kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
“Thủ lĩnh” đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam

“Thủ lĩnh” đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam

Đó là đồng chí Nguyễn Lam (1922-1990), người con ưu tú của quê hương Hà Nam, Bí thư đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), rồi Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

“Thủ lĩnh” đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư thứ nhất đầu tiên BCH Trung ương Đoàn. Ảnh: tienphong.vn

Đồng chí Nguyễn Lam (tên thật là Lê Hữu Vỵ), sinh ngày 31/12/1922, tại Đại Cầu, Tiên Tân, Duy Tiên (nay thuộc thành phố Phủ Lý). Xuất thân trong một gia đình nho giáo, thuở nhỏ học trường làng, xong tiểu học, thi vào trường Thành Chung Nam Định, do tham gia đám tang một thầy giáo yêu nước nên đồng chí bị đuổi học. Được những người cộng sản thế hệ đi trước (Phan Trọng Tuệ, Trần Tử Bình, Hà Thị Quế…) dìu dắt, giúp đỡ, năm 1937 (lúc đó mới tròn 16 tuổi) đồng chí Nguyễn Lam đã sớm thoát ly gia đình, tham gia hoạt động trong phong trào Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Với tính cách sôi nổi, cùng nhiệt huyết của một thanh niên trẻ tuổi giàu lòng yêu nước và chí hướng cách mạng, đồng chí có mặt trong hầu hết các cuộc tuần hành biểu dương lực lượng và diễu hành đình công ở Hà Nội.

Sau khi Chính phủ Mặt trận Bình dân (Pháp) đổ, chính quyền thực dân quay lại đàn áp các phong trào đòi dân chủ tại Đông Dương, đồng chí Nguyễn Lam phải rút vào bí mật, được phân công nhiệm vụ hoạt động gây cơ sở cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Năm 1940, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, kết án tù và bị giam ở Hỏa Lò, sau đó đày lên nhà tù Sơn La. Dấn thân vào thực tế của cuộc đấu tranh cách mạng, được thử thách trong những cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, đồng chí Nguyễn Lam ngày càng vững vàng, tự tin và trưởng thành nhanh chóng. Thời gian ở nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Lam được những chiến sĩ cộng sản tiền bối đang bị địch giam cầm tại đây bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ văn hóa, trình độ lý luận chính trị và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1943).

Đầu năm 1945, đồng chí Nguyễn Lam ra tù và được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công nhận nhiệm vụ “Công tác đội” ở An toàn khu (ATK), là nơi hoạt động của cơ quan đầu não Trung ương Đảng. Ở đó, mỗi ATK có một ban “Công tác đội” do một cán bộ đã từng trải qua thử thách, được Trung ương Đảng tin cẩn phân công làm trưởng ban. Nhiệm vụ của ban “Công tác đội” thực chất là xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa… Đồng chí Nguyễn Lam được phân công trực tiếp chỉ đạo, tổ chức xây dựng cơ sở, lực lượng tại Phúc Yên, Bắc Ninh. Cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí được phân công lãnh đạo, tổ chức nhân dân vùng lên cướp chính quyền ở Phúc Yên, Bắc Ninh.

Năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đồng chí Nguyễn Lam được phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, rồi Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Tháng 9/1947, Khu 14 (gồm các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, một phần Hòa Bình và Phú Thọ) được thành lập, đồng chí Nguyễn Lam được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Khu ủy Khu 14. Tháng 2/1948, Khu 14 hợp nhất với Khu 10 thành Liên khu 10, đồng chí Nguyễn Lam được Trung ương Đảng phân công nhận nhiệm vụ tại Ban Dân vận Trung ương. Thời điểm này, do điều kiện lịch sử nên nhiều tổ chức thanh niên do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập cùng hoạt động song song như: “Thanh niên dân chủ”, “Thanh niên tiền phong”, “Thanh niên giải phóng”… và đều do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức, lãnh đạo. 

