Bên cạnh những người yêu thích xe Honda Cub nguyên bản thì cũng có không ít các dân chơi mê dòng xe này muốn thể hiện cá tính của mình bằng cách làm mới, độ lại với các phong cách khác nhau.
Sau khoảng hơn 40 năm xuất hiện tại Việt Nam, Honda Cub vẫn được nhiều người đánh giá cao bởi sự bền bỉ cùng khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Những cái tên như Cub C100, Cub 50, Cub 78, 81, 82 đều quen thuộc với người Việt.
Theo thời gian, bên cạnh những chiếc xe Cub còn tương đối nguyên vẹn, nhiều người Việt đã tìm cách chơi dòng xe này theo một số phong cách chủ đạo dưới đây.
Độ về "zin"
Trên thị trường hiện nay, để kiếm được một chiếc xe Honda Cub đời từ những năm 80, 90 nhưng nguyên bản 100% khá khó khăn, và nếu có thì sẽ bị "hét" giá lên đến vài trăm triệu đồng.
Thay vì bỏ số tiền lớn như vậy, nhiều người chơi chọn cách đầu tư độ về "zin" những chiếc Cub cũ kỹ để thỏa mãn đam mê của mình. Vì vậy, giới chơi xe ngày nay vẫn truyền tai nhau câu nói vui "đỉnh cao của độ xe là về zin".
Đặc trưng của phong cách này là người chơi sẽ chọn cách giữ thiết kế nguyên bản của xe, phụ tùng được săn tìm theo đúng loại từ nhà máy sản xuất. Đa số xe Cub "dọn" kiểu này sẽ được sơn lại và làm mới một số chi tiết. Nhờ đó, có rất nhiều những chiếc xe Cub cổ vài chục năm tuổi được "hồi sinh" giống như mới xuất xưởng.
Ưu điểm của phong cách này là không quá khó để nghĩ phong cách độ xe nhưng bù lại chi phí tiền bạc và thời gian khá tốn kém, nhất là với những phụ tùng không còn sản xuất phải săn tìm.
Độ Honda Cub 81 về dáng Cub C100
Cub 81 “kim vàng giọt lệ” từng được xem là một trong những huyền thoại của Honda và rất được người Việt ưa chuộng. Còn với Cub C100 là mẫu xe khởi thủy cho một "trang sử hào hùng" của Super Cub nhưng không phổ biến ở Việt Nam.
Với phong cách này, cần có một chiếc Honda Cub 81 cũ, sau đó thợ độ sẽ rã xác xe, “độ” lại khung sườn theo phom thiết kế của C100...rồi đến sơn xe, gắn logo.
Tuy nhiên, để lên 1 chiếc như vậy rất kỳ công, các thợ độ phải nhập “full” phụ tùng zin từ dàn áo C100 đến ốc vít… từ Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan. Cộng việc này rất mất thời gian và tốn kém. Chi phí thường rơi vào khoảng 30-50 triệu đồng. Ngang ngửa giá mua mới một chiếc xe tay ga hiện nay.
Độ kiểng, thập cẩm
Đây là một trong những xu hướng được giới trẻ ưa chuộng hiện nay. Từ những chiếc xe Cub cũ, người chơi đầu từ khoản chi phí từ 10-20 triệu đồng mua phụ tùng, đồ chơi để lắp lên xe nhằm tăng tính thẩm mỹ.
Phong cách này thường được định nghĩa đẹp sở thích của từng người, vì thế không có một chuẩn mực nào cụ thể.
Chính vì khá tự do nên cách độ này làm cho chiếc xe có thể đẹp lên hoặc bị đánh giá là xấu đi, lòe loẹt cải lương. Thường xe độ thập cẩm khi bán lại hay bị rớt giá, không thể được như xe "zin".
Độ "bánh béo"
Độ bánh béo hay còn có tên Street Cub là trào lưu độ những chiếc Honda Cub nhỏ bé C50/C70 trở thành phong cách hiện đại, hầm hố như của phân khối lớn, nhưng không mất đi thiết kế tổng thể ban đầu.
Với mẫu độ này, người chơi sử dụng bộ lốp cỡ lớn, thay nan hoa bằng la-zăng đúc, khiến những chiếc xe máy Honda Super Cub trở nên "siêu to khổng lồ", trông mạnh mẽ hơn hẳn.
Tuy nhiên, một thực tế gặp phải là mâm khủng khó có thể lắp vừa vào thiết kế tổng thể của một chiếc Super Cub. Chính vì vậy cách độ này làm cho toàn bộ kết cấu của chiếc xe thay đổi theo, như thợ độ phải đôn càng, banh gắp nối tai phuộc, các chi tiết nhông đĩa đều được làm lại để tránh va chạm xích vào lốp,...
Nhược điểm của phong cách độ này là máy nguyên bản dễ bị xuống cấp do phải tải bánh lớn, nặng. Xe thay đổi hoàn toàn kết cấu nguyên bản nên dễ bị CSGT xử phạt nếu lưu thông trên đường.
Theo vietnamnet.vn