kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tăng tốc chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, dịch vụ

Tăng tốc chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, dịch vụ

Nhận diện rõ xu hướng tiêu dùng cũng như những lợi ích to lớn của chuyển đổi số (CĐS) đối với sự phát triển bền vững của ngành thương mại, dịch vụ (TM, DV), các sở, ngành trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đột phá để tăng tốc, thúc đẩy CĐS trong hoạt động TM, DV. Nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng từng bước ứng dụng CĐS vào công tác quản lý, bán hàng, từng bước tạo nên diện mạo mới trong lĩnh vực TM, DV, phổ biến là việc xây dựng website để thông tin, quảng bá sản phẩm, tham gia cung ứng các sản phẩm, hàng hóa trên mạng internet; gắn mã QR sản phẩm; thanh toán bằng thẻ và ví điện tử; thanh toán trực tuyến; ứng dụng phần mềm kế toán, bán hàng; sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số...

 Diện mạo mới trong hoạt động thương mại, dịch vụ

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự năng động, nỗ lực vượt khó cùng với các giải pháp hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn vẫn cơ bản duy trì hoạt động ổn định. Trong đó phải kể đến việc đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ vào công tác xúc tiến thương mại, quản lý, thanh toán và bán hàng. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh, tích cực cung cấp các dịch vụ hiện đại như: xem hàng, mua hàng qua ứng dụng, giao hàng miễn phí... Trong đó, có thể kể đến như hệ thống các cửa hàng của siêu thị Winmart+, Thế giới di động, FPT, Điện máy Xanh, TokyoLife, hệ thống nhà thuốc Long Châu. Với việc ứng dụng các phần mềm công nghệ để cập nhật, lưu thông tin khách hàng, hỗ trợ thanh toán trực tuyến, tích điểm giảm giá, các đơn vị, doanh nghiệp đã tạo sự tiện lợi, tin tưởng đối với khách hàng. Chẳng hạn như tại hệ thống cửa hàng Winmart+, với việc xây dựng, duy trì hiệu quả ứng dụng VinID trên thiết bị điện thoại thông minh, hệ thống cửa hàng thường xuyên cập nhật sản phẩm, giá cả, chương trình khuyến mại, giảm giá để giới thiệu đến khách hàng, góp phần hình thành thói quen mua sắm cho người tiêu dùng.

Tăng tốc chuyển đổi số trong hoạt động thương mại dịch vụ
Khách hàng quét mã QR Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại siêu thị Winmart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Phủ Lý. Ảnh: Hân hân

Theo ông Cao Minh Dương, quản lý hệ thống cửa hàng của Winmart+ tại Hà Nam, VinID là ứng dụng thông minh, mang lại nhiều tiện ích và giải quyết được mọi nhu cầu mua sắm của khách hàng như xem sản phẩm; tích điểm để giảm giá trong lần mua sắm sau; thanh toán không dùng tiền mặt với ví điện tử VinID Pay… Nhờ đẩy mạnh CĐS, Winmart+ đã mở rộng được nhiều đối tượng khách hàng. Doanh thu hằng tháng tại các cửa hàng luôn duy trì ổn định, nguồn hàng hoá cung cấp bổ sung thường xuyên với các chương trình khuyến mại, giảm giá mới áp dụng 2 lần/tháng. Qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Không chỉ các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh quy mô lớn mà nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống, tiểu thương tại các chợ dân sinh cũng từng bước áp dụng các giải pháp số hóa trong hoạt động quản lý và kinh doanh như xây dựng kênh bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội sử dụng phần mềm bán hàng chuyên dụng, chữ ký số, hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động… Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu mà còn tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Liên, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả ở Tổ 6, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý chia sẻ: Chưa bao giờ tôi thấy hoạt động mua bán lại thuận lợi và dễ dàng như hiện nay. Hầu hết khách đến cửa hàng tôi mua đồ đều thanh toán qua hình thức quét mã QR. Cá nhân tôi khi đi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng cũng không cần phải mang theo tiền mặt. Không những vậy, thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo hay các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động, tôi có thể ngồi ở nhà mà vẫn cập nhật thường xuyên những mặt hàng mới cũng như chương trình khuyến mại, giảm giá của các cửa hàng, thương hiệu. Từ đó, tôi có thể nhanh chóng mua được món đồ yêu thích với giá cả phù hợp thông qua việc đặt mua trực tuyến. Đây là sự đổi mới vô cùng lớn cho cả khách hàng lẫn cơ sở kinh doanh.

CĐS đã thực sự mang lại cho lĩnh vực TM, DV một diện mạo tươi mới khi hiện nay Hà Nam có trên 30% doanh nghiệp bán lẻ xây dựng website riêng, cập nhật thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; trên 70% người dân sử dụng điện thoại thông minh đã tham gia hoạt động mua sắm thông qua nền tảng số. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có gần 2.800 doanh nghiệp sử dụng nền tảng số trong hoạt động kinh doanh; 2.555 doanh nghiệp sử dụng tên miền.vn; 100% doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; 99,71% số doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử. Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia các chương trình hỗ trợ CĐS; các sở, ngành phối hợp với đơn vị kinh doanh dịch vụ bưu chính chuyển phát tạo trên 10.000 tài khoản cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản và hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…

Việc triển khai các giải pháp số hóa đã góp phần thúc đẩy ngành TM, DV phát triển mạnh mẽ với doanh thu tăng trưởng khá. Năm 2023, mặc dù ngành TM, DV gặp nhiều khó khăn do tổng cầu sụt giảm mạnh nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn ước đạt 46.375 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2022.

Năm 2023, mặc dù ngành TM, DV gặp nhiều khó khăn do tổng cầu sụt giảm mạnh nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn ước đạt 46.375 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2022.

Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, dịch vụ

Để thúc đẩy CĐS, tạo động lực cho phát triển thương mại điện tử, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và kỹ năng CĐS cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt thông tin, các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, các điều kiện gia nhập thị trường theo các Hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng, chữ ký số công cộng từ xa lên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo triển khai việc thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ATM, máy POS; các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm và bán hàng…

Tăng tốc chuyển đổi số trong hoạt động thương mại dịch vụ
Nông sản được quảng bá trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hân Nguyễn

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để thúc đẩy CĐS trong hoạt động TM, DV, hằng năm, sở đều phối hợp tổ chức các hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng CĐS, bán hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tổ chức triển khai “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam” trên địa bàn nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng đồng bộ các giải pháp thanh toán điện tử, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến…

Hướng tới mục tiêu tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong ngành TM, DV, phấn đấu tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10% vào năm 2025; đến năm 2030, trên 65% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; đến năm 2025, tỷ trọng ngành TM, DV chiếm 28,5% cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỉnh đề ra nhiều giải pháp đột phá để tăng tốc, thúc đẩy CĐS lĩnh vực TM, DV trong thời gian tới. Đó là vận động và khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh tiếp cận, ứng dụng các phần mềm công nghệ trong phương thức kinh doanh thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại di động.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng đa dạng kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình cung cấp dịch vụ, thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, khai báo và nộp thuế điện tử. Đồng thời, xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, ứng dụng công nghệ QR Code đối với sản phẩm, hàng hóa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trong tỉnh.

Nguyên Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy