Từ đầu tháng 8 dương lịch, bánh Trung thu đã được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng, ki ốt trên khắp các tuyến phố của TP Phủ Lý cũng như ở các chợ, quán tạp hoá ở trung tâm các xã, phường, thị trấn. Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh kiểm tra, liên tiếp thu giữ và xử lý các vụ việc kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Qua tìm hiểu thị trường bánh Trung thu năm nay cho thấy, sức mua đối với sản phẩm này đã được phục hồi trở lại sau 2 năm gần như bị đóng băng bởi dịch bệnh Covid -19. Bên cạnh những thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng, như Cham Cham, Hữu Nghị, Kinh Đô, Bibica,… trên thị trường cũng xuất hiện các loại bánh trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, bánh do các cơ sở, hộ gia đình sản xuất thủ công quy mô nhỏ lẻ với chủng loại, mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, dịp Tết Trung thu là cơ hội để một số cơ sở nhỏ lẻ tung ra thị trường các loại bánh kẹo có giá rẻ, không bảo đảm ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh, ngay từ đầu tháng 8 dương lịch, Cục QLTT tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm ATTP bánh Trung thu. Cục yêu cầu các đội QLTT trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin thị trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng không bảo đảm vệ sinh ATTP đối với các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu, nhất là bánh Trung thu. Trong đó, tập trung kiểm tra nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; nguồn gốc, xuất xứ các loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, bảo quản bánh Trung thu. Theo đó, trong những ngày qua, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Điển hình như tại địa bàn TP Phủ Lý và huyện Kim Bảng, tính đến ngày 30/8, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Qua kiểm tra, đội đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 31,7 triệu đồng, cùng với đó yêu cầu thực hiện tiêu hủy gần 3.400 chiếc bánh Trung thu các loại do không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mới đây, đội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đối với 2 điểm bán bánh Trung thu thời vụ tại KCN Châu Sơn (TP Phủ Lý). Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng. Đội QLTT số 3 đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cá nhân về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền 8 triệu đồng, đồng thời buộc các chủ cơ sở tự tiêu hủy trên 2.700 chiếc bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Đào Anh Tuấn, Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết: Để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP, ngay từ thời điểm trước Tết Trung thu, vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 dương lịch, đội đã chỉ đạo lực lượng rà soát các đơn vị, cơ sở kinh doanh bánh Trung thu, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu phục vụ sản xuất bánh của các cơ sở. Hầu hết các vụ việc vi phạm được đội phát hiện, xử lý là do các cơ sở kinh doanh bánh trung thu không thực hiện niêm yết giá bán, kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc. Cùng với công tác kiểm tra, đội còn chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh những quy định của pháp luật về ATTP, kiến thức trong lựa chọn, bảo quản thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công bố