một trong số 18 vị khoa bảng của Hà Nam được ghi danh văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến nay dòng họ này đã có thêm 10 đời con cháu, trở thành một trong những dòng họ tiêu biểu ở Duy Tiên.

Trưởng nam đời thứ 16 dòng họ Trương trên đất Ngô Xá, phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên là ông Đinh Trương Cường, tên khai sinh là Đinh Việt Cường, nguyên là Giám đốc Đài PT-TH Hà Nam. Cũng giống như những người con của dòng họ xa làng, xa nơi “chôn nhau cắt rốn”, ông Cường không bao giờ quên gốc gác của mình. Nhà đông con hay ít con, vấn đề tổ tiên, gia phong đối với dòng họ này rất mực cẩn trọng. Ngược dòng lịch sử càng thấy dòng họ Trương đáng để tự hào.

Chuyện về dòng họ Trương ở Tiên Nội
Con, cháu dòng họ Trương ở thôn Ngô Xá và Thượng Xá xưa (nay là Ngô Tân, phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên) xem các sắc phong của Tiến sỹ Trương Minh Lượng.

Cách đây hơn chục năm, trong ngày giỗ tổ vào tháng 7 âm lịch, từ Duyên Hà, Thái Bình, một đoàn người họ Lê, dòng dõi Tiến sỹ Lê Phú Thứ, phụ thân của Lê Quý Đôn đội lễ qua sông, sang Hà Nam để tiếp đức tổ tiên. Trong không gian chật hẹp nhưng ấm cúng, những người từ xa trở về với những người đang sống trên vùng quê này thân mật, chuyện trò. Gia phả dòng họ Trương được gìn giữ cẩn trọng, được con cháu nâng niu. Các bậc cao niên của dòng họ kể lại, gốc tích của dòng họ Trương trên đất Ngô Thượng này là họ Phạm đến từ Tứ Kỳ, Hải Dương. Khi lập nghiệp ở Ngô Thượng vào thế kỷ XVIII đổi thành họ Trương. Đời nào cũng có người tài, cốt cách cao sang, văn hay chữ tốt. Câu chuyện cô đọng nhất là về cụ tổ đời thứ 8 Trương Minh Lượng thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700) đời Lê Hy Tông. Ông là con rể của cụ Hoàng Công Trí, người đỗ Tiến sỹ năm 1671, làm quan đến Bộ Lại Thượng thư. Tiến sỹ Trương Minh Lượng là người trầm tĩnh, học rộng, luôn có chí hướng làm điều nhân nghĩa. Khi còn nắm quyền ở Tuyên Hóa, ông tận tụy, trung kiên, mực thước. Lúc nghỉ hưu thì lui về ở ẩn, hằng ngày ngâm ngợi thơ văn, không quên đèn sách. Người theo học Tiến sỹ Trương Minh Lượng có tới hơn 2 nghìn, thành đạt không ít. Em trai của Tiến sỹ Trương Minh Lượng là Đinh Hồng Kỳ đậu Tiến sỹ khoa Hoằng từ, còn em út của ông là Trương Duy Thì đỗ Hương Cống, làm quan đến Tri huyện. Con cháu của cụ Trương Minh Lượng cũng thành đạt, vẻ vang. Hai con trai làm Tri phủ; con gái duy nhất với bà Hoàng Thị Huệ là Trương Thị Ích được gả cho người học trò cưng Lê Phú Thứ, đỗ Tiến sỹ, người xã Diên Hà, Thái Bình, sau làm Thượng thư Bộ Hình và là cha đẻ của Lê Quý Đôn. 

Nhưng vì sao dòng họ Trương lại có cả người mang họ Đinh? Sao em ruột của cụ tổ đời thứ 8 Trương Minh Lượng lại là Tiến sỹ Đinh Hồng Kỳ? Ông Cường kể: Trong gia phả của dòng họ ghi cụ thể, Tiến sỹ Đinh Hồng Kỳ là em trai của Trương Minh Lượng, được cho làm con nuôi một người làng Ngô Xá tên là Đinh Tiến Hiền, từ đó mang họ Đinh của cha mẹ nuôi. Ông Cường chính là dòng dõi của chi nhánh Tiến sỹ Đinh Hồng Kỳ. Cũng chẳng kém gì anh trai, ông Kỳ từ nhỏ thông minh, mẫn tiệp, được học hành tử tế, 15 tuổi đỗ tú tài, 21 tuổi đỗ cử nhân, nhưng thi Tam trường thì lận đận. Năm 42 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Thanh Trì, nhưng vẫn không ngừng đeo đuổi ước mơ ứng thí quan trường. Năm 86 tuổi (1758), ông Đinh Hồng Kỳ thi đỗ Tiến sỹ, được đặc ân làm Tri phủ Trường Khánh (Ninh Bình). Trong suốt thời kỳ hoan nộ, Đinh Hồng Kỳ lấy đạo đức nho giáo làm gốc, khi dân nước khó khăn, gặp thiên tại dịch họa, ông đem thóc lúa của nhà ra giúp dân. Năm 1762, ông qua đời, thọ 89 tuổi. Sau này, cháu gọi ông bằng cụ là Đinh Gia Hội cũng học hành đỗ đạt, đỗ Phó bảng Ân khoa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848), được bổ nhiệm làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), có nhiều công lao giúp dân lập ấp, góp phần mở mang vùng văn hóa Kinh Bắc; làm quan chính trực, thanh liêm, được triều đình nhà Nguyễn sắc phong "Phụng nghi Đại phu". Hiện nay, bảng sắc, bài vị vẫn còn được bảo quản, lưu giữ tại nhà thờ họ Trương Minh ở Ngô Xá…

Do diễn biến lịch sử, con cháu dòng họ Trương ở Ngô Xá, Ngô Thượng (phường Tiên Nội) tỏa đi khắp nơi, sinh sống, học tập, lao động và chiến đấu ở mọi lĩnh vực cuộc sống. Gia đình ông Đinh Trương Cường là thí dụ. Trong suốt thế kỷ XX, cha mẹ ông phiêu bạt từ Hải Phòng, qua Thái Bình, Hải Dương về thị xã Phủ Lý định cư, lạc nghiệp. Phát huy truyền thống dòng tộc, bố ông Cường là Đinh Văn Tiếu, tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi. Khi thị xã Phủ Lý được hoàn toàn giải phóng, ông Tiếu làm Trưởng Ban Cán sự Đảng kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính lâm thời thị xã. Trong thời đại Hồ Chí Minh, rất nhiều con cháu dòng họ Trương theo cách mạng, tham gia kháng chiến, kiến quốc. 15 người đã hy sinh ở khắp các chiến trường, dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc thân yêu. Trong gia phả có ghi, ở thời đại này, họ Trương không ít người có chức, có quyền nhưng vẫn rèn luyện, giữ trọn tài phẩm, sống thanh liêm, trong sáng. Con cháu phải khắc ghi lời dạy của cha ông "Nếu người nào làm và truyền cho con cháu những điều mưu mẹo bất lương thì nhà đó suy vong", và "Nếu ai làm và truyền cho con cháu những điều nhân nghĩa thì nhà đó thịnh vượng" bền vững… 

Trong số những phẩm chất cao quý mà con cháu dòng họ Trương gìn giữ, phát huy trong đời sống đến hôm nay chính là tinh thần hiếu học, ham học. Vì thế, đời nào dòng họ Trương cũng có những văn nhân trí thức tiêu biểu, sống cốt cách và rất tâm hồn. Thực tế có một điều không thể phủ nhận, dòng họ này đã làm cho truyền thống học hành khoa bảng của đất và người Hà Nam thêm rạng rỡ vinh quang.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy