Thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số nhưng lại là thách thức lớn đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng.
Người tiêu dùng gia tăng mua sắm trực tuyến kéo theo những hành vi gian lận thương mại trên TMĐT cũng ngày càng diễn ra phổ biến. Song, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý còn thấp so với tình hình vi phạm trên thực tế. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của hoạt động TMĐT hiện nay?
Ông Vũ Văn Sơn: TMĐT tại Việt Nam nói chung và ở Hà Nam nói riêng được nhìn nhận là đầy tiềm năng khi số người dùng internet đang ngày càng tăng cao. Có thể thấy rõ, trong 3 năm trở lại đây, TMĐT trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô. Tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến so với những người sử dụng internet trên địa bàn tỉnh hiện ước đạt trên 70%. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin nói chung, TMĐT nói riêng trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã thiết lập website TMĐT bán hàng, tham gia sàn giao dịch TMĐT… Đặc biệt, trong các năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT. Năm 2021, chỉ số TMĐT của tỉnh Hà Nam xếp thứ 21 trên cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì hoạt động TMĐT cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường một cách lành mạnh. Hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
P.V: Xin ông cho biết rõ hơn về những thủ đoạn, hành vi vi phạm phổ biến của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động TMĐT?
Ông Vũ Văn Sơn: Các đối tượng đang lợi dụng các tiện ích mà TMĐT mang lại để hoạt động vi phạm pháp luật, phổ biến nhất là lợi dụng việc khai báo hải quan điện tử để buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại; trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán hàng trên các website, sàn TMĐT, tài khoản mạng xã hội… Việc làm này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm tổn hại đến người tiêu dùng mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Bởi, không giống như mua sắm theo phương thức truyền thống, trong giao dịch điện tử, người mua không được mục sở thị sản phẩm, trong khi đó vẫn phải tuân theo những hợp đồng mua bán mà bản thân không được thương lượng. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động TMĐT đã xuất hiện không ít vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin, dữ liệu, tài khoản ngân hàng của khách hàng và dùng các chiêu thức lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
P.V: Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, ngày 9/10/2020, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Tại Hà Nam, kế hoạch này đã được BCĐ 389 tỉnh triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Văn Sơn: Triển khai thực hiện Kế hoạch của BCĐ 389 quốc gia, ngày 18/12/2020, BCĐ 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-BCĐ389 về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TMĐT, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; tiến hành rà soát, phân loại các website, ứng dụng TMĐT, nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hội nghị, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, lực lượng làm nhiệm vụ; nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu các website cung cấp dịch vụ TMĐT nhằm tăng cường công tác phối hợp, quản lý, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về TMĐT…
Đối với Cục QLTT – cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh, thời gian qua, Cục đã chú trọng triển khai việc thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các đơn vị chuyển phát, vận chuyển hàng hoá; chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kịp thời theo dõi, phát hiện, xây dựng phương án tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn. Kết quả, từ năm 2021 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra 5 cơ sở hoạt động TMĐT. Qua kiểm tra, đã phát hiện, xử lý 5/5 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 93,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về nhãn hàng hoá…
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý còn rất thấp, chưa phản ánh đúng thực tế. Lĩnh vực này đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.
P.V: Những khó khăn, thách thức mà cơ quan quản lý nhà nước đang gặp phải trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT là gì thưa ông?
Ông Vũ Văn Sơn: Hầu hết cán bộ kiểm soát viên của đơn vị hiện chưa được tiếp cận, đào tạo về nội dung chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên mạng internet nên việc triển khai còn lúng túng. Trong khi đó, các đối tượng bán hàng online không có kho hàng, không có địa điểm kinh doanh cụ thể. Do đó, nếu tiến hành kiểm tra cũng không có hàng hóa tại nơi bán. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thường sử dụng thông tin giả để tạo nhiều tài khoản bán hàng khác nhau, sử dụng hình ảnh được lấy từ chính hãng để lừa dối người tiêu dùng. Điều này cũng đang gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định đúng đối tượng vi phạm và nơi chứa/trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Hàng hóa giao dịch trên TMĐT thường được vận chuyển bằng xe máy thông qua các đơn vị vận chuyển với số lượng ít, hàng hóa lẫn lộn nên rất cơ động và khó phát hiện…
Vì là lĩnh vực còn khá mới nên hành lang pháp lý đối với hoạt động TMĐT hiện vẫn chưa theo kịp. Các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT chưa quy định cụ thể về cách thức quản lý và chế tài xử lý của một số hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội. Trong đó, có thể thấy rõ nhất là công tác quản lý thuế đang có nhiều bất cập do mỗi tổ chức, cá nhân có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Cách thức giao kết hợp đồng, thỏa thuận mua bán, phương thức thanh toán trong TMĐT thường qua tin nhắn, chuyển khoản. Vì vậy, các cơ quan quản lý khó truy vết, lưu giữ chứng cứ giao dịch cũng như xác định đúng doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng để quản lý thu thuế.
P.V: Có thể thấy, TMĐT là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xin ông cho biết trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ có những giải pháp như thế nào để chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT?
Ông Vũ Văn Sơn: Nhiệm vụ chính của lực lượng QLTT trong năm 2022 và những năm tiếp theo là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch TMĐT, trên mạng xã hội, chứ không còn chỉ là việc đi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thương mại theo phương thức truyền thống. Theo đó, Cục sẽ chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động vận chuyển hàng hóa của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng…
P.V: Xin cảm ơn ông
Nguyễn Oanh