Phải làm gì khi không uống rượu bia mà vẫn thổi lên nồng độ cồn?

Thổi lên nồng độ cồn vì uống siro hoặc ăn sữa chua nếp cẩm là trường hợp có thể xảy ra trên thực tế, nhưng ít gặp, và vẫn có cách để chứng minh với cơ quan chức năng.

Ngoài rượu bia, chúng ta có thể vô tình đưa cồn vào cơ thể thông qua một số loại đồ uống khác, như coca-cola hay nước hoa quả lên men. Ngoài ra, việc ăn các thực phẩm có lên men rượu như: sữa chua nếp cẩm, nước trái cây lên men; hoặc các món ăn có sử dụng rượu trong quá trình chế biến (tôm hấp bia, thịt sốt vang…); và các loại hoa quả có hàm lượng đường cao (mít, vải, sầu riêng,...) cũng có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021-NĐ-CP), người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn ở mức trên 0mg/lít khí thở sẽ bị phạt, tức là không có "vùng xanh" như nhiều nước trên thế giới, và mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô ở Việt Nam hiện nay rất cao.

Việc này khiến nhiều tài xế lo ngại nguy cơ bị "dính án" nồng độ cồn oan. Tuy nhiên, không như với rượu bia, hàm lượng cồn (ethanol) do các loại đồ uống và thực phẩm khác tạo nên trong cơ thể rất thấp và dễ bay hơi, nên sẽ biến mất hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn (15-30 phút).

Phải làm gì khi không uống rượu bia mà vẫn thổi lên nồng độ cồn
Nếu thực sự không uống rượu bia trước khi cầm lái, bạn không cần quá lo lắng việc bị oan khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Nguyễn Hải

Nồng độ cồn trong máu/khí thở phụ thuộc vào cả các yếu tố, như cân nặng của người uống, tốc độ uống, thời gian uống và loại đồ uống. Về mặt khoa học, nồng độ cồn, dù ở mức nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thần kinh, gây thiếu tỉnh táo, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.

Theo tính toán, sau 6-12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu, sau 12-24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở, sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu, và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Với trường hợp nồng độ cồn trong khí thở rất thấp và bạn chắc chắn rằng bản thân không sử dụng rượu bia trong vòng 24 giờ thì có thể nghi ngờ máy đo không chính xác và yêu cầu được kiểm tra lại.

Việc kiểm tra lại nồng độ cồn nên được thực hiện sau khoảng 15-30 phút để đảm bảo hàm lượng ethanol trong khí thở do các loại thực phẩm và đồ uống ngoài bia rượu bay hơi hết. 

Nếu thấy bị oan thì tài xế cũng có thể yêu cầu được kiểm tra lại bằng phương pháp xét nghiệm máu.

Theo dantri.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  phạm hồng quân
    11 tháng trước

    nếu yêu cầu xét nghiệm máu mà CSGT không đồng ý thì phải làm gì bước tiếp theo ?

  •  Hòn đất
    11 tháng trước

    Chi phí xét nghiệm máu đó ai là người chịu

  •  Trần Ngọc Bá
    11 tháng trước

    Sai số của máy đo là 0 , tôi thấy không hợp lý. Vì vậy VN cũng phải như các nước đừng kiểu một mình một trợ như hiện nay hỏi thử chơi với ai?

  •  Trung N
    11 tháng trước

    Ăn ya-ua nếp cẩm có gây nguy cơ khi lái xe không? Có hoặc không, không nên dùng từ "Có Thể". .

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy