Thực tế cho thấy, rất nhiều mặt hàng được bày bán trên thị trường hiện nay có dấu hiệu là hàng giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý song tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát.
Theo các ngành chức năng, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu xảy ra ở đa dạng các mặt hàng, trong đó, tập trung nhiều vào mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm. Các sản phẩm thường được làm giả, làm nhái những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như LV, Hermes, Dior, Chanel, Gucci, Louis Vuiton, Burberry, Adidas... Nếu là hàng chính hãng của thương hiệu này, sản phẩm sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thế nhưng đối với hàng nhái, hàng giả mạo thương hiệu thường chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Các thương hiệu lớn ra mắt mẫu nào thì trên thị trường nhanh chóng xuất hiện hàng giả mạo ngay mẫu đó.
Bên cạnh vấn nạn kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nước ngoài, trên thị trường còn xuất hiện tràn lan hàng giả, hàng nhái các nhãn hàng “made in Viet Nam” do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất, phổ biến nhất là mặt hàng bánh kẹo, rượu, thuốc lá, mỳ tôm, chăn, ga, giấy vệ sinh, sữa tắm, dầu gội đầu, nước giải khát, phụ tùng ô tô, xe máy… với giá bán chỉ bằng 50-70% giá hàng chính hiệu nên có sức tiêu thụ khá cao, nhất là tại địa bàn nông thôn. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, qua kiểm tra 11 cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 115 triệu đồng.
Trong tháng 4/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công An tỉnh) kiểm tra đột xuất đối với một doanh nghiệp tư nhân vàng bạc trên địa bàn huyện Bình Lục. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận doanh nghiệp đang bày bán các sản phẩm trang sức gồm nhẫn, bông tai có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel với tổng trị giá hàng hoá là trên 35,2 triệu đồng. Qua kết quả xác minh, toàn bộ số hàng hóa này là hàng giả mạo nhãn hiệu Chanel đang được bảo hộ tại Việt Nam. Doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55 triệu đồng. Hay gần đây, ngày 11/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an huyện Bình Lục tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh thuốc tân dược ở thôn Nguyễn, xã An Đổ (Bình Lục) và phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán 21 hộp thuốc thành phẩm – thuốc bán theo đơn Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg); 23 hộp thuốc thành phẩm – thuốc bán theo đơn Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg) là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 1 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Bình Lục để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.
Tình trạng gian lận nhãn, giả mạo thương hiệu mặc dù đã được kiểm soát bằng nhiều hình thức nhưng vẫn có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, một biện pháp đã và đang được thực hiện để chống hàng giả là dán tem kiểm soát, tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ… nhưng chính các loại tem này cũng bị làm giả.
Ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hàng giả mạo nhãn hiệu ngày càng được làm một cách tinh vi và được bày bán xen kẽ, trà trộn cùng với hàng thật nên người tiêu dùng khó phân biệt. Hiện nay, hàng giả mạo nhãn hiệu còn được người bán lợi dụng nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok để chạy quảng cáo và livestream bán hàng. Người bán thường sử dụng địa điểm livestream bán hàng một nơi, còn kho chứa hàng lại là nơi khác. Việc giao hàng, vận chuyển hàng hóa và giao dịch thanh toán thường được thực hiện thông qua ngân hàng hoặc bên thứ ba, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái còn chồng chéo, trùng lặp khiến cơ quan thực thi lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm…
Nhận định tình trạng kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu sẽ còn diễn biến phức tạp, theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh để triển khai các giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trong đó, tập trung chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc gắn công tác quản lý địa bàn với việc phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái để xây dựng phương án kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường tỉnh để người dân biết, từ đó kịp thời phản ánh, tố giác về hành vi vi phạm; tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Các đối tượng sẽ dễ dàng lợi dụng thời điểm này để tuồn ra thị trường số lượng lớn hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng, chủ sở hữu quyền thương hiệu cũng cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong thực hiện kế hoạch hành động chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức để phân biệt hàng thật, hàng giả; tuyệt đối không ham mua hàng rẻ, hàng trôi nổi trên thị trường mà tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nguyễn Oanh