kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thị trường bán lẻ sôi động trở lại

Thị trường bán lẻ sôi động trở lại

Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nam, những tháng đầu năm 2022, trong điều kiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh đã cơ bản hoạt động ổn định trở lại trong điều kiện bình thường mới. Các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ triển khai đa dạng các hình thức kích cầu tiêu dùng. Nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân ngày càng tăng lên rõ rệt.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 5 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng, đáng ghi nhận nhất là nhóm hàng: gỗ và vật liệu xây dựng; phương tiện đi lại; lương thực, thực phẩm; đồ dùng, trang thiết bị gia đình… với mức tăng doanh thu từ 4,3% đến 31,4% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tại hệ thống các cửa hàng của Công ty TNHH ô tô xe máy Thọ Huyền (phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên), từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách đến tìm hiểu và mua xe máy tăng cao, nhất là đối với dòng xe số và xe tay ga của các thương hiệu Honda, Yamaha. Để kích cầu tiêu dùng, Thọ Huyền đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng như: Mua xe trả góp với lãi suất thấp hay lãi suất 0% đối với một số sản phẩm cụ thể; tặng kèm mũ bảo hiểm, áo mưa; chế độ bảo hành tốt; mức giá bán cạnh tranh…

Ông Bùi Đức Thọ, Giám đốc Công ty TNHH ô tô xe máy Thọ Huyền cho biết: Lượng xe bán ra trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, lượng xe bán ra lớn. Để đáp ứng yêu cầu của việc tư vấn và chăm sóc khách hàng, chúng tôi đã phải tuyển thêm từ 1-3 lao động tại mỗi cửa hàng. 

Thị trường bán lẻ sôi động trở lại
Khách hàng mua sắm tại Cửa hàng thời trang Yody, TP Phủ Lý.

Qua tìm hiểu cho thấy, thị trường hàng hóa trong những tháng qua cơ bản  không có biến động bất thường. Trong 5 tháng đầu năm, do có các dịp nghỉ lễ kéo dài như Giỗ Tổ Hùng Vương, dịp lễ 30/4 và 1/5 cùng với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nên hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi. Trong đó, nhu cầu hàng hóa nhóm trang thiết bị đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép… có xu hướng tăng cao khi thời tiết chuyển sang mùa hè.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung -  cầu nhưng do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường nên giá một số mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng tăng lên. Tại hầu hết các cơ sở bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các chợ truyền thống, hàng hoá bày bán dồi dào, hoạt động mua bán diễn ra sôi động, sức mua có xu hướng tăng lên, doanh số bán hàng đạt mức tăng khá đối với tất cả các nhóm hàng hoá, sản phẩm. 

Ông Đỗ Ngọc Hà, Giám đốc Siêu thị Lan Chi Đồng Văn (Duy Tiên) cho biết: Trong những tháng đầu năm 2022, Lan Chi Đồng Văn ghi nhận số lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi ngày tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2021, đông nhất là vào các dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, ngày cuối tuần, buổi chiều tan tầm sau khi công nhân, người lao động hết giờ làm. Với việc liên tục triển khai các hình thức khuyến mại, giảm giá hấp dẫn, doanh thu đối với các nhóm hàng thời trang, đồ gia dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu, thực phẩm… trong 5 tháng đầu năm tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, do thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài nên tâm lý và thói quen tiêu dùng của người dân cũng đã có sự thay đổi. Số lượng khách hàng đã dần quay trở lại nhưng vẫn chưa đạt được ở ngưỡng như giai đoạn trước dịch bệnh. Tần suất mua sắm của khách hàng giảm, nhưng số lượng sản phẩm lại tăng đáng kể trên mỗi hoá đơn mua sắm. 

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh ước đạt 14.939,8 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 12.431,9 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong số 12 nhóm ngành hàng bán lẻ, Hà Nam có 8 nhóm đạt mức doanh thu tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2021 là: Gỗ và vật liệu xây dựng; phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng); lương thực, thực phẩm; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hàng hoá khác; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; xăng, dầu các loại. Tuy nhiên, vẫn còn 4 nhóm có doanh thu giảm so cùng kỳ là: Hàng may mặc; đá quý, kim loại quý; ô tô con; vật phẩm, văn hoá, giáo dục. Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân là do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu.

Ngoài mua sắm hàng hoá theo phương thức truyền thống, theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nam, lượng khách hàng tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang có xu hướng tăng đáng kể, góp phần tạo nên sự sôi động trên thị trường bán lẻ. Thị trường khá sôi động và mức thu nhập của người dân ngày càng cao, nền kinh tế đang được phục hồi và phát triển ổn định, Hà Nam được xem là thị trường bán lẻ hàng hóa tiềm năng, ngày càng hấp dẫn và thu hút các doanh nghiệp bán lẻ vào nghiên cứu, đầu tư.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy