Mấy năm gần đây, dịch vụ xe đưa, đón học sinh ở xã Thanh Hà (Thanh Liêm) rất phát triển. Tại cổng Trường Tiểu học Thanh Hà thường xuyên có 8 xe ô tô loại từ 16 chỗ đến 24 chỗ đến đưa, đón học sinh đi về 4 lượt trong ngày. Dịch vụ xe đưa, đón học sinh mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại.
Thanh Hà là xã dân số đông, những năm gần đây số lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Do đặc thù công việc, nhiều gia đình không thể đưa, đón con hằng ngày nên nhu cầu thuê xe ô tô đưa đón con đi học của người dân ở Thanh Hà tăng mạnh. Với kinh phí 250.000 - 350.000 đồng/tháng/cháu, mỗi gia đình có thể gửi gắm con em cho chủ xe ô tô đưa, đón con đến trường hằng ngày mà gần như không phải bận tâm.
Chị Lê Thị Xuân (thôn Mậu Chử) có con đang học lớp 1 bày tỏ: Nhà tôi cả hai vợ chồng đều đi làm từ sáng tới tối, không có điều kiện thời gian đưa, đón con trong ngày nên ngay từ đầu năm học đã phải gửi dịch vụ xe đưa, đón. Vì chủ xe cũng là người cùng thôn nên phần nào yên tâm khi gửi gắm con.
Với gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (thôn An Hòa) cũng trong hoàn cảnh tương tự, hai vợ chồng đều làm doanh nghiệp, có khi tăng ca tối muộn mới về. Quãng đường từ nhà chị tới trường con học khoảng 6km, lại phải đi qua quốc lộ nên gia đình chị không dám để con đi học bằng xe đạp. Nhờ có dịch vụ xe đưa, đón con nên vợ chồng chị yên tâm hơn, không phải lo lắng con đi lại mất an toàn giao thông. Chính vì vậy, gia đình chị đã sử dụng dịch vụ đưa, đón con từ 3 năm nay và vẫn tiếp tục gửi con tới khi nào cháu lớn, có thể tự đi đến trường được.
Thanh Hà là xã có địa bàn rộng với mạng lưới giao thông khá phức tạp, được bao quanh và cắt ngang bởi các tuyến quốc lộ 1A, 21A, ĐT495, mật độ phương tiện giao thông đi qua địa bàn khá lớn, chính vì vậy, đối với các bậc phụ huynh không có điều kiện thời gian đưa, đón con đến trường thì dịch vụ ô tô chuyên chở học sinh đến trường đã phần nào đáp ứng nhu cầu và giúp người dân nơi đây yên tâm hơn.
Trước kia, thời gian đầu mới phát sinh dịch vụ này có chủ xe dùng xe 3 bánh để chuyên chở học sinh tới trường. Mấy năm gần đây, các chủ xe đều đã đầu tư xe ô tô chở khách để chuyên chở học sinh. Có gia đình đầu tư 2, 3 xe ô tô chở học sinh đi học, như gia đình anh Nguyễn Đình Chiến, chị Đỗ Thị Nhàn (thôn Hòa Ngãi) có 2 xe 16 chỗ, nhận hợp đồng chở 24-26 cháu/xe. Gia đình anh Tạ Bá Đức (thôn Hòa Ngãi) đầu tư 3 xe nhận hợp đồng chở khoảng 100 cháu đi học ở các trường: Tiểu học Thanh Hà và THCS Đinh Công Tráng… dù thu nhập chưa thực sự cao nhưng khá ổn định.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Công an xã, bên cạnh những ưu điểm tích cực, loại hình dịch vụ này cũng còn tiềm ẩn một số tồn tại, hạn chế. Thời gian qua, qua kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng vẫn còn có phương tiện không bảo đảm yêu cầu, có chủ xe vẫn dùng phương tiện ô tô đã hết hạn kiểm định, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh.
Trước tình hình trên, Ban Công an xã Thanh Hà đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã tăng cường các biện pháp quản lý loại hình dịch vụ này ở địa bàn xã. Thiếu tá Vũ Đức Trí, Trưởng Công an xã Thanh Hà cho biết: Dịch vụ đưa, đón học sinh ở Thanh Hà đều do tự phát nên không thể chủ quan, lơ là trong việc quản lý. Thực tế thời gian qua ở một số địa phương khác đã từng xảy ra những sự việc đáng tiếc xuất phát từ ý thức chủ quan trong quá trình đưa, đón trẻ đến trường. Chính vì vậy, để quản lý tốt dịch vụ này ở Thanh Hà, mới đây Công an xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã, Công an huyện phối hợp rà soát, kiểm tra các phương tiện ô tô chuyên chở học sinh đến trường.
Cùng với đó, triển khai áp dụng một số biện pháp quản lý chặt chẽ; tuyên truyền, yêu cầu chủ các phương tiện đưa đón học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, không để xảy ra những rủi ro, đáng tiếc. Công an xã đã yêu cầu chủ xe đưa đón học sinh phải ký cam kết với UBND xã về thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt quá trình đưa đón; có văn bản ký hợp đồng thuê xe với phụ huynh có xác nhận của nhà trường. Với những phương tiện hết hạn kiểm định, Công an xã vận động chủ xe sớm khắc phục, đồng thời báo cáo cấp trên, có biện pháp kiên quyết xử lý.
Có thể thấy dịch vụ xe đưa, đón học sinh đến trường ở Thanh Hà đã phần nào đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dân địa phương. Vấn đề đặt ra là để loại hình này tiếp tục phát huy hiệu quả bền vững, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh rất cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành chức năng, các nhà trường trong giám sát, quản lý phương tiện chuyên chở. Đặc biệt, các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết Luật Giao thông đường bộ của chủ phương tiện và người dân trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ đến trường mỗi ngày.
Phương Dung
Phương Dung