Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác trên thị trường tăng cao khiến cho người dân và tiểu thương gặp khó khăn. Nhiều hộ dân kiến nghị Nhà nước sớm có chính sách bình ổn giá cả để giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. 

Hai vợ chồng làm công nhân tại KCN Châu Sơn mỗi tháng thu nhập từ 11 – 12 triệu đồng, song chi phí một ngày gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) mua thực phẩm mất khoảng 200 – 250 nghìn đồng, phục vụ bữa ăn cho 4 người. Từ đợt dịch đến nay, số tiền tích lũy của nhà chị Thủy giảm đáng kể khi giá gas, xăng dầu, các mặt hàng ăn uống tháng nào cũng tăng khiến đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Chị Thủy chia sẻ: Hằng tháng, lấy lương về là phải trả tiền nhà trọ mất hơn một triệu đồng, ngoài ra còn nhiều khoản phụ phí khác cần chi tiêu như: tiền điện, tiền nước, tiền học phí cho con... trong khi đó, giá thực phẩm tăng cao dẫn tới thu nhập của vợ chồng tôi chỉ đủ chi phí hằng ngày. Giá cả leo thang, lương tăng không đáng kể, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn, không biết bao giờ mới ổn định được. Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá để cho những người thu nhập thấp bớt khó khăn trong cuộc sống. 

Cũng như chị Thủy, thời gian qua hầu hết các hộ gia đình có thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn khi giá cả hàng hóa tăng cao. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, giá thực phẩm đều tăng, nhất là giá rau, củ có loại tăng hơn chục nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương tại chợ Bầu (TP Phủ Lý) cho biết: Sau thời gian dài do ảnh hưởng của dịch, việc buôn bán tuy vẫn được duy trì nhưng không còn sôi động như trước đây do tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi.

Nguyên nhân, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, trong đó có những mặt hàng tăng 20 – 30%, song thu nhập của người dân lại giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua. Điều này phần nào đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi kinh tế ngày càng eo hẹp và khó khăn trong việc chi tiêu. Nhiều người lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, từ nay đến Tết, giá hàng hóa có nguy cơ tăng cao nữa, các hàng quán cũng theo đó nâng giá, ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu khi bán hàng.

Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân
Người dân mua thực phẩm tại chợ Bầu (TP Phủ Lý).

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao tác động mạnh mẽ đến việc kinh doanh của các cửa hàng ăn uống. Trong thời gian vừa qua, nhiều hàng quán trên địa bàn TP Phủ Lý đều tăng giá bán, phổ biến tăng từ 5.000 đồng  - 7.000 đồng/suất ăn so với trước đây. Theo lý giải của nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, giá rau, củ, nguyên liệu chế biến tăng cao khiến cho suất ăn cũng tăng theo. 

Theo tổng hợp của Cục Thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các ngành dịch vụ đang phục hồi và tăng trưởng mạnh sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất công nghiệp tăng cao đã đẩy các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng. Cụ thể, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2017 đến nay,  trong đó có 9/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ năm 2021 gồm: nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,38%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 5,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,98%...

Cũng theo Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 18.512 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 15.395 tỷ đồng, tăng 18,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 1.183 tỷ đồng, tăng 15,1%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt hơn 107 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt hơn 1.826 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ. 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường hàng hóa trong nước đang chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng đang ở mức cao. Việc các mặt hàng như xăng, dầu tăng sẽ tác động đến giá vận chuyển và ảnh hưởng giá thành, chi phí sản xuất, đưa giá hàng tiêu dùng trong nước tăng theo. Trong bối cảnh hiện tại, việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp thị trường khi không tăng giá bán ra đang gây áp lực rất lớn đến hệ thống phân phối của các doanh nghiệp, chưa kể việc liên kết, kết nối cung cầu cũng bị ảnh hưởng do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Động thái liên tiếp chỉ đạo điều chỉnh giá xăng dầu giảm của Chính phủ cũng là một trong những yếu tố để bình ổn giá cả trên thị trường. 

Trong thời gian tới, nhiều người dân kiến nghị, Nhà nước cần có giải pháp kiểm soát lạm phát, đưa ra chính sách đối ứng phù hợp với các mặt hàng có thể tăng giá trong dài hạn để bảo đảm đời sống cho người dân.

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy