Chiếu chèo bên dòng sông Đáy

Sống bên dòng sông Đáy thơ mộng, hiền hòa, bao đời nay người dân Thi Sơn (Kim Bảng) không chỉ có tiếng về sự hòa đồng, mến khách, mà còn được nhiều nơi biết đến bởi giọng hát chèo rất hay cùng niềm đam mê, nhiệt tình với văn nghệ quần chúng.

Gần 10 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) chèo Sông Đáy Thi Sơn trở thành mái nhà chung của gần 20 thành viên có cùng niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật chèo truyền thống. Các thành viên CLB chủ yếu là làm nông nghiệp, số ít làm công nhân, buôn bán nhỏ và sợi dây gắn kết họ lại gần nhau hơn chính là tình yêu cùng mong muốn góp sức gìn giữ nghệ thuật hát chèo.

Chiếu chèo bên dòng sông Đáy
Một buổi giao lưu của CLB chèo Sông Đáy Thi Sơn.

Có lẽ bởi thế nên gánh nặng mưu sinh thường nhật dường như không làm vơi đi tình yêu, niềm đam mê hát chèo của các thành viên trong CLB. Mỗi khi trong xã tổ chức các sự kiện chính trị (đại hội các đoàn thể, tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, hội làng…) là các thành viên CLB lại náo nức cùng nhau luyện tập, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc nhất. Mỗi lần CLB đi biểu diễn đều nhận được sự động viên, cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Từ sự động viên, ngợi khen ấy, nên cuộc sống dù còn nhiều bận rộn, vất vả nhưng hễ ngơi tay cuốc, tay cày là những “nghệ sĩ nông dân” lại sẵn sàng hóa thân vào nhân vật và hào hứng bước lên sân khấu. 

Mặc dù mới tham gia CLB được hơn 2 năm nhưng bà Đinh Thị Huyên (Thôn 3, Thi Sơn) rất vui mừng, phấn khởi, nhất là mỗi khi được cùng các thành viên đi biểu diễn giao lưu văn nghệ với các xã bạn. Bằng tình yêu, sự đam mê, bà Huyên đã cùng các thành viên CLB đưa làn điệu chèo đến gần hơn với bà con, nhân dân. Bà Huyên chia sẻ: “Tham gia CLB hơn 2 năm, tôi thấy tinh thần sảng khoái, thoải mái hơn hẳn. Đặc biệt, tôi rất vui và nhớ mãi kỷ niệm về lần cùng CLB tham gia dự hội thi Tiếng hát toàn tỉnh. Với vai diễn trong trích đoạn “Lý trưởng, mẹ Đốp”, tôi đoạt giải Nhì. Đây cũng là động lực để bản thân tôi tiếp tục tham gia cùng anh chị em bạn diễn cống hiến cho CLB và phong trào văn nghệ quần chúng”.

Trong cuộc sống bận rộn hôm nay, những tưởng phần lớn người dân sẽ quay lưng với nghệ thuật chèo truyền thống, nhất là khi xã hội đang có sự xâm nhập mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc hiện đại. Vậy mà ở Thi Sơn, chèo vẫn luôn được người dân nâng niu, gìn giữ. Lớp trẻ, có người mới ngoài ba mươi tuổi đã rất say sưa với hát chèo; nhiều gia đình trong xã có đến hai, ba thế hệ biết hát chèo. Không ít người yêu chèo đến mức, dù chẳng có thù lao, lại phải bỏ tiền túi mua nhạc cụ, trang phục, son phấn… nhưng vẫn say sưa ca hát suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ đơn giản đó là niềm vui, là đam mê và lòng nhiệt huyết của những người muốn góp phần giữ lại nét đẹp văn hóa quê hương. Không chỉ chị em phụ nữ, CLB còn có nhiều thành viên nam tham gia. 

Anh Khánh (Xóm 13, Thi Sơn) là một trong những thành viên nam rất nhiệt tình với hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương. Không chỉ để thỏa mãn đam mê ca hát mà sâu xa hơn, anh Khánh muốn được cùng các thành viên CLB góp phần giữ gìn những làn điệu dân ca, chèo mà cha ông để lại. Bởi thế, mỗi lần CLB chuẩn bị đi giao lưu hay đi biểu diễn ở đâu, anh Khánh đều cố gắng thu xếp ổn thỏa công việc gia đình để cùng mọi người trong CLB dành thời gian luyện tập, biểu diễn.

Anh Khánh tâm sự: CLB là một sân chơi rất thú vị và bổ ích. Dù kinh phí hoạt động của CLB phần lớn do các thành viên đóng góp, rất eo hẹp, nhưng mỗi khi lên sân khấu biểu diễn, nhận được sự động viên, cổ vũ vô tư, nhiệt tình của bà con, chúng tôi dường như quên hết những khó khăn, vất vả để hào hứng “hết mình” cho buổi diễn được thành công. Không chỉ dựng lại các vở diễn, tích chèo cổ, CLB chèo Sông Đáy Thi Sơn còn “tự biên, tự diễn” nhiều tiểu phẩm hay liên quan đến những vấn đề thời sự để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cũng như nhu cầu giải trí của khán giả. Trong xã, phần đông người già, trẻ nhỏ đều mê hát chèo. Câu chèo trữ tình, thiết tha từ những thành viên CLB lan tỏa đến mỗi người dân đi khắp các nẻo đường, hết ra đồng, xuống phố, lại đến với các hội thi, hội diễn, đến với những đêm hội làng náo nức, đông vui. 

Để CLB không ngừng phát triển, ngoài sự quan tâm, động viên về tinh thần, vật chất của chính quyền xã, còn có sự đóng góp không nhỏ từ mỗi thành viên. Bà Đỗ Thị Hải Yến (Chủ nhiệm CLB) cho biết: Dù việc duy trì hoạt động gặp không ít khó khăn (về kinh phí, thời gian luyện tập…) nhưng bù lại, CLB luôn nhận được sự quan tâm, động viên, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của các nhà hảo tâm và đông đảo người dân. Rất mong thời gian tới, CLB chèo Sông Đáy Thi Sơn sẽ được quan tâm, ủng hộ hơn nữa để có thêm điều kiện phát triển, đóng góp tích cực hơn nữa vào việc xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương.

Sự nhiệt tình, tâm huyết của các thành viên trong CLB đã góp phần làm nên nét đẹp trong nhịp sống văn hóa địa phương, bảo lưu vốn văn hóa quý giá của dân tộc, đất nước. Những cánh đồng lúa trĩu nặng ngày mùa, những công trình nông thôn mới, những tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước ở địa phương… được các thành viên trong CLB khéo léo lồng vào những làn điệu chèo thiết tha, trữ tình, đưa lên sân khấu để kịp thời động viên, ngợi ca, tôn vinh. Những người nông dân mê chèo, những con người của ruộng đồng, mùa vụ ấy đang lặng thầm ngày đêm góp sức bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống và tạo dựng nên nét đẹp trong nếp sống văn hóa ở chính quê hương mình.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy