Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc được ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian gần đây, sự phối hợp liên ngành trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đẩy mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc nắm bắt thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Điển hình là công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường (QLTT) với Công an tỉnh tổ chức một số đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá theo chuyên đề. Trong đó, trọng tâm của công tác kiểm tra là những mặt hàng trọng điểm thường xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, linh kiện điện tử, điện thoại di động, hàng thời trang… Điển hình từ đầu năm 2022 đến nay, Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, xử phạt hành chính số tiền 8 triệu đồng và buộc tiêu hủy 175 kg thịt gà, cánh gà, chân gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã Hoàng Tây, Kim Bảng.
Ngoài ra, Đội QLTT số 3 cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính một cơ sở kinh doanh 855 lọ nước hoa giả nhãn hiệu của thương hiệu Chanel ở Thôn 4, xã Phù Vân (TP Phủ Lý); tịch thu hàng hóa vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 8,5 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh hàng quần áo tại xã Đồng Hóa, Kim Bảng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Ông Vũ Văn Sơn, Cục phó Cục QLTT tỉnh cho biết: Cùng với công tác phối hợp với Công an tỉnh trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh còn tích cực tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với trên 100 cơ sở trong dịp Tết Nguyên đán 2022, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đối với 7 cơ sở; phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế và cơ sở thực hiện dịch vụ test nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với gần 40 cơ sở… Qua công tác phối hợp, kiểm tra đã phát hiện, xử lý 77 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.
Thông qua công tác phối hợp trong việc chia sẻ thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử lý 608 vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, bao gồm: 595 vụ xử lý vi phạm hành chính và 13 vụ xử lý hình sự, thu nộp ngân sách nhà nước gần 2,4 tỷ đồng. Nhiều vụ việc đã bắt giữ và xử lý kịp thời, góp phần duy trì tốt trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến hoặc các vụ việc vi phạm có ảnh hưởng nghiêm trọng như: ngộ độc thực phẩm hay dịch bệnh quy mô lớn..., tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng...
Song song với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh còn tích cực, chủ động phối hợp trong thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các quy định trong Luật An toàn thực phẩm cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm… Do đó, hiệu quả công tác QLTT được nâng cao, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và người tiêu dùng.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã tổ chức ký cam kết với trên 1.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc không tàng trữ, sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, chủ động chia sẻ thông tin, tăng cường tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử của ngành, cập nhật kịp thời các tin, bài viết về hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trung tá Lê Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh cho biết, ngoài công tác phối hợp tổ chức thanh, kiểm tra các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, thời gian qua, Công an tỉnh còn tích cực trao đổi, nắm bắt thông tin từ các ngành chức năng, các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để triển khai lực lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ và các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Các đối tượng có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại cũng được theo dõi, giám sát chặt chẽ, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thị xã Duy Tiên, TP Phủ Lý, trung tâm một số xã, thị trấn, địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận, quanh các khu, cụm công nghiệp.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2022 dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Do vậy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đề ra trong thời gian tới là tăng cường hơn nữa các hoạt động phối hợp liên ngành, để tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại, giảm bớt sự chồng chéo giữa các ngành chức năng trong công tác QLTT.
Nguyễn Oanh