Tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá hàng hóa

Trước tình hình giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên tục leo thang, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường theo dõi diễn biến thị trường, nắm tình hình cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Trước diễn biến giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua vẫn ở mức cao, ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá nhằm không để ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu liên tục giảm. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định của pháp luật về lĩnh vực giá... 

Tăng cường công tác quản lý bình ổn giá hàng hóa
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành quy định về lĩnh vực giá tại Siêu thị Vinmart, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza (TP Phủ Lý).

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Tính từ đầu năm 2022 đến 20/8/2022, qua kiểm tra, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 458 vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, số vụ vi phạm về lĩnh vực giá chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số vụ vi phạm. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 1,9 tỷ đồng. Tính riêng trong 2 tháng 7 và 8, trong số 128 vụ vi phạm bị xử lý, có 70 vụ liên quan đến lĩnh vực giá với các hành vi vi phạm chủ yếu là: không thực hiện niêm yết giá bán, niêm yết gia không đúng thời gian quy định... 

Điển hình là cuối tháng 7, Đội QLTT số 2 đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) số tiền 40 triệu đồng do đơn vị tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân phân phối xăng dầu quy định. Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Kết quả công tác thanh, kiểm tra cho thấy, nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh hiện vẫn chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết giá hàng hóa và bán hàng không theo niêm yết giá. Vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá xảy ra đối với hầu hết các mặt hàng từ thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế cho đến hàng điện tử, quần áo, túi xách, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo và các nhu yếu phẩm thiết yếu như dầu gội đầu, sữa tắm, giấy vệ sinh... Thời gian này, cục vẫn tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện, thị xã, thành phố tích cực giám sát chặt chẽ các cơ sở, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, thuốc tân dược, thiết bị y tế, bánh Trung thu... về việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết.

Tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá hàng hóa, ngày 18/8/2022, Sở Công thương Hà Nam cũng đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố ban quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hoá, dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đồng thời có kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu trong thời gian tới, nhất là với mặt hàng thịt lợn; theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình giá cả hàng hoá trên địa bàn và báo cáo về Sở Công thương trước ngày 25 hằng tháng để sở kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp điều tiết, bảo đảm ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát. 

Sở Công thương cũng đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động các giải pháp kích cầu tiêu dùng, bám sát diễn biến thị trường, có phương án chuẩn bị đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy