Nấu cháo từ Lý Nhân, đoàn từ thiện gần 20 người có quan hệ gia đình, thân thiết đã mang những nồi cháo qua quãng đường ngót 40km đến Bệnh viện Phong, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng phát cho bệnh nhân và gia đình họ.
Ông Trần Đình Hiệu, xóm 7, xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân đại diện nhóm từ thiện cho biết: Cách đây gần 4 tháng, ông cùng với các anh em trong gia đình bàn nhau thành lập nhóm từ thiện bắt đầu công việc nấu cháo, mua sữa mang đến các trung tâm bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng người tâm thần và những bệnh nhân phong. Kinh phí thu được từ khoản đóng góp tùy tâm của mỗi người. Ban đầu, nhóm chỉ khoảng hơn 10 người chủ yếu là anh em họ hàng trong gia đình nhưng đến nay đã lên tới gần 30 người, có thêm bạn bè.
Mỗi lần, nhóm từ thiện của ông Hiệu nấu gần 100 suất cháo mang đến Bệnh viện phong Ba Sao. Vợ ông Hiệu kể: Trước Tết, hai vợ chồng đến thăm dì ruột đang điều trị tại đây, có gặp một đoàn làm từ thiện đến chia quà cho các cụ làm các cụ rất vui, rất hạnh phúc. Hai chồng về nhà bàn nhau sẽ nấu cháo mang vào viện cho các cụ. Không quản ngại quãng đường xa hơn 40km, lần đầu hai vợ chồng nấu 3 nồi cháo to mang đến cho bệnh nhân phong ở Ba Sao mà lòng cảm thấy rưng rưng. Ông Hiệu đã khóc vì hạnh phúc, vì cảm thấy việc làm của mình mang lại niềm vui cho những người cả đời phải chịu nỗi đau thể xác và tinh thần.
Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, một bệnh nhân phong đã gắn bó với bệnh viện 50 năm qua nói: “Chúng tôi đi lại khó khăn, rất ít người tự làm những việc bình thường như giặt giũ, phơi phóng hay nấu nướng, mọi chuyện nhờ vào đội ngũ hộ lý ở đây hết. Thế nên, một bát cháo ngon anh Hiệu mang đến cũng làm chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Chỉ cần có người đến với chúng tôi đã mang đến niềm vui, hạnh phúc rồi!”
Sau gần 4 tháng thành lập, nhóm từ thiện của ông Trần Đình Hiệu đã nấu hàng chục nghìn suất cháo mang đến cho bệnh nhân phong ở Ba Sao, Kim Bảng, Bệnh viện Phong Thái Bình, những trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa, bệnh nhân tâm thần.
Ông Trần Đình Hiệu nói: “ Anh em tham gia nhóm đều có ý thức tự nguyện chứ không quy định ai đóng góp bao nhiêu, có thể mỗi lần 50.000 đồng/người, có thể nhiều hơn, nhưng mục đích chung là sẻ chia những khó khăn với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt như bệnh nhân phong. Mặc dù điều kiện kinh tế của chúng tôi không quá khá giả, người làm hàng ăn, người kinh doanh buôn bán nhỏ… chỉ cần có tấm lòng thương người như thể thương thân sẽ có thể tham gia các hoạt động của nhóm.”
Bệnh viện Phong ở thị trấn Ba Sao có từ năm 1968, nơi điều trị và gắn bó suốt đời của hàng trăm bệnh nhân. Trải qua thời gian, khu vực bệnh viện đã phát triển thành khu dân cư tập trung những gia đình bệnh nhân phong nên người ta quen gọi là “làng phong”. Hiện nay, Bệnh viện Phong Ba Sao còn 60 bệnh nhân, được điều trị di chứng bệnh phong. Hầu hết những bệnh nhân này đều gắn bó với bệnh viện từ 30 năm trở lên.
Chứng kiến cảnh sống khó khăn, thiếu thốn tình cảm gia đình của bệnh nhân phong, ông Trần Đình Hiệu nói: Chúng tôi sẽ duy trì việc làm này lâu dài, mỗi tuần một lần mang cháo đến cho các cụ. Chỉ mong muốn việc làm này làm cho bệnh nhân phong cảm thấy được an ủi, động viên sống vui, sống khỏe những năm tháng cuối đời.
Giang Nam
Chu Uyên