Bảo đảm giữ ổn định thị trường hàng hóa

Công tác bình ổn thị trường trên địa bàn Hà Nam 8 tháng đầu năm 2019 đạt được những kết quả nhất định. Những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thị trường lành mạnh và ổn định.

 

Lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa những tháng cuối năm.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh

Trong 8 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại… dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; tiến hành ký cam kết với 1.500 hộ sản xuất, kinh doanh về thực hiện không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm…

Căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở từng địa phương, những tháng qua, các đội quản lý thị trường đóng trên địa bàn 6 huyện, thành phố cũng đã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng hàng hóa, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm… Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, hàng hóa lưu thông thuận lợi, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng.

Kết quả, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra gần 2.000 vụ. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện và xử lý 1.712 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 2,3 tỷ đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là về hàng hóa nhập lậu; doanh nghiệp không chấp hành quy định về kê khai giá; hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; hàng hóa không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá; hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ổn định thị trường những tháng cuối năm

Theo dự báo của các ngành chức năng, những tháng cuối năm 2019, xu hướng tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao. Riêng giá bán đối với mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục tăng nhanh. Đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã làm cho tổng đàn lợn trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung suy giảm nghiêm trọng, trong khi đó, các hộ chăn nuôi lại chưa thực hiện tái đàn ngay được. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả (hàng hóa giả về nhãn hiệu, tem nhãn, bao bì…) sẽ tập trung nhiều vào nhóm mặt hàng tiêu dùng. Các sản phẩm này thường được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về các vùng nông thôn, miền núi để tiêu thụ.

Trong xu hướng hiện nay, hoạt động mua – bán trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội diễn ra phổ biến nhưng chất lượng hàng hóa chưa được kiểm soát cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng kém chất lượng còn trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, lợi ích người tiêu dùng. Ngoài ra, giá xăng, dầu vẫn tiếp tục đứng ở mức cao cũng tác động không nhỏ đến giá bán của hầu hết các mặt hàng…

Ông Tạ Quang Hậu, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Để giữ ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, hằng năm, Sở Công thương vận động doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa với tổng giá trị các mặt hàng lên tới 20-30 tỷ đồng/năm. Năm nay, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến cung - cầu thị trường, giá cả các loại hàng hóa để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có nhiều biến động khó lường về cung, cầu như: thịt lợn, lương thực, xăng dầu… Tiếp tục tham mưu đề xuất với các cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tuy nhiên, để thị trường hàng hóa lưu thông ổn định, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng còn cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi mua sắm, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh việc thực hiện dự trữ hàng hóa, ổn định giá bán vào các dịp cao điểm như lễ, Tết, cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong phát hiện, tố giác, xử lý vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng. Song song với đó, các doanh nghiệp cần có biện pháp tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm của mình tới người tiêu dùng, có hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì chất lượng cao, có tem chống hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, xây dựng đường dây nóng để nhận thông tin phản hồi từ khách hàng trên thị trường nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý tình huống, tránh để xảy ra những sự cố không hay ảnh hưởng đến thương hiệu.                                

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy