Tiềm năng tăng trưởng từ mô hình bán lẻ hiện đại

Năm 2024, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng 14,9% đối với ngành bán lẻ và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo. Mục tiêu đặt ra là hoàn toàn có cơ sở nhờ vào nền kinh tế đang trên đà phục hồi, thu nhập của người dân cải thiện và tiềm năng tăng trưởng lớn từ các mô hình bán lẻ mới, hiện đại.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, thường xuyên được ghi nhận là điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế của tỉnh. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước tăng 15% so với năm 2022, riêng ngành bán lẻ tăng 15,6%. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 7,1%.

Kết quả đạt được cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế biến động, người dân có xu hướng ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì tăng trưởng ở mức ổn định so với các năm trước. Xu hướng dịch chuyển mua sắm từ phương thức truyền thống tại các cửa hàng, chợ truyền thống sang các kênh bán lẻ hiện đại ngày càng rõ nét. Số lượng giao dịch mua bán tại các điểm bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… ngày càng tăng.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi Hà Hậu, thôn 1, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý.

Lý giải về điều này, ông Lê Minh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho hay: Người tiêu dùng ngày càng “khó tính” hơn trong việc lựa chọn mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể khi ngày càng nhiều người ưu tiên chọn mua sản phẩm của các thương hiệu có tên tuổi, bảo đảm chất lượng, từ các mặt hàng gia dụng, hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm… Vì vậy, ngày càng có nhiều người ưu tiên mua hàng từ các điểm bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Đây cũng chính là lý do tỉnh Hà Nam đã và đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Điển hình trong đó là dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại GO! Hà Nam tại phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý của Tập đoàn Central Retail Việt Nam.

Được biết, dự án GO! Hà Nam đang đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý 3 năm 2024. Để tạo thuận lợi cho GO! Hà Nam khi đi vào hoạt động cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là có cơ hội hợp tác tiêu thụ sản phẩm với siêu thị GO! Hà Nam, mới đây, Sở Công thương đã có buổi làm việc với Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương khẳng định, so với các tỉnh, thành phố lân cận, ở Hà Nam, số lượng các siêu thị, trung tâm thương mại với việc bày bán các mặt hàng đặc sản, các sản phẩm OCOP của các địa phương trên cả nước cũng như các mặt hàng thương hiệu lớn trong nước và ngoài nước còn hạn chế. Vì vậy, khi đi vào hoạt động, GO! Hà Nam được kỳ vọng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của người dân thông qua các dịch vụ, tiện ích như khu siêu thị chuyên về thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, hàng nhu yếu phẩm; khu vực nhà hàng ẩm thực, ăn uống; các chuỗi cửa hàng tiện ích; các nhãn hiệu thời trang… Đây cũng là yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối mở rộng thị phần, đồng thời là cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường tại Hà Nam.

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Trong đó, hầu hết các nhóm ngành hàng bán lẻ sẽ có doanh thu tăng so với năm 2023 như lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; vật phẩm văn hóa, giáo dục; gỗ, vật liệu xây dựng; xăng, dầu các loại; đá quý, kim loại quý… Cùng với phát triển xu hướng mua sắm tại các điểm bán lẻ hiện đại, nhu cầu sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử của người dân cũng ngày càng tăng, tạo thói quen mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Điều này cũng đang thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ chuyển mình, đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển thương mại điện tử. Mặt khác, các nhà bán lẻ truyền thống cũng từng bước thay đổi chiến lược, đầu tư phát triển thêm các dịch vụ cung ứng trực tuyến, đầu tư ứng dụng số hóa nhằm bắt kịp xu hướng thanh toán không tiền mặt của thị trường.

Đơn cử như hệ thống siêu thị Lan Chi, bên cạnh việc đa dạng hóa các mặt hàng bày bán, công tác chuyển đổi số cũng đã được triển khai mạnh trong thời gian gần đây nhằm bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng. Ngoài việc đẩy mạnh quảng bá, bán hàng qua mạng xã hội, website, trong thời gian tới, Lan Chi tiếp tục xây dựng, phát triển ứng dụng bán hàng, đưa gian hàng lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada… Phấn đấu, năm 2024, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động bán hàng trực tuyến đạt 3-5% tổng mức doanh thu bán hàng.

Ông Lê Văn Phòng, Quản lý siêu thị Lan Chi Lý Nhân (thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân) cho biết: Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người dân, thời gian qua, Lan Chi Lý Nhân nói riêng, hệ thống các siêu thị của Lan Chi nói chung đã đẩy mạnh các hoạt động kích cầu mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng chỉ cần truy cập vào website của công ty để tham khảo, lựa chọn sản phẩm và đặt hàng thông qua số hotline (đường dây nóng) của siêu thị. Nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng mua online, siêu thị cũng đã xây dựng danh mục “Các sản phẩm khuyến mại mua online” trong từng thời điểm nhất định, đồng thời triển khai nhiều chương trình hỗ trợ như miễn phí giao hàng tận nhà trong bán kính 5 km với hóa đơn trên 300.000 đồng, thực hiện thanh toán tại nhà bằng nhiều hình thức như thu tiền, chuyển khoản, quét mã QR… Nhờ đó, tại siêu thị Lan Chi Lý Nhân, doanh thu từ hoạt động bán hàng trực tuyến ngày càng tăng, nhất là đối với mặt hàng đồ ăn nhanh, đồ gia dụng, góp phần tích cực vào kết quả kinh doanh, bảo đảm đạt và vượt mức doanh thu đề ra trong từng tháng.

Có thể thấy, thu nhập của các hộ gia đình ngày càng cải thiện đã làm tăng cơ hội cho các nhà bán lẻ. Người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng các mô hình mua sắm, giải trí hiện đại. Theo đó, tại Hà Nam, với sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng thương mại sẽ thu hút nhiều hơn các nhà bán lẻ lớn trong nước và quốc tế vào đầu tư trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy