Bảo tồn và phát huy giá trị di tích về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - người con ưu tú của quê hương Hà Nam, sinh ngày 5/3/1901 tại thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (nay là Tổ dân phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên). Gần 80 năm đã trôi qua kể từ khi đồng chí hy sinh, nhưng những dấu ấn sâu đậm về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí còn được lưu lại qua các di tích tại quê hương, trước hết là ở Lũng Xuyên, thị xã Duy Tiên.

Các di tích ở thôn Lũng Xuyên và thị xã Duy Tiên

Thôn Lũng Xuyên trước đây là xã Lũng Xuyên, tổng Yên Khê, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập xã Yên Bắc, xã Lũng Xuyên trở thành đơn vị thôn thuộc xã Yên Bắc. Từ đầu năm 2020, thôn Lũng Xuyên là Tổ dân phố trực thuộc phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Lũng Xuyên - làng quê giàu truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, đặc biệt khi Đảng ta ra đời, nơi đây đã trở thành cơ sở cách mạng vững mạnh của huyện Duy Tiên và tỉnh Hà Nam. Trong thời kỳ 1930 - 1931, Tỉnh ủy Hà Nam tin tưởng đặt trụ sở cơ quan lãnh đạo của tỉnh tại thôn Lũng Xuyên. Nơi đây cũng là cơ sở an toàn để cán bộ của Xứ ủy, Tỉnh ủy qua lại thường xuyên, như: đồng chí Lê Công Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; các đồng chí Nguyễn Duy Huân, Phạm Văn Tô, Tỉnh ủy viên; cán bộ của Xứ ủy như đồng chí Trần Quang Tặng, Ngô Đình Mẫn, Mai Đức Bần. Có lần đồng chí Khuất Duy Tiến cùng đội tuyên truyền đã về thôn Lũng Xuyên ở hàng tháng.

Tại quê hương Lũng Xuyên, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã vận động, giác ngộ thanh niên có tư tưởng tiến bộ, nhen lên ngọn lửa cách mạng đầu tiên. Tháng 3/1926, nhà yêu nước Phan Chu Trinh từ trần ở Sài Gòn, Nguyễn Hữu Tiến đã vận động Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Văn Phác, Bùi Xuân Lan và một số thanh niên ở thôn Lũng Xuyên xuống Nam Định dự lễ truy điệu tại nghĩa trang Bắc Tế (Mỹ Trọng, Mỹ Xá, ngoại thành TP Nam Định).

Từ sau sự kiện này, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến có bước chuyển biến quan trọng, được lưu lại sâu đậm qua các di tích ở Lũng Xuyên.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến
Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên. Ảnh: T.S

Đình Lũng Xuyên

Ngôi đình được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, thờ hai vị thần Sùng Công, Hiển Công là hai vị tướng có công lớn thời Hùng Vương thứ 18, đồng thời là ông tổ lập làng Lũng Xuyên.
Đình Lũng Xuyên tọa lạc trên khu đất cao ở đầu làng, sát trục đường giao thông, mặt tiền quay hướng Nam, phía trước là cánh đồng. Đình thiết kế theo kiểu chữ Đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian, mái lợp ngói nam. Năm 1988, Nhà nước đã xếp hạng ngôi đình là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngôi đình đã ghi dấu mốc quan trọng về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Giữa năm 1927 tại hậu cung đình, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng đồng chí Trần Tử Yến (giáo Việt) và đồng chí Vũ Hưng (người làng Thận Tu, Yên Nam, Duy Tiên) thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến làm Bí thư. Đây là chi hội đầu tiên ở tỉnh Hà Nam, đánh dấu bước chuyển mới của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Đến cuối năm 1927, Chi hội Lũng Xuyên đã phát triển, kết nạp thêm một số hội viên ở Thận Tu, Quan Nha, Hòa Mạc, Văn Bút cùng huyện Duy Tiên.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Chi bộ đảng Lũng Xuyên đã tổ chức treo cờ búa liềm trên ngọn cây gạo trước đình Lũng Xuyên.

Không chỉ gắn bó trực tiếp với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, hậu cung đình còn là nơi cất giấu tài liệu của Đảng. Đặc biệt, trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền, tại đình Lũng Xuyên tiếp tục diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Hà Nam và huyện Duy Tiên.

Nhà đồng chí Nguyễn Hữu Trạc, thôn Lũng Xuyên

Tại đây, tháng 9/1930, thi hành chỉ thị của Xứ ủy, đồng chí Lê Công Thanh đã xúc tiến tổ chức Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Hội nghị đã cử ra Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam gồm 3 đồng chí: Lê Công Thanh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Duy Huân, do đồng chí Lê Công Thanh làm Bí thư. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao, đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Hà Nam, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng trong toàn tỉnh.

Nhà ông Chưởng, thôn Lũng Xuyên

Ngày 22/1/1931, đồng chí Lê Công Thanh đã triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam tại nhà ông Chưởng, thôn Lũng Xuyên, có đại biểu của Xứ ủy và 13 đại biểu các huyện, thị xã trong tỉnh tham dự. Tại hội nghị, các đại biểu đã được học tập Luận cương Chính trị, nghiên cứu Điều lệ, nghe thông báo về việc đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, kiểm điểm tình hình, nhất là từ khi thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng thời đề ra những chủ trương mới. Hội nghị đã bầu ra Ban Tỉnh ủy chính thức gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lê Công Thanh làm Bí thư, phân công nhiệm vụ cho các ủy viên. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện.
Hội nghị họp trong lúc phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt. Ban ngày hội nghị họp trong buồng, ban đêm ra ngoài. Chi bộ Lũng Xuyên và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cử bà Sửu phục vụ cơm nước cho đại biểu. Tiên chỉ Thơ biết có hội nghị đã gặp đồng chí Tiến tỏ ý đe dọa, nhưng với thái độ bình tĩnh vừa thuyết phục, vừa trấn áp của đồng chí nên tiên chỉ Thơ không dám manh động báo tin cho quan trên.

Nhà đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, thôn Lũng Xuyên

Ngôi nhà của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là một trong những địa chỉ đỏ của lịch sử cách mạng Hà Nam.

Sau khi thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã cùng chi hội thực hiện đưa người của tổ chức cách mạng vào giữ các chức vụ quan trọng trong Hội đồng hương lý xã Lũng Xuyên, trong đó có Nguyễn Văn Phác làm lý trưởng. Triện đồng của Lý trưởng Phác thường xuyên để ở ngăn kéo bàn trong nhà đồng chí Nguyễn Hữu Tiến để cấp giấy cho cán bộ đi về hoạt động.

Đặc biệt, nhà đồng chí là cơ sở in thạch và phát hành hai tờ báo thời kỳ đầu của Đảng bộ tỉnh Hà Nam, đều do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trực tiếp phụ trách, vừa là chủ bút, trình bày báo, trực tiếp viết bài và in báo cùng với một số đồng chí khác.

Hội nghị tháng 9/1930 của Đảng bộ Hà Nam đã quyết định ra mắt tờ báo lấy tên là “Dân cày” để tuyên truyền vận động quần chúng. Báo ra mỗi tháng một số, khổ 16 x 24 cm, mỗi số 4 trang, viết tay bằng mực tím để in thạch, mỗi số in từ 50 đến 100 bản. Các đồng chí trong Ban Tỉnh ủy lâm thời đều tham gia viết bài. Ngoài ra báo còn trích đăng các tài liệu của Trung ương Đảng, của Quốc tế Cộng sản. Tuy chỉ ra được 5 số, nhưng Báo “Dân cày” có vị trí rất quan trọng, là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ, mở đầu cho nền báo chí cách mạng Hà Nam. 

Tiếp nối Báo “Dân cày” là tờ Báo “Đỏ” được quyết định ra đời trong hội nghị ngày 22/1/1931. Sở dĩ phải đổi tên vì Báo “Dân cày” chưa bao gồm được hết các đối tượng mà Đảng bộ cần tuyên truyền, vận động. Ngoài in báo, cơ sở in thạch này tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Tiến còn in lại nội dung Báo “Búa liềm” của Trung ương Đảng, cuốn “Bước đầu của chủ nghĩa cộng sản”. Báo ra mỗi tháng một kỳ, khi có nhiệm vụ chính trị đột xuất thì ra số đặc biệt, số lượng tăng từ 100 đến 200 bản. Nội dung báo phong phú: Tuyên truyền đường lối của Đảng, kế hoạch công tác của Tỉnh ủy, thông báo tin tức. Báo còn in cả xã luận, truyện ngắn và thơ. Hoạt động được một thời gian để giữ bí mật, Báo “Đỏ” chuyển cơ sở in thạch về thị xã Phủ Lý do đồng chí Đán phụ trách, rồi lại chuyển về Quyển Sơn (Kim Bảng).

Miếu Đệ Tứ, thôn Tường Thụy, xã Trác Văn

Tháng 11/1929, được sự chỉ đạo của đồng chí Lê Công Thanh, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Kỳ ở trường học của huyện Duy Tiên (Hà Nam) đã được thành lập ở Miếu Đệ Tứ. Chi bộ do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến làm Bí thư, gồm 6 đảng viên (Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Doãn Chấp, Phạm Văn Tô, Phạm Văn Đoàn, Vũ Văn Uyển, Nguyễn Văn Trạc). Đây là chi bộ đầu tiên của huyện Duy Tiên, thứ ba của tỉnh Hà Nam, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển Đảng trong tỉnh, trong huyện.

Đền Lảnh, thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam

Đền Lảnh, tên thường gọi của đền Lảnh Giang nằm bên bờ hữu ngạn sông Hồng. Đền thờ ba vị tướng thời Hùng Vương, phối thờ Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử. Năm 1996 ngôi đền đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, loại hình kiến trúc - nghệ thuật.

Tháng 9/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã trực tiếp chỉ đạo một cuộc mít tinh, tuần hành lớn. Tranh thủ ngày hội đền Lảnh thu hút rất đông người, hơn 200 đảng viên, hội viên Nông hội đỏ và quần chúng cách mạng tập trung ở Ba Hàng, tiến ra dốc chợ Lệnh, theo đê Đại Hà kéo về đền Lảnh. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp và phong kiến, chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức bóc lột…” cùng với rải truyền đơn. Đoàn biểu tình đến cổng đền giữa lúc người tứ phương tấp nập về dự hội, một tràng pháo nổ rền, cờ búa liềm và băng khẩu hiệu trương ra. Mọi người trong đám hội xôn xao, nhưng nhanh chóng trật tự.

Trên một mô đất cao cạnh đền, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã nói cho nhân dân hiểu rõ nỗi khổ cực là do áp bức bóc lột của bọn đế quốc, phong kiến và tay sai. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời, muốn giải phóng, muốn có ấm no, hạnh phúc, mọi người phải đoàn kết xung quanh Đảng, đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, tiến tới đánh đổ đế quốc, phong kiến, để Việt Nam được độc lập, tự do, mang lại ruộng đất cho người cày. Đến 10 giờ trưa cuộc mít tinh giải tán, đoàn người tỏa đi nhiều ngả đường một cách nhanh chóng.

Được tin báo của bọn tay sai, Tri huyện Nguyễn Hữu Thái đem một toán lính lệ đến đàn áp, nhưng chúng không phát hiện được ai là cộng sản, phải im lặng kéo về huyện lỵ. Đông đảo nhân dân thì phấn khởi ca ngợi tinh thần dũng cảm và sự tổ chức tài tình của Đảng. Cuộc mít tinh ở đền Lảnh mở đầu cho cao trào cách mạng trong huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là cuộc tập dượt cho cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành quy mô lớn tổ chức ngày 20/10/1930 tại xã Bồ Đề (Bình Lục) do Tỉnh ủy Hà Nam lãnh đạo.

Các hình thức vinh danh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến Ở Hà Nam

Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên (nay là thị xã Duy Tiên) đã có nhiều hoạt động để vinh danh, tưởng nhớ công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.
Ngày 14/12/1993, được sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Duy Tiên đã xây dựng ngôi nhà tưởng niệm Nguyễn Hữu Tiến trên nền nhà cũ của bố mẹ ông, gồm 4 gian khang trang, mái chảy, hiên bê tông. Tại ngôi nhà này còn lưu giữ nhiều kỷ vật của đồng chí, những tư liệu, sách báo viết về Nguyễn Hữu Tiến. Bức tranh sơn dầu của nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Quốc ca về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đang phác thảo lá cờ đỏ sao vàng được treo ở vị trí trang trọng trong nhà. Ngày 25/8/2019, Huyện ủy, UBND huyện cùng với gia đình, dòng họ long trọng khánh thành bức tượng bán thân liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến đặt tại Nhà tưởng niệm.

Cuối năm 2012, sau hơn 70 năm hy sinh anh dũng, di hài Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến cùng chiếc cùm sắt xiềng chân được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Yên Bắc (nay là phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên).

Tại huyện Duy Tiên có hai ngôi trường được vinh dự mang tên Nguyễn Hữu Tiến. Đó là Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Tiến, xã Yên Bắc (nay là phường Yên Bắc), hiện có quy mô tốt nhất trong những trường tiểu học của thị xã Duy Tiên. Tại sân trường đặt trang trọng tượng đài bán thân Nguyễn Hữu Tiến. Trường đã được UBND tỉnh Hà Nam ra Quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, từ niên khóa 2018 - 2019. Tại phường Hòa Mạc (thị trấn huyện lỵ cũ), Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hữu Tiến, tiền thân là trường năng khiếu của huyện Duy Tiên, thành lập năm 1992. Năm 1997, nhà trường vinh dự được mang tên Nguyễn Hữu Tiến. Đây là trường trọng điểm chất lượng cao, là nơi đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi bậc trung học cơ sở của huyện Duy Tiên trước đây, thị xã Duy Tiên hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến còn được vinh danh tại quê hương bằng những tên đường, tên phố. Đó là Đường Nguyễn Hữu Tiến, ở thị xã Duy Tiên, điểm khởi đầu từ phường Đồng Văn, qua phường Yên Bắc điểm cuối ở phường Hòa Mạc (trùng với một đoạn của quốc lộ 38). Con phố mang tên Nguyễn Hữu Tiến thuộc Phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý.

Ở các địa phương khác

Cùng với Hà Nam, ở một số tỉnh, thành phố cũng có trường học, con đường mang tên Nguyễn Hữu Tiến. Thành phố Hồ Chí Minh có Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Tiến ở huyện Hóc Môn; Đường Nguyễn Hữu Tiến phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Tỉnh Kiên Giang có Đường Nguyễn Hữu Tiến ở thành phố Hà Tiên. Thành phố Đà Nẵng có Đường Nguyễn Hữu Tiến ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến

Cuộc đời hoạt động cách mạng tuy không dài, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã lưu dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Hà Nam và cả nước. Có thể khẳng định, đồng chí là người cộng sản kiên cường, bậc tiền bối cách mạng tiêu biểu. Đối với Hà Nam, đồng chí là hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đảng viên Đảng Cộng sản, một trong những lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy Hà Nam thuộc thế hệ đầu tiên. Đồng chí còn là đảng viên lớp đầu tiên của Đảng bộ huyện Duy Tiên, Tổng Biên tập đầu tiên tờ báo Đảng của Đảng bộ Hà Nam. Với những công lao to lớn đồng chí đã và mãi là niềm tự hào của quê hương, dòng họ nói riêng, Đảng bộ và nhân dân phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nói chung.

Trong những năm qua, ngôi đình Lũng Xuyên lịch sử và Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã đón nhiều đoàn khách của Trung ương, của tỉnh và các địa phương trong thị xã Duy Tiên, một số tỉnh, thành phố. Các lớp học ngoại khóa, lớp đối tượng Đảng của huyện Duy Tiên (nay là thị xã) đã đến tham quan nghe giới thiệu về lịch sử cách mạng, về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tại Nhà tưởng niệm. Đình Lũng Xuyên còn là nơi lấy lửa truyền thống của Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Hà Nam.

Những hoạt động trên mới là bước đầu, để xứng tầm với công lao của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, toàn diện để bảo tồn, phát huy thật tốt giá trị các di tích về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Thời gian tới tập trung vào các việc:

- Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các di tích về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương.

- Xếp hạng Miếu Đệ Tứ, địa điểm nhà đồng chí Nguyễn Hữu Trạc, nhà ông Chưởng trước đây là di tích lịch sử cấp tỉnh.

- Đặt bia (hoặc biển) giới thiệu sự kiện có liên quan đến đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tại đình Lũng Xuyên và đền Lảnh.

- Tổ chức trưng bày hoàn thiện tại Nhà tưởng niệm (có thể đổi tên thành Nhà Lưu niệm) đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, gồm 3 chủ đề: 1. Quê hương, gia đình, dòng họ; 2. Hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến; 3. Tri ân đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Đồng thời, phát động đợt sưu tầm hiện vật, tư liệu về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ở trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, ở Bảo tàng tỉnh Hà Nam cũng cần xây dựng phần trưng bày về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.

- Tổ chức tuyến du lịch tham quan các di tích về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến liên kết với các di tích lịch sử cách mạng khác của tỉnh Hà Nam.

Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích về đồng chí Nguyễn Hữu Tiến góp phần không nhỏ trong việc vinh danh, tri ân người con ưu tú của quê hương Hà Nam, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa.

Mai Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy