Chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) là một trong 3 trụ cột của chỉ số thương mại điện tử (TMĐT). Những năm qua, chỉ số B2C của Hà Nam chưa đạt thứ hạng như mong đợi. Năm 2021, chỉ số B2C của Hà Nam bị tụt giảm 10 bậc so với năm 2020. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương để làm rõ vấn đề này.
P.V: Được biết, từ năm 2021, xếp hạng chỉ số TMĐT được tổng hợp từ 3 trụ cột là nguồn nhân lực và hạ tầng (NNL&HT) công nghệ thông tin; giao dịch B2C và giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), không còn chỉ số về giao dịch Chính phủ với doanh nghiệp (G2B) như trước. Vậy xin ông cho biết, đối với giao dịch B2C, nhóm các chỉ tiêu thành phần có gì thay đổi không?
Ông Hoàng Chí Dũng: Nhóm các chỉ tiêu thành phần của chỉ số B2C vẫn được giữ nguyên để bảo đảm tính thống nhất cho việc so sánh, đánh giá qua các năm. Nhóm chỉ tiêu này bao gồm: Xây dựng website doanh nghiệp; tần suất cập nhật thông tin trên website; ứng dụng bán hàng qua mạng xã hội; tham gia các sàn giao dịch TMĐT; website phiên bản di động; ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động; cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động; tình hình nhận đơn đặt hàng; quảng cáo website/ứng dụng di động; doanh thu từ kênh trực tuyến và thu nhập bình quân trên đầu người.
Ngoài các nhóm chỉ tiêu “cứng” trên, từ năm 2021, một số chỉ tiêu định lượng quan trọng khác cũng được cân nhắc khi tính chỉ số này, gồm: Số lượng bưu kiện gửi của các địa phương; số lượng gian hàng của các địa phương kinh doanh trên các sàn TMĐT; số lượng doanh nghiệp của các địa phương chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến như ví điện tử, thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán.
P.V: Chỉ số TMĐT của tỉnh Hà Nam tăng nhanh trong giai đoạn 2015-2021, nhất là từ năm 2019 đến nay. Năm 2021, chỉ số TMĐT của Hà Nam đứng thứ 21 trong các tỉnh, thành của cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019. Vậy thứ hạng chỉ số thành phần B2C của TMĐT những năm vừa qua đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Chí Dũng: Năm 2021, trong số các chỉ số thành phần của chỉ số TMĐT, chỉ số NNL&HT xếp thứ hạng cao nhất, đứng thứ 13 trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2015; chỉ số B2B đứng thứ 22, tăng 6 bậc so với năm 2015. Tuy nhiên, chỉ số B2C lại chỉ tăng 1 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 31 trong số các tỉnh, thành cả nước. Thậm chí so với năm 2020, chỉ số B2C còn bị tụt 10 bậc. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến kết quả chung việc xếp hạng chỉ số TMĐT của Hà Nam. Vì vậy, dù tăng 5 bậc so với năm 2019 nhưng chỉ số TMĐT của Hà Nam năm 2021 lại chỉ tăng 1 bậc so với năm 2020.
P.V: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho thứ hạng của chỉ số B2C chậm được cải thiện?
Ông Hoàng Chí Dũng: Quy mô thị trường TMĐT của tỉnh vẫn còn ở mức khiêm tốn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đánh giá nhóm chỉ tiêu thành phần của chỉ số B2C. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do thu nhập bình quân đầu người của Hà Nam còn thấp so với nhiều tỉnh, thành dẫn đến giá trị mua sắm nói chung, mua sắm trực tuyến nói riêng chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển mảng TMĐT, chưa xây dựng website phục vụ bán hàng cũng như đẩy mạnh bán hàng qua mạng xã hội, qua thiết bị điện thoại đi động. Kết cấu hạ tầng TMĐT nhìn chung còn thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hóa đơn, chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics. Trong những năm gần đây, mặc dù có số doanh nghiệp áp dụng tham gia vào sàn giao dịch TMĐT tăng nhanh nhưng tỷ lệ vẫn đạt thấp… Theo đó, doanh thu bán hàng trực tuyến của Hà Nam chưa cao. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh mới có chưa đến 10% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng website TMĐT. Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu tiêu dùng trong tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 5%.
P.V: Xin ông cho biết tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu như thế nào đối với việc nâng cao thứ hạng chỉ số B2C trong thời gian tới?
Ông Hoàng Chí Dũng: Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nam nằm trong tốp 20 tỉnh, thành xếp hạng chỉ số TMĐT cao nhất của cả nước. Trong đó, chỉ số NNL&HT nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành. Chỉ số B2B và B2C phấn đấu tăng từ 2-3 bậc so với năm 2020 (lần lượt xếp thứ 23-24 và 18-19 cả nước). Đến năm 2030, trên 65% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình trên 1.000 USD/người/năm; trên 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT, mạng xã hội; trên 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ và 60% các hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch TMĐT; trên 60% hộ gia đình sử dụng nền tảng số để kinh doanh; trên 70% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động…
P.V: Để đạt mục tiêu đề ra, cần có giải pháp căn cơ như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Chí Dũng: Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức các khóa đào tạo, tấp huấn kiến thức về TMĐT cho đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và cán bộ quản lý các doanh nghiệp; tích cực tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website TMĐT để giới thiệu, quảng bá, giao dịch bán hàng; nâng cao hiệu quả vận hành sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hà Nam, giúp doanh nghiệp đăng ký xây dựng gian hàng để giới thiệu và bán sản phẩm; xây dựng kênh phân phối bán hàng trực tuyến và phần mềm xúc tiến bán hàng trực tuyến tỉnh Hà Nam, trong đó tập trung xây dựng bản đồ số về kênh phân phối hàng hóa; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh TMĐT mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công; chủ động hợp tác về TMĐT với các quốc gia và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và thương mại phi giấy tờ…
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Oanh