Nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”

Mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” nằm trong chuỗi các sự kiện, hoạt động do Sở Công thương triển khai xây dựng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Công thương nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua ghi nhận cho thấy, các “Điểm bán hàng Việt Nam” đã trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dân và là một trong những kênh quan trọng trong việc phân phối, đưa hàng hóa Việt chất lượng đến với người tiêu dùng.

Bảo đảm các tiêu chí theo yêu cầu

Với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, từ năm 2015 đến nay, Sở Công thương Hà Nam đã xây dựng được 4 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Các điểm bán hàng Việt được lựa chọn để xây dựng nằm ở khu vực đông dân cư, có lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm lớn.

Qua tìm hiểu cho thấy, tại các điểm bán hàng Việt, hàng hóa được bày bán khá đa dạng, phong phú, từ các mặt hàng nông, lâm, thuỷ, hải sản cho đến đồ gia dụng, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng thời trang do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất, bảo đảm các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, có nhiều sản phẩm trong tỉnh đã được chứng nhận OCOP như: Sữa chua, sữa tươi thanh trùng Mục Đồng; phở, bún, miến chùm ngây Morice; bánh đa nem làng Chều; chuối ngự Đại Hoàng; rượu Vọc; sữa tươi thanh trùng, sữa chua Hanamilk…

Nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”
Người dân mua sắm tại “Điểm bán hàng Việt Nam”, siêu thị Phú Hòa, phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên.

Ngoài ra, các điểm bán hàng Việt còn có cả những đặc sản nổi tiếng của các vùng miền trên cả nước, như chè khô Thái Nguyên; nấm, mật ong rừng Tây Bắc; bánh cáy Thái Bình; bánh cốm Hà Nội… Qua đó, góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các địa phương tới người tiêu dùng.

Đây cũng được xem là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt một cách bền vững.

Trao đổi về nội dung này, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết: Ngay khi có hướng dẫn của Bộ Công thương về xây dựng điểm bán hàng Việt, Sở Công thương Hà Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh kêu gọi đăng ký tham gia. Sở tiến hành khảo sát, điều tra thực tế về cơ sở vật chất, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là ở những khu vực tập trung đông dân cư và triển khai xây dựng mô hình theo đúng hướng dẫn của ngành chức năng.

Qua triển khai xây dựng, các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí: Diện tích tối thiểu của cửa hàng đạt từ 60m2 trở lên; các điểm bán hàng đều được gắn biển hiệu; hàng hóa được trưng bày theo hình thức cửa hàng tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng bảo đảm thuận tiện cho khách hàng khi mua sắm. Những điểm bán hàng Việt được đặt trong siêu thị, cửa hàng kinh doanh tổng hợp có quy mô lớn đều được bố trí thành khu riêng biệt để dễ nhận biết. Ngoài ra, 100% hàng hóa kinh doanh trong “Điểm bán hàng Việt” được sản xuất trong nước, bảo đảm đúng, đầy đủ điều kiện đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật…

Là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được lựa chọn để xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam”, đến nay, siêu thị Lan Chi Lý Nhân vẫn duy trì hiệu quả mô hình với khoảng 1.000 sản phẩm Việt được bày bán thường xuyên. Điểm bán hàng Việt được bố trí riêng biệt ở khu vực trung tâm siêu thị, qua đó giúp cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Đánh giá về kết quả của mô hình này, ông Lê Văn Phòng, Giám đốc Siêu thị Lan Chi Lý Nhân cho biết: Thời gian đầu khi mới xây dựng mô hình, siêu thị bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại điểm bán hàng Việt để giới thiệu những sản phẩm Việt được ưa chuộng tới khách hàng. Cũng thông qua đó, siêu thị nhận được ý kiến đánh giá, phản hồi của khách hàng đối với mẫu mã, chất lượng của sản phẩm. Trên cơ sở đó, siêu thị đã trao đổi, đóng góp ý kiến với nhà cung cấp để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đến nay, sau hơn 7 năm xây dựng, “Điểm bán hàng Việt” đã trở thành gian hàng quen thuộc và yêu thích của nhiều khách hàng. Nếu như trong những năm đầu hoạt động, hàng Việt Nam chỉ chiếm thị phần chưa tới 50% thì thời điểm này, hàng Việt đã chiếm khoảng 90% tổng số hàng hóa bày bán trong siêu thị.

Tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt”

Cuối năm 2022, siêu thị Phú Hòa (phường Hòa Mạc, Duy Tiên) là đơn vị thứ 4 được Sở Công thương lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”. Ngoài việc được hỗ trợ hệ thống quầy hàng, kệ hàng, thiết bị bảo quản hàng hóa, hệ thống biển hiệu quảng cáo, siêu thị Phú Hòa còn được Sở Công thương hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá bằng hình thức treo băng zôn, pa nô tuyên truyền tại các khu công nghiệp, tuyến đường chính thuộc địa bàn phường Đồng Văn, Hòa Mạc. Siêu thị cũng được tư vấn, giới thiệu về những quy định của pháp luật đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, quản lý hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm và giao dịch thương mại. Do nằm ở vị trí trung tâm phường Hòa Mạc, lại gần Khu công nghiệp Hòa Mạc có đông công nhân lao động sinh sống, làm việc nên sau một thời gian ngắn xây dựng, điểm bán hàng Việt tại siêu thị Phú Hòa đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với hàng hóa Việt phong phú, đa dạng, có chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Bà Trần Thị Minh Huệ, chủ siêu thị Phú Hòa khẳng định: Từ khi mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” được xây dựng, lượng khách đến mua sắm tăng mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Siêu thị cũng đã tăng cường thêm nguồn hàng và tích cực giới thiệu cho khách hàng khi đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu do Việt Nam sản xuất. Hiện, siêu thị cung cấp đa dạng các mặt hàng Việt chất lượng, như: lương thực, thực phẩm, hoa quả, sữa các loại, nước giải khát, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm…

Từ thực tế cho thấy, các điểm bán hàng Việt cố định được đưa vào khai thác đã khắc phục được những hạn chế trước đây khi hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững và người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng tốt với hàng hóa gắn mác Việt bán trôi nổi trên thị trường.

Phát huy hiệu quả của “Điểm bán hàng Việt Nam”, theo ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nam sẽ tiếp tục rà soát, lựa chọn xây dựng thêm nhiều điểm bán hàng Việt cố định tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở những huyện chưa có siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm nhằm giúp người dân nông thôn mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và lan tỏa rộng rãi hơn nữa giá trị hàng hóa Việt, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

 Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy