kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Kim Bảng thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ

Kim Bảng thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ

Được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV); trong đó, du lịch được xác định là trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện, những năm qua, Kim Bảng đã triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy TM-DV phát triển. Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 12, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển TM-DV, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 12), lĩnh vực TM-DV trên địa bàn đã có những bước tăng trưởng tích cực, tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Quy hoạch - tạo đà cho phát triển

Bám sát định hướng phát triển TM-DV theo tinh thần Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy, UBND huyện ban hành Kế hoạch 09, ngày 11/1/2022 nhằm cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Trên cơ sở xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch, tập trung quỹ đất cho đầu tư phát triển TM-DV, Ban Thường vụ Huyện ủy giao UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng các khu thương mại, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí tại thị trấn Ba Sao và dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; chủ động phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) sẵn sàng quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, đầu tư hạ tầng, thương mại, dịch vụ (du lịch, khách sạn, sân golf...).

Rất đông du khách đến chùa Tam Chúc đầu năm 2024.

Với định hướng xây dựng, phát triển trở thành đô thị loại IV, hướng tới đô thị loại III vào năm 2030, phát triển theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có bản sắc và phát triển bền vững vào năm 2050, trong quy hoạch chung đô thị cũng như các quy hoạch phân khu chức năng, huyện xác định quy hoạch các không gian xanh với mục tiêu thu hút, xã hội hoá đầu tư, phát triển các khu vui chơi giải trí kết hợp với các công viên chuyên đề như: Công viên Ngũ Phúc thuộc Khu đô thị trung tâm (50ha); công viên chuyên đề kết hợp vui chơi giải trí tiếp giáp khu vực quy hoạch trung tâm hành chính, văn hoá đô thị (20ha); Khu phức hợp thể thao, giải trí sân golf Kim Bảng (hiện đã đầu tư, đi vào hoạt động 27/36 hố golf); sân golf 36 hố và khu phụ trợ xã Tượng Lĩnh (hiện đã đầu tư và đi vào hoạt động 18/36 hố); quy hoạch Khu phức hợp thể thao, giải trí, sân golf đồi Hoa Sen (dự kiến quy hoạch 36 hố và các hoạt động vui chơi, giải trí đa chức năng khác theo quy hoạch tỉnh).

Việc quy hoạch, tổ chức triển khai theo quy hoạch, thu hút đầu tư các khu vui chơi giải trí đã thay đổi diện mạo đô thị Kim Bảng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện mục tiêu phát triển Kim Bảng trở thành đô thị xanh vào năm 2050.

Hạ tầng được đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm

Theo ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện, trên cơ sở xác định, hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển TM-DV, những năm qua, huyện Kim Bảng đã và đang triển khai hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có tính chất liên vùng, các trục giao thông kết nối các trung tâm dịch vụ, du lịch trong và ngoài tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối đường vành đai (VĐ) 4 - VĐ 5; dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng nối từ đường VĐ4-VĐ5 qua QL38 đến QL21; dự án đầu tư xây dựng đường song hành QL21, dự án chỉnh trang hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị, cảnh quan Khu du lịch quốc gia Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao; các dự án chỉnh trang đô thị,…

Để các dự án triển khai hiệu quả, Kim Bảng đã đẩy mạnh công tác GPMB, tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược, các tập đoàn có uy tín, thương hiệu phát triển các trung tâm TM-DV, chợ, trung tâm mua sắm, siêu thị quy mô cấp vùng, tổ hợp khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí chất lượng cao. Bên cạnh việc huy động, cân đối các nguồn lực của địa phương, Kim Bảng còn tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho phát triển kết cấu hạ tầng; phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển TM-DV phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương, Kim Bảng đã đầu tư nâng cấp các công trình: Quần thể danh lam thắng cảnh Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, xã Thanh Sơn; Quần thể danh lam thắng cảnh Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn; Quần thể danh lam thắng cảnh chùa Bà Đanh - núi Ngọc tại xã Ngọc Sơn; Quần thể Di tích thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư các hoạt động TM-DV trong vùng. Trong đó, ưu tiên, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, tâm linh với tổ hợp tâm linh - văn hóa - nghỉ dưỡng - thể thao, kết nối với khu tâm linh đền Trúc - Ngũ Động Sơn; chùa Bà Đanh - Núi Ngọc; đền Lê Chân; chùa Tiên Ông; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với các sản phẩm nghỉ dưỡng, khai thác giá trị sinh thái, cảnh quan tập trung ở Tam Chúc, Hồ Ba Hang, Ao Dong, Hang Luồn, Bát Cảnh Sơn và sản phẩm du lịch thể thao, đặc trưng nhất là chuỗi các sân golf Kim Bảng, Tượng Lĩnh đang gắn kết các hoạt động thể thao giải trí với các điểm du lịch.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại

Nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu nhất quán trong thực hiện các chính sách ưu đãi và các cam kết với các nhà đầu tư, hằng năm UBND huyện chỉ đạo cơ quan chủ trì tham mưu rà soát, đề xuất danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành kêu gọi, thu hút đầu tư (mở rộng chợ Thi Sơn, đầu tư mới chợ Đại Cương...). Kêu gọi, thu hút, xúc tiến đầu tư các dự án thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại tại các trục đường lớn, các trục cảnh quan như đường T3, đường tránh QL1A,…

Dự án Flamingo Golden Hill được triển khai xây dựng tạo diện mạo mới cho thị trấn Ba Sao. Ảnh: Lê Dũng

Năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 91 doanh nghiệp được thành lập mới, lũy kế có 610 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; 4 doanh nghiệp khôi phục kinh doanh; 635 hộ đăng ký kinh doanh, lũy kế 5.828 hộ kinh doanh. Riêng Khu Công nghiệp Đồng Văn IV thu hút 48 doanh nghiệp, trong đó 34 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 942 triệu USD, 14 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đầu tư 7.049 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 9.370 lao động. Trong  6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã có 38 doanh nghiệp được thành lập mới; 324 hộ đăng ký kinh doanh mới, lũy kế 6.041 hộ kinh doanh. Khu Công nghiệp Đồng Văn IV thu hút 66 doanh nghiệp, trong đó: 36 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn điều lệ 8.099 tỷ đồng, 30 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn điều lệ 3.344 tỷ đồng. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, xây dựng của huyện 6 tháng đầu năm tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 56,36 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 3.590 tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư, công tác giới thiệu, kết hợp quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của huyện cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Thông qua việc tổ chức các phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn, huyện đã tích cực giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm công - nông nghiệp  của địa phương đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy, kết cấu hạ tầng của huyện ngày càng được hoàn thiện, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động TM-DV, du lịch trên địa bàn huyện phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, bảo hiểm, các tổ chức tài chính, tín dụng tại địa bàn huyện cũng ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng phục vụ, đáp ứng đầy đủ, thuận tiện nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đến nay, nhiều dự án đầu tư du lịch trên địa bàn huyện được triển khai bước đầu tạo được các sản phẩm du lịch khá phong phú, cùng với các di sản văn hóa phi vật thể. Các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Kim Bảng, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... Theo đó, doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5.324,68 tỷ đồng, tương đương với tốc độ tăng trưởng 13,6%; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 91,6 triệu USD tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,93%; trong đó: giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 80,8 triệu USD tương đương tốc độ tăng trưởng 13,8%; năm 2022 đạt 92,0 triệu USD tương đương tốc độ tăng trưởng 13,9%; năm 2023 đạt 102,2 triệu USD tương đương tốc độ tăng trưởng 11,1%.

Hiện Kim Bảng đang khẩn trương triển khai các dự án như sân golf Kim Bảng (thị trấn Ba Sao); sân golf Tượng Lĩnh; đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Ba Sao Flamingo Golden Hill; Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí thể dục thể thao (sân golf) tại các xã Thi Sơn, Liên Sơn… Các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng vui chơi giải trí có bước phát triển nhanh. Ngoài Khách xá của Tam Chúc, Kim Bảng hiện có 2 khách sạn 3 sao (Khách sạn Ngọc Lâm tại xã Khả Phong, khách sạn ĐTT Galaxy tại thị trấn Ba Sao) và 22 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đó là những điều kiện thuận lợi, nguồn lực quan trọng để Kim Bảng tiếp tục kêu gọi đầu tư, biến tiềm năng thành lợi thế phát triển TM-DV.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy