Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống vừa mới trải qua hơn 2 năm khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng từ đại dịch Covid -19. Thời điểm này, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, cộng với giá xăng dầu giảm mạnh, cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng đang trên đà phục hồi, phát triển. Các nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn đều xây dựng phương án kinh doanh mới để thu hút khách hàng và phù hợp với thực tế tiêu dùng của khách hàng.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.200 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, chiếm tỷ trọng khoảng 19% trong hoạt động thương mại, dịch vụ toàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2019 đạt gần 19%/năm. Thế nhưng trong 2 năm 2020 và 2021, nhóm dịch vụ này không có sự tăng trưởng so với năm 2019. Tại nhiều thời điểm, hoạt động kinh doanh của một số đơn vị gần như “đóng băng” do dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, điều chỉnh mức lương cơ bản của nhân viên để giảm lỗ.
Tuy nhiên, khoảng 4 tháng trở lại đây, nhóm dịch vụ này đã ghi nhận những tín hiệu vui khi hầu hết các nhà hàng, quán ăn, khách sạn đều hoạt động trở lại và đạt mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, từ ngày 11/7, khi giá xăng dầu giảm mạnh kéo theo giá vận chuyển, nguyên liệu, thực phẩm giảm đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống phấn khởi, kỳ vọng hơn vào sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cũng như nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú khác, khách sạn INCO 515.9, quốc lộ 1A (TP Phủ Lý) cũng đã trải qua hơn 2 năm khó khăn và phải cắt giảm 70% nhân viên, phục vụ bàn. Thời điểm này, lượng khách hàng thuê phòng nghỉ, đặt phòng ăn và đến uống cà phê tại khách sạn đã khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần. Dù mới chỉ đạt khoảng 70% so với lượng khách tại thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid – 19, nhưng việc duy trì được lượng khách hàng truyền thống sau tác động của đại dịch là điều đáng mừng đối với một đơn vị kinh doanh lưu trú có nhiều năm kinh nghiệm như INCO 515.9.
Trao đổi về nội dung này, ông Phan Văn Hiệp, Quản lý khách sạn INCO 515.9 cho biết: Trong 2 năm 2020 và 2021, khách sạn duy trì hoạt động cầm chừng bằng việc duy trì một số ít nhân viên chủ chốt. Để có doanh thu, khách sạn đẩy mạnh việc quảng bá, nhận tổ chức tiệc và nấu cỗ tại nhà cho các khách hàng có nhu cầu đặt từ 2 mâm trở lên. Trải qua giai đoạn dài khó khăn, hiện nay, lượng khách đặt phòng nghỉ khá đều, chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài đến công tác, khách du lịch, đoàn công tác của các tỉnh, thành về làm việc tại Hà Nam... Ngoài ra, đối với dịch vụ ăn uống, những tháng gần đây, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã đặt phòng ăn, tổ chức tiệc liên hoan cho nhân viên, người lao động thường xuyên hơn.
Qua tìm hiểu được biết, dù hoạt động đã được duy trì và từng bước phục hồi nhưng nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách sử dụng dịch vụ duy trì ổn định và có sự tăng trưởng nhưng chưa đạt so với kỳ vọng. Nguyên nhân bởi nền kinh tế vẫn bị “tổn thương” do dịch bệnh, thu nhập của người lao động giảm sút nghiêm trọng trong 2 năm qua khiến họ cắt giảm và hạn chế các khoản chi tiêu không thật sự cần thiết. Dịch vụ ăn uống ngoài nhà hàng theo đó vẫn chưa tạo được sức bật. Bên cạnh đó, giá các nguyên liệu, dịch vụ vận chuyển hàng hoá liên tục “leo thang” cũng là “bài toán” khó đối với các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn khi phải cân đối để có được mức giá “mềm” và cạnh tranh nhất cho khách hàng, vừa bảo đảm kinh doanh có lãi.
Chị Nguyễn Nhật Anh, Quản lý nhà hàng Bảo Anh, phường Lam Hạ (TP Phủ Lý) cho hay: Thời gian vừa qua, giá các mặt hàng rau, củ, thực phẩm, hải sản tươi sống đều tăng từ 20-40% so với trước đây. Trong khi đó, người tiêu dùng lại đang thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm chi phí cho mỗi bàn ăn. Nếu như trước đây, mỗi bàn ăn có giá từ 1-1,2 triệu đồng thì những tháng qua, khách chủ yếu chỉ đặt bàn ăn có mức giá 700-800 nghìn đồng. Chính vì vậy, dù hoạt động ăn uống ngoài gia đình đã hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường, lượng khách đến ăn tại nhà hàng đã tăng trưởng đáng kể, nhưng lãi suất đạt được trong những tháng đầu năm chưa cao. Tuy vậy, thời điểm này, giá rau, củ, thực phẩm, cước vận chuyển, đồ hải sản đã bắt đầu giảm nhẹ do giá xăng dầu giảm. Chi phí đầu vào giảm, đồng nghĩa với việc nhà hàng kinh doanh sẽ thuận lợi và có lãi hơn. Tôi tin tưởng rằng, cùng với các lĩnh vực khác, dịch vụ kinh doanh ăn uống cũng sẽ từng bước phục hồi, phát triển trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tháng 6/2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh tăng 17,3% so với cùng tháng năm 2021. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ nhóm dịch vụ này ước đạt gần 1.184 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, mặc dù chỉ mới trở lại trạng thái hoạt động bình thường từ đầu tháng 4 trở lại đây, nhưng những con số này đã cho thấy tốc độ phục hồi khá nhanh của dịch vụ lưu trú, ăn uống sau tác động của dịch bệnh.
Trao đổi về nội dung này, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Thời gian qua, Sở Công thương đã làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp kích cầu tiêu dùng, chống đầu cơ găm hàng, nâng giá bán… Đồng thời, kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống. Đây là nhóm dịch vụ có sự tăng trưởng và phục hồi mạnh sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh và cũng là tín hiệu lạc quan, là động lực đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Như vậy, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trên địa bàn tỉnh các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống nói riêng vẫn đang linh hoạt áp dụng các hình thức khuyến mại, cộng với chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng và kích cầu tiêu dùng. Tin rằng, với sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, nhóm dịch vụ này sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Nguyễn Oanh