Bầu cử Quốc hội trong ký ức của người dân

Có lẽ vào thời điểm này, đi tìm những nhân chứng lịch sử đã từng có mặt trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc cách đây 75 năm để nghe kể rành rọt và nhớ minh mẫn mọi chuyện chắc không nhiều. Nhưng ai còn nhớ thì lại nhớ như in, như khắc vào tâm trí, bởi một điều: Sự kiện bầu cử Quốc hội đầu tiên đối với họ là chuyện trọng đại "nhiều đời trước đó không bao giờ có!", lại tham gia công tác tổ chức bầu cử thì càng đặc biệt hơn. Trong ký ức của những con người ấy, hành trình 14 lần bầu cử Quốc hội dù không giống nhau nhưng đều có một điểm chung đó là ngày hội của toàn dân!

Không khí vui hơn cả ngày hội

Sau khi giành được chính quyền năm 1945, làng quê nào trên đất Hà Nam cũng nghèo nàn xơ xác. Khi còn minh mẫn, cụ ông Nguyễn Văn Nhâm ở thôn 3 Mai Xá, xã Đồng Lý (nay là thị trấn Vĩnh Trụ), huyện Lý Nhân kể rằng, Mai Xá hồi đó gọi là xã, vừa thưa thớt dân cư nhưng là cái nôi của phong trào cách mạng, phong trào yêu nước.

Cuối năm 1945, chính quyền xã Mai Xá được kiện toàn gồm những người có học hành, năng lực và uy tín giữ các chức vụ chủ chốt. Ông vừa tròn 20 tuổi, được giữ chức Bí thư Đoàn thanh niên xã. Ngày 8/9/1945, chỉ mấy ngày sau khi nước nhà giành chính quyền, tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử. Ông Nhâm “cũng có chân trong tổ bầu cử” nên  khá “bận bịu” cho việc chuẩn bị, tuyên truyền bầu cử.

Bấy giờ, dân ta chẳng nhiều người biết chữ, những ai đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ, có năng lực lãnh đạo quần chúng và tinh thần cách mạng được cử làm cán bộ. Ông nói: “Thanh niên và thiếu niên, nhi đồng là lực lượng được chọn tham gia tuyên truyền hăng hái nhất. Trước ngày bầu cử Quốc hội nửa tháng trời, các cháu thiếu niên nhi đồng đi khắp làng đánh trống, rước đuốc, hát vang bài vè để cổ động bầu cử. Bà con phấn khởi lắm! Đến sát ngày, chiều nào các cháu cũng đi như vậy. Xóm làng cứ râm ran từng con ngõ... Vui chưa từng có!”

Không nhớ hết cả bài vè dài dằng dặc, nhưng cụ ông đọc được mấy câu thế này: “... Tuyên truyền lậy lạc/ Bác Lê Tư Lành/ Truyền giáo hộ dân/Ông Phạm Bá Trực/Văn chương đúng mực/ Ông Đào Thành Kim/ Chủ tịch Duy Tiên/ Ông Phạm Chí Tuyển...”. 

Bầu cử Quốc hội trong ký ức của người dân
Cụ Đỗ Quang Văn (bên trái) và cụ Trần Hữu Thảo mỗi lần nhắc đến chuyện bầu cử là ký ức lại ùa về.

Sáng sớm ngày 6/1/1946, nhân dân Mai Xá nói riêng, Hà Nam nói chung đều phấn khởi hân hoan đón mừng ngày hội lớn của dân tộc, ngày đầu tiên trong lịch sử, người Việt Nam có quyền dân chủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Bà con dậy từ rất sớm, tập trung đông đủ ở khu vực bỏ phiếu là đình Mai Xá, ai cũng muốn được bỏ phiếu trước.

Bác Hồ ra lời kêu gọi, được đăng trên báo, ai biết đọc thì đọc thuộc hay viết lại cho dân nghe “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Ông Nhâm nói: “Bà con ta đến chỗ bỏ phiếu, chủ yếu Ban thư ký ghi hộ. Cán bộ hỏi: Ở ta được bầu 3 đại biểu Quốc hội, trong này có 4 người ứng cử là các ông Lê Tư Lành, Linh mục xứ Thượng Vĩ Phạm Bá Trực, ông Đào Thành Kim, ông Phạm Chí Tuyển. Các cụ, các ông, các bà, các chị bỏ phiếu cho ai thì nói! Dân vui lắm, bảo với cán bộ bầu cử là tôi bầu cho ông này, ông này... thì mình ghi hộ cho họ. Tất nhiên là phải ra bàn riêng, viết xong phải tuyên thệ viết đúng, giữ bí mật trước mặt cử tri theo đúng quy định trong Sắc lệnh. Tổ bầu cử bấy giờ có Tổ trưởng phụ trách, một người phát phiếu và ghi hộ, một người theo dõi danh sách cử tri. Chỉ 8h, hơn 8h sáng thôi, ở đây đã bỏ phiếu xong. Nhân dân mừng vui khôn xiết, ai cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, vì đây là lần đầu tiên họ được hưởng dân chủ”. 

"Lúc ấy rõ là vui hơn cả ngày hội!". Cụ Đỗ Quang Văn và cụ Trần Hữu Thảo đều ở tuổi gần 100 ở xã Bồ Đề, huyện Bình Lục nói như vậy khi nhắc lại "chuyện bầu cử ngày xưa". Hai cụ sau Cách mạng Tháng Tám đều được phân công làm lãnh đạo địa phương. Vì thế, việc tổ chức để cho nhân dân tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên lúc đó "vô cùng hệ trọng". Cụ Đỗ Quang Văn nói: Đêm đêm không ngủ đâu, bàn nhau để làm việc nọ việc kia. Tôi nhớ, nhân dân Hà Nam khắp mọi nơi vui như Tết, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử,  mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên được quyền chọn những người có tài, có đức, có uy tín với Đảng và Nhân dân để bầu vào Quốc hội. Tỉnh bấy giờ có 45 người ứng cử và đề cử ở các đơn vị bầu cử khác nhau, cử tri đã chọn 7 người làm đại biểu Quốc hội là các cụ: Lê Tư Lành, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Trọng Đạt, Phạm Ngọc Điển, Dương Thế Châu, Đào Thành Kim và Linh mục Phạm Bá Trực". 

Đây cũng là lần bỏ phiếu đặc biệt trong đời...

Những người tôi gặp hôm nay đều đã đi qua một hành trình dài của lịch sử phát triển đất nước, quê hương; đều đã góp một phần trí lực của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng hòa bình; đều đã 14 lần đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Cụ Đỗ Quang Văn mang trong mình một niềm tự hào không gì đánh đổi, đó là niềm tự hào về vùng quê cách mạng Bồ Đề, là con cháu Bác Hồ! Cụ Trần Hữu Thảo giờ sức khỏe yếu hơn, những chuyện của hiện tại có thể lúc nhớ, lúc quên, nhưng chuyện ngày xưa không thể nào quên được. Cụ rành rọt nói với tôi: Cán bộ và nhân dân Hà Nam tự hào lắm! Chỉ sau ngày tổng tuyển cử có 5 ngày thôi, ngày 11/1/1946, Bác Hồ đã về thăm Hà Nam. Bác dặn cán bộ, đồng bào, chiến sỹ phải đoàn kết chống giặc ngoại xâm, trừ nạn đói và bảo vệ thành quả của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám vĩ đại. Chúng tôi tiếc là không được gặp Bác nhưng sau đó lúc nào cũng nói với bà con, với nhân dân phải hăng say lao động, phải chiến đấu dũng cảm để không phụ lòng Bác kính yêu. 

Cụ Đỗ Quang Văn nói: “Mỗi lần bầu cử đều có những đổi mới, tiến bộ hơn. Chúng tôi may mắn được bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội lần thứ 14, lần này nữa là 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiều khóa. Thực sự vui, vì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức trong bối cảnh mới, Đảng ta vừa tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, vì thế mà gắn liền với công tác cán bộ. Càng ngày tính dân chủ trong bầu cử càng được mở rộng hơn". Theo dõi hành trình các lần bầu cử Quốc hội, cụ Văn khẳng định những điểm mới của lần bầu cử này càng thể hiện rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc đáp ứng kỳ vọng của cử tri trước mục tiêu hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phồn vinh và thịnh vượng. 

Cụ Văn nói: "Tôi thấy rằng công tác bầu cử của ta lần này được tiến hành từ rất sớm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, không biết đến bao giờ mới dập tắt được nên có thể sẽ ảnh hưởng đến bầu cử. Nhưng chúng ta đã rất chủ động trước mọi tình hình, nên Hà Nam hôm nay mới có khẩu hiệu thực hiện đồng thời các nhiệm vụ quan trọng vừa phát triển kinh tế, vừa quyết liệt chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức bầu cử thành công. Nghe đài, đọc báo hằng ngày thấy, Hà Nam có những phương án cho bầu cử rồi nên cũng vui hơn. Rồi tình hình dịch bệnh dù đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước trước ngày bầu cử, nhưng với Hà Nam vẫn được kiểm soát tốt. Tôi chỉ cầu mong lần bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này (có thể là cuối cùng của lớp người chúng tôi) được diễn ra an toàn, suôn sẻ trong cả nước. Và chắc chắn, đây cũng là lần bỏ phiếu đặc biệt trong đời".

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy