Người dân chật vật trong “cơn bão” giá xăng

Giá xăng liên tục tăng từ đầu năm 2022 đến nay và hiện đã lập đỉnh lịch sử với mức xấp xỉ 32.000 đồng/lít đã không chỉ tác động trực tiếp đến hoạt động giao thông vận tải mà còn kéo theo nhiều nhóm mặt hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Người tiêu dùng, nhất là nhóm lao động có thu nhập thấp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc lên kế hoạch chi tiêu, chật vật trong “cơn bão” giá.

Hàng hóa, dịch vụ “sốt” theo giá xăng

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã có trên 10 lần tăng giá. Giá xăng tăng đã tác động đồng loạt lên giá bán của các mặt hàng hoá nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm... Qua khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Phủ Lý cho thấy, giá các loại rau, củ, quả, thực phẩm trong những ngày qua không ngừng “leo thang”.

Tại thời điểm này, giá bán tăng mạnh so với đầu năm và tăng 10-40% so với thời điểm giữa tháng 4/2022 khi giá xăng bắt đầu đà tăng. Chẳng hạn như, các loại khoai tây tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; khoai sọ tăng từ 17.000 đồng lên 23.000 đồng/kg; cà chua tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; rau cải ăn lá tăng 15.000 đồng lên 22.000 đồng/kg; rau muống ngọt tăng từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; cá trắm, cá chép tăng từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng/kg; giá tôm các loại tăng từ 70.000-100.000 đồng/kg (tuỳ loại); thịt lợn tăng từ 110.000 đồng lên 120.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn tăng từ 55.000 đồng lên 70.000 đồng/kg. Các loại hoa quả như cam, xoài, nho... cũng tăng từ 10-30%. 

Chị Nguyễn Thị Quyên, một tiểu thương có thâm niên gần 20 năm kinh doanh thực phẩm tại chợ Châu Sơn (TP Phủ Lý) cho biết: Do nhiều loại thực phẩm được nhập bán và vận chuyển từ các địa phương khác trong tỉnh về nên giá vận chuyển tăng do giá xăng tăng. Từ đó đội giá bán các mặt hàng lên. Thông thường, vào mùa hè, giá bán đối với mặt hàng thủy, hải sản giảm xuống thấp so với những tháng khác trong năm. Tuy nhiên, hè năm nay, do tác động từ giá xăng khiến giá bán thủy, hải sản, nhất là tôm sú lại rất cao, dao động từ 530.000 - 630.000 đồng/kg, tăng trên 100.000 đồng/kg so với đầu năm. Tất cả các mặt hàng rau, củ, quả cũng đều tăng theo tuần, thậm chí là theo ngày.

Còn tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, mức giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, mỳ chính, mỳ tôm, nước giặt, nước rửa bát, dầu gội, sữa tắm… cũng tăng từ 10-35% so với thời điểm giá xăng bắt đầu tăng hồi tháng 4/2022. Ngoài ra, các loại dịch vụ như vận tải hành khách, ăn uống, bơi lội… cũng tăng giá với mức tăng lần lượt là khoảng 10%, 15%, 30%. Thị trường vật liệu xây dựng cũng ghi nhận nhiều loại mặt hàng tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay, trong đó phổ biến là sắt, thép, xi măng, cát xây dựng… với mức tăng giá khoảng 10 - 20% so với thời điểm cuối năm 2021. 

Theo Cục Thống kê tỉnh, sau nhiều lần điều chỉnh tăng giá, giá xăng dầu trong nước lập đỉnh mới đã kéo theo chỉ số giá tiêu dùng của nhóm giao thông trong tháng 5/2022 tăng cao (tăng 2,53%). Đây là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Riêng trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tăng 0,49% so với tháng trước. Trong đó, có 5/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng tương đối cao so với tháng trước là giao thông (tăng 2,53%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,91%); văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,61%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,19%); đồ uống và thuốc lá (tăng 0,13%).

Người dân chật vật trong “cơn bão” giá xăng
Khách hàng mua sắm hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Lan Chi Đồng Văn (thị xã Duy Tiên).

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Gia đình chị Phạm Thị Thủy, Tổ 6, phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý có 4 thành viên. Tổng thu nhập của vợ chồng chị khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, mỗi tháng vợ chồng chị Thuỷ phải thanh toán tiền thuê nhà 3 triệu đồng và nuôi hai con đang tuổi ăn, tuổi học. Giá cả hàng hoá tăng cao khiến chị Thủy phải căng mình với gánh nặng “cơm áo gạo tiền”. Chị Thủy cho biết: Thu nhập thấp nên tôi luôn phải cân đối tài chính để có khoản tiết kiệm. Nếu như trước đây, mỗi ngày cả gia đình tôi chỉ cần khoảng 150.000 đồng mua thức ăn thì giờ đây mỗi khi đi chợ tôi phải tiêu ít nhất là 250.000 đồng. Gia đình tôi phải cắt giảm tất cả các dịch vụ vui chơi, giải trí cho các con trong dịp hè này. Để giảm tối đa các khoản chi tiêu, mỗi tuần từ 2-3 lần, tôi dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ đầu mối mua thịt và rau, củ để sử dụng cho cả tuần. 

Ghi nhận ý kiến nhiều người dân khác trên địa bàn TP Phủ Lý cũng cho thấy, để xoay xở với “cơn bão” giá, hầu hết các gia đình phải tự tìm cách giải “bài toán” thu - chỉ để bảo đảm đời sống sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh giải pháp tiết kiệm chi tiêu, nhiều gia đình nỗ lực cải thiện thu nhập bằng việc tăng cường làm thêm ca, thêm giờ hay kiếm thêm các nghề “tay trái” để làm thêm ngoài giờ hành chính…

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ một tiệm làm tóc ở gần KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý) cho hay: Giá xăng tăng kéo theo giá cước vận chuyển, giá nhập mua các mặt hàng để làm dịch vụ làm tóc và dưỡng da như dầu gội, sữa rửa mặt, mặt nạ chăm sóc da, mỹ phẩm, thuốc ép, uốn tóc… đều tăng giá từ 15-30%. Chi phí hoá mỹ phẩm tăng cao trong khi tôi vẫn giữ giá dịch vụ như nhiều năm nay vì sợ mất khách. Điều này khiến cho tiệm tóc gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thế, tiệm tóc của tôi còn gặp khó khăn “kép” khi lượng khách đến làm chăm sóc da và tóc giảm mạnh trong khoảng 2 tháng trở lại đây do khách hàng của tiệm chủ yếu là công nhân lao động trong khu vực và có mức thu nhập thấp. Hàng hoá “leo thang” khiến người lao động thắt chặt chi tiêu, hạn chế sử dụng dịch vụ làm đẹp. Tôi đã phải cắt giảm cả 2 nhân viên của tiệm để không phải bù lỗ.

Liên quan đến thị trường giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn đang trên đà phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.205,5 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ chủ yếu tăng cao ở các nhóm ngành hàng như lương thực, thực phẩm (tăng 19,1%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 4,3%); vật liệu xây dựng (tăng 31,4%)... Từ những con số này cho thấy, người dân đã và đang thắt chặt chi tiêu hằng ngày, tập trung chủ yếu vào những nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu do bị tác động của “bão giá” kéo dài. Theo đó, các nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh muốn duy trì doanh số bán hàng cần phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu tối ưu về tiện ích, giao nhận hàng hoá, chế độ bảo hành, hậu mãi sau khi mua hàng.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Do đó, giá xăng dầu tăng cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí cho hộ kinh doanh, đánh thẳng vào túi tiền người tiêu dùng, ảnh hưởng đà hồi phục của toàn nền kinh tế. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.