Lắp đặt đồng hồ nước, vì sao mỗi nơi một giá?

Hiện nay, chi phí lắp đặt một đồng hồ sử dụng nước sinh hoạt ở các vùng nông thôn trong tỉnh dao động từ 1 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng. Các doanh nghiệp đều có lý giải khác nhau về giá lắp đặt. Vậy tại sao mỗi nơi lại có một giá lắp đặt đồng hồ nước khác nhau?

Mỗi nơi một giá?

Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam đang áp dụng cho tất cả khách hàng ở các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý mức thu một đồng hồ nước lắp đặt mới có giá 2.200.000 đồng. Số tiền này bao gồm: một đồng hồ nước, một van góc hai chiều, một van góc một chiều, một hộp đồng hồ, phí kiểm định, 5 m ống D15 lắp từ đồng hồ đến ống dịch vụ, một phần tuyến ống phân phối. Ngoài ra, công ty hỗ trợ nhân công lắp đặt đồng hồ. 

Đối với một số dự án được hưởng lợi theo cơ chế hỗ trợ sau đầu tư của tỉnh, chủ đầu tư bỏ vốn 40% tổng giá trị công trình xây dựng, nhưng giá lắp đặt đồng hồ nước ở mỗi địa phương cũng có sự khác nhau. Tại xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) đối với các hộ đăng ký ban đầu nằm trong dự án mức thu 1,200 triệu đồng/đồng hồ, nhưng đến nay mức thu hộ đấu mới là 3 triệu đồng/đồng hồ. Tại xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) lại có giá lắp đặt là 2.350.000 đồng/đồng hồ.

Ông Hoàng Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận cho biết: Hiện, xã có 2 doanh nghiệp cung cấp nước sạch. Từ tháng 5/2017, Công ty xây dựng và kinh doanh nhà ở Hà Nam tiếp nhận lại công trình nước sạch của Công ty xây dựng thủy lợi Hà Nam. Vì công trình phải nâng cấp một số vị trí nên các khu vực có đơn giá lắp đặt đồng hồ nước khác nhau.

Đối với các hộ lần đầu lắp đặt có giá 2.060.000 đồng/đồng hồ (chủ đầu tư đấu nối hoàn thiện đến hết cụm đồng hồ). Riêng các hộ đã lắp đặt đồng hồ từ trước tháng 5/2017 (đã nộp 700 nghìn đồng cho Công ty xây dựng thủy lợi Hà Nam) nhưng không còn sử dụng và phải thay thế đồng hồ mới có mức thu tăng thêm 1.650.000 đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư thu thêm mỗi hộ 400.000 đồng mua các loại vật tư thay thế để chuyển vị trí đồng hồ cũ ra vị trí theo quy định.

Gia đình bà Phạm Thị Hà, thôn Chảy, xã Liêm Thuận (Thanh Liêm) sử dụng nước sạch từ cuối năm 2017, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Còn đối với dự án nước sạch nông thôn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) tại xã Liêm Túc (Thanh Liêm) có đơn giá lắp đặt từ 1,2-2,5 triệu đồng/đồng hồ. Bà Nguyễn Thị Miến, phụ trách dự án Công ty xây dựng Mỹ Đà (thành phố Phủ Lý) cho biết: Đơn giá lắp đặt đồng hồ tùy thuộc vào khoảng cách từ mạng lưới đường ống chung đến hộ gia đình và khối lượng cắt phá hoàn trả bê tông mặt đường.

Giá lắp đặt đồng hồ nước cao cũng đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Do tại thời điểm triển khai lắp đặt hệ thống nước sạch trên địa bàn, nhiều hộ ban đầu chưa có nhu cầu, bởi họ vẫn sử dụng các nguồn nước từ giếng khoan, nước mưa và có hộ còn khó khăn về kinh tế. Nay do các nguồn nước trên đều bị ô nhiễm hoặc cạn kiệt, khi chuyển sang dùng nước sinh hoạt tập trung thì chi phí lắp đặt cao là một cản trở lớn đối với họ. Đây cũng có thể được coi là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình cung cấp nước tập trung chưa cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 64% số hộ được sử dụng nước sạch tập trung.

Ở xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) năm 2014, công trình nước sạch trên địa bàn được xây dựng, các hộ đăng ký đấu nối nước sạch ngay tại thời điểm này, chủ đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Phúc Lộc Hà Nam) thu 1.200.000 đồng/đồng hồ. Đến nay, nhiều hộ có nhu cầu lắp đặt, nhưng mức giá tăng lên 3.000.000 đồng/đồng hồ. Ngoài ra, tại một số địa phương dự án  cung cấp nước sạch tập trung có nguồn vốn hoàn toàn do tư nhân đầu tư, mức chi phí lắp đặt từ 1,5 triệu - trên 2,5 triệu đồng/hộ.

Ông Trần Văn I. (xã Nhân Nghĩa) bức xúc nói: Hiện nay, gia đình tôi mới có điều kiện sử dụng nước sạch tập trung, nhưng giá lắp đặt đồng hồ  tăng tới 2,5 lần so với trước đây. Công ty cho rằng, hiện các loại chi phí vật tư, nhân công đều tăng, trong khi đó đường ống trục chính nằm sát ngay cổng nhà. Điều này là bất hợp lý và như vậy nhiều hộ không có điều kiện thì khó tiếp cận với nguồn nước sạch tập trung.

Công nhân Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam lắp đặt đồng hồ cho nhân dân tại xóm 4, Liêm Chung (TP. Phủ Lý). Ảnh: T.L

Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

Vậy tại sao giá lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt lại có nhiều mức giá khác nhau và ở mỗi nơi một khác? Qua tìm hiểu được biết, trước hết các dự án nước sạch nông thôn ở tỉnh ta được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA (vốn vay viện trợ), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) kết hợp với nguồn vốn đối ứng của nhân dân. Quá trình xây dựng công trình nước sạch ở các địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, dẫn đến tình trạng chi phí về giá lắp đặt đồng hồ nước ở mỗi nơi có mức thu khác nhau.

Cùng với đó, tại một số địa phương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền với chủ đầu tư, đặc biệt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia lắp đặt hệ thống nước sạch ngay từ khi dự án triển khai còn hạn chế. Điều này làm ảnh hưởng đến việc chủ đầu tư xây dựng phương án áp giá mức thu thống nhất ở mỗi thôn, xóm.

Thêm vào đó, hiện nay ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh  có từ 2 - 4 doanh nghiệp cùng cung cấp nước sạch như tại các xã: Châu Giang, Bạch Thượng (Duy Tiên), Liêm Thuận (Thanh Liêm)… Vì thế giữa các đơn vị có sự cạnh tranh thị phần cung cấp nước sạch và mức giá thu. Từ những nguyên nhân trên dẫn đến giá chi phí lắp đặt đồng hồ nước ở các địa phương có sự khác nhau.

Nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Song để bảo đảm hiệu quả phục vụ của nhà máy và hiệu quả sử dụng của người dân thì việc xây dựng các trạm cung cấp nước sạch cần tính toán hợp lý về quy mô theo từng khu vực. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.

Bên cạnh việc tính toán bảo đảm công suất thiết kế, mạng lưới đường ống, các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt tập trung cũng cần quan tâm đến chi phí lắp đặt nước cho các hộ gia đình phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, nhất là trong việc xác định giá nước sạch và chi phí đấu nối cho hộ dùng nước phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, các chủ đầu tư cần thống nhất giá thu ở mức hợp lý để giúp các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách được sử dụng nước sạch tập trung, vừa bảo đảm tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, phát huy công suất, hiệu quả  của nhà máy, vừa nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phùng Thống

Phùng Thống

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.