Bia "Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh" ở chùa Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên) đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia. Tấm bia có giá trị cao về nhiều mặt, đứng đầu các bia thời Lý hiện còn về kích thước, hoa văn, số lượng chữ của bài văn bia...
Bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn (Duy Tiên). Ảnh: Điện Biên
Việc nghiên cứu kỹ lưỡng tấm bia này từ góc độ chuyên ngành cũng như trên phương diện tổng thể cần được tiếp tục. Trong bài viết này, chúng tôi chọn văn bia (ở mặt trước là chính) để tìm hiểu vấn đề phong thủy trong việc xây dựng Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh dưới triều vua Lý Nhân Tông.
Qua ghi chép của văn bia, cho thấy núi có tên là "Long lĩnh", tức ngọn núi Rồng. Nhà vua cho đoàn thuyền dừng ở bến, bảo với quần thần muốn xây dựng một công trình Phật giáo ở núi này: "Nhi kinh doanh Phạn phúc", Các quan tâu với vua về sự mầu nhiệm của núi, tỏ bày đồng tình với nhà vua, rồi xin nhà vua đặt tên núi này là "Long Đội". Nhà vua chuẩn y.
Với tên gọi mới, sự thiêng hóa của núi đã được thăng trội, từ một Rồng lên đội Rồng. Hiện quanh núi Đọi có 9 giếng, dân gian gọi là 9 hàm rồng. Trong lý thuyết con số âm dương cổ, số 9 là cực dương, thiêng/thịnh, nên mới có: cửu trùng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao... trong lối nói dân gian.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, không biết từ bao giờ núi Long Đội thời Lý đã thay đổi danh xưng thành "núi Đọi" thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) như hiện nay.
Núi đã được đặt tên, Nhà vua: "Bèn hạ lệnh cho viên quan coi việc thiên văn xác định phương hướng: Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng phô tấm lụa biếc; lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan thêm sáng mảnh the xanh. Bên hữu khống chế bình nguyên, trông vời lũy cũ Càn Hưng; bên tả men theo lạch nhỏ, hội cùng sông Mạc để ra khơi".
Những dòng ghi chép trên của văn bia, cho thấy quan niệm của vua Lý Nhân Tông trong việc xác định phương vị để xây dựng công trình Phật giáo. Thư tịch cũ đã ghi nhận nhiều tháp Phật thời Lý được xây dựng trên sườn hoặc đỉnh núi, đồi, mặt quay về hướng Tây, tức là hướng của nước Phật. Ở đây, tháp quay mặt ra sông Kinh cũng chính là quay ra hướng Tây và được xây dựng trên đỉnh núi.
Mặt, lưng, tả, hữu của tháp, tuy nhà vua không nói rõ có theo thuyết phong thủy hay không, nhưng quan sát hình thế, khi đứng trên đỉnh núi, rõ ràng phương vị cây tháp có đủ Tiền Án - Hậu Chẩm - Tả Thanh Long - Hữu Bạch Hổ.
Trước hết nói về Tiền Án, khúc sông ở trước mặt tháp có tên sông Kinh - cận Tiền Án của tháp cũng tức là "Minh đường". Xa hơn còn một Tiền Án nữa - Viễn Tiền Án, đó chính là dãy núi đá vôi ngang qua đất huyện Kim Bảng, về tên gọi sông Kinh, cũng cần làm sáng tỏ. Hiện nay, trước mặt chùa Đọi chỉ có sông Châu chảy qua xã Châu Sơn, Tiên Phong (Duy Tiên) ở bờ tả và xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý) ở bờ hữu. Sông Châu là chi lưu của sông Hồng hợp lưu với sông Đáy. Chúng tôi cho rằng sông Châu hiện nay chính là con sông Kinh thời Lý mà tên gọi còn được lưu lại gián tiếp bởi một tên làng, đó là làng Tái Kênh nằm ngay cạnh bờ sông Châu thuộc xã Đinh Xá. Kênh là tên nôm của Kinh (chữ Hán). Tên sông Châu xuất hiện sau thời Lý, nhưng vào khi nào thì chưa khảo chứng được.
Hậu Chẩm (lưng) của tháp là núi Điệp cách không xa núi Đọi, thuộc xã Yên Nam (Duy Tiên). Theo truyền thuyết địa phương, núi còn có tên là Kim Ngưu (trâu vàng). Vua Lê Thánh Tông đã từng thăm núi và có thơ đề vịnh, bài thơ mang tên "Kinh Điệp Sơn".
Bên phải (hữu) núi Đọi, sát chân núi là những khoảnh đất cao và đường đi, có một số gò đất gợi liên tưởng đến tượng "Bạch Hổ" của cây tháp khi vua Lý Nhân Tông cho xây dựng. Đáng lưu ý, trong văn bia còn nhắc đến lũy cũ Càn Hưng. Các nhà nghiên cứu và tác giả dịch văn bia đều chưa rõ lũy này ở đâu. Cá biệt có người cho rằng lũy Càn Hưng ở huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình), rất không chính xác vì huyện này ở bên trái núi Đọi và cách rất xa. Muốn tìm địa điểm lũy Càn Hưng cần xác định mấy căn cứ: Phải đứng trên núi Đọi nhìn về phía Tây, chếch sang phải và hình dung lũy ở cách núi Đọi khá xa. Thứ hai, bản thân tên gọi "lũy" gợi liên tưởng đến một công trình xây dựng liên quan đến lỵ sở hành chính hoặc phòng vệ quân sự. Khảo cứu thư tịch và xác định trên bản đồ khả năng lũy Càn Hưng là công trình của một lỵ sở hành chính đã được loại bỏ. Vậy thì lũy Càn Hưng chỉ có thể là một thành lũy có liên quan đến chiến tranh. Lại khảo cứu thư tịch cũ, trước thời Lý Nhân Tông, trên địa bàn hai tỉnh Hà Nam, Hà Đông (cũ) không diễn ra cuộc chiến chống xâm lược nào cả. Nhưng vào thời hậu Ngô Quyền đã xảy ra loạn 12 sứ quân dẫn đến nội chiến. Do đó chỉ còn khả năng lũy Càn Hưng có liên quan đến cuộc nội chiến giữa 12 sứ quân và với cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước vào năm 968. Lũy Càn Hưng theo chữ Hán mang ý nghĩa tốt đẹp (sự hưng thịnh của trời - cũng liên quan đến đế/quân vương) không thể là thành lũy của sứ quân được. Vậy thì chỉ có liên quan đến sứ mệnh của Đinh Bộ Lĩnh về sau là Đinh Tiên Hoàng. Trong số 12 sứ quân mà sử cũ ghi chép, chúng tôi thấy chỉ có địa bàn cát cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là ở gần huyện Kim Bảng (Hà Nam). Huyện này ở về phía Tây núi Đọi nói riêng và huyện Duy Tiên nói chung.
Thần tích đình thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) cho biết: Đinh Bộ Lĩnh đi đánh sứ quân Đỗ Cảnh Thạc đã cho quân dừng lại ở Ấp Lạc (nay là thôn Lạc Nhuế). Ông đi xem xét địa hình, thấy thế đất rồng chầu, hổ phục, bèn sai binh lính cùng dân sở tại và lân cận xây dựng đồn lũy trên khu vực đất cao ở phía Tây của ấp. Đồn lũy có quy mô lớn nên đã huy động hàng vạn trai tráng xây dựng, rồi khi hoàn thành họ trở thành binh lính của Đinh Bộ Lĩnh. Riêng Ấp Lạc có hơn 60 người theo ông làm gia thần thủ túc. Vào dịp khác chúng tôi sẽ đi sâu vào vị thế và ảnh hưởng của đồn lũy này. Tên gọi Càn Hưng, theo chúng tôi có thể do Đinh Bộ Lĩnh hoặc một vị tướng nào đó của Đinh Bộ Lĩnh tham mưu, mà như chúng ta biết có 3 vị tướng tâm phúc của ông là: Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc.
Vậy là "lũy cũ Càn Hưng" là đồn lũy của Đinh Bộ Lĩnh, xây dựng trên đất thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, Kim Bảng (Hà Nam) phương vị khá phù hợp với mô tả của văn bia.
Cuối cùng là "Tả Thanh Long" - phương vị phong thủy của cây tháp. Trong văn bia có nói đến con lạch nhỏ và sông Mạc. Lạch, có lẽ là một nhánh của con sông, chảy ven núi Đọi, đã bị bồi lấp. Còn con sông mẹ của lạch này, trước đây các tác giả của cuốn Thơ văn Lý Trần, tập I (NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1971) đã dịch là Hán thủy và chú thích là tên một con sông ở Trung Quốc, tác giả bài văn bia mượn để chỉ sông Nhị Hà (tức sông Hồng). Giải thích này không đúng với văn bia và trên thực địa. Văn bia hai lần nói đến sông Lô, cho thấy vào thời ấy tên gọi sông Hồng chưa xuất hiện. Sông Lô thời Lý, tức sông Hồng thời sau cách rất xa núi Đọi. Chúng tôi đã trực tiếp khảo sát bài văn bia khắc ở mặt trước bia Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh hiện còn ở chùa Đọi, thấy rằng phải đọc là Mạc thủy chứ không phải Hán thủy. Mạc thủy, dịch là sông Mạc, chính là sông mẹ của một chi lưu (lạch nhỏ) chảy men núi Đọi. Sông Mạc, thời Trần gọi là sông Thiên Mạc, nơi diễn ra trận đánh của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, vào tháng 2 năm 1285, chặn bước tiến của quân Mông Cổ truy đuổi triều đình, hoàng tộc, binh lính nhà Trần rút lui về căn cứ Thiên Trường.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn quan niệm Phật giáo với thuyết phong thủy trong việc xây dựng Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh dưới triều vua Lý Nhân Tông đã góp cho Bảo tháp giá trị độc đáo và đặc sắc, được triều đình nhà Lý xếp hạng là một trong những "Đại danh lam" của nước Đại Việt, đồng thời là hành cung của vua.
Ngọc Hoa