Trước tình hình đó, ngày 28/9/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc củng cố Đoàn Thanh niên Cứu quốc, phát triển Đoàn Thanh niên Việt Nam để thống nhất Mặt trận Thanh niên”. Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tháng 6/1949, đồng chí Hoàng Quốc Việt (khi đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận – Mặt trận Trung ương) chủ trì tổ chức Hội nghị Thanh vận toàn quốc của Đảng tại Chiến khu Việt Bắc. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Trung ương. Đồng chí Nguyễn Lam được chỉ định làm Trưởng tiểu Ban Thanh vận Trung ương, đồng thời là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam - “Thủ lĩnh” đầu tiên của Đoàn Thanh niên Việt Nam.

Ngày 7/2/1950, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam được tổ chức tại Cao Vǎn,  Đại Từ, Thái Nguyên (với hơn 400 đại biểu thanh niên trong cả nước tham dự). Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Lam trình bày Báo cáo chính trị "Chiến đấu và xây dựng tương lai". Đại hội quyết định thống nhất các tổ chức thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa mới. Đồng chí Nguyễn Lam chính thức được bầu làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.

Từ tháng 9/1954, nhân dân ta bước vào giai đoạn mới của cách mạng trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền và tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cùng hướng tới mục tiêu hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Để đáp ứng kịp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, tháng 9/1955 Bộ Chính trị quyết định đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (tổ chức ngày 25/10/1956 tại Hà Nội), Đoàn đã chính thức đổi sang tên mới - Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

“Thủ lĩnh” đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam
Đại biểu Lê Quang Minh, con gái đồng chí Nguyễn Lam, tham luận tại Hội nghị tham vấn góp ý bản thảo ấn phẩm "Đồng chí Nguyễn Lam - Bí thư thứ nhất đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh" ngày 25/2/2021. Ảnh: NDĐT

Tháng 9/1960, đồng chí Nguyễn Lam được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (tổ chức ngày 23/3/1961 tại Hà Nội), đồng chí Nguyễn Lam tiếp tục tái cử chức vụ Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Đại hội cũng chính thức thông qua đề nghị của đồng chí Nguyễn Lam về việc lấy ngày 26/3/1931 làm ngày truyền thống của Đoàn.

Năm 1962, đồng chí Nguyễn Lam được Trung ương Đảng phân công tham gia Thành ủy Hà Nội và được bầu là Bí thư Thành ủy Hà Nội vào năm 1963. Năm 1968, đồng chí Nguyễn Lam được điều về làm Bí thư Đảng đoàn Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 12/1969, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tháng 6/1973, đồng chí được cử giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tháng 3/1974, một lần nữa đồng chí Nguyễn Lam được điều về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. 5 năm đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Lam đã cùng tập thể Thành ủy đẩy mạnh phong trào vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hàng loạt phong trào thi đua cũng như khẩu hiệu hành động cách mạng, như: “Tay búa, tay súng”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”… đã xuất hiện vào thời kỳ này, trở thành điểm sáng, động viên phong trào thi đua của thanh niên và các tầng lớp nhân dân, góp phần làm cho Hà Nội trở thành biểu tượng niềm tin, hy vọng của cả nước.

Năm 1976, đồng chí tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1977, đồng chí được phân công giữ chức Trưởng ban Công nghiệp Trung ương. Tháng 2/1980, đồng chí Nguyễn Lam được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tháng 3/1982, đồng chí tái cử Bí thư Trung ương Đảng khóa V, được phân công giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tháng 4/1982, đồng chí thôi nhiệm Phó Thủ tướng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để tập trung chuyên tâm vào công tác Đảng cho đến khi nghỉ hưu (năm 1986). 

Trong quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Lam được nhân dân tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội (khóa: II, IV, V, VI, VII); được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng (năm 2007) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên đồng chí Nguyễn Lam được trân trọng đặt cho một tuyến đường tại Thủ đô Hà Nội. Với tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên, đồng chí Nguyễn Lam được biết đến, được tôn vinh là “Thủ lĩnh” đầu tiên của Đoàn Thanh niên Việt Nam.

Thế Vĩnh (Tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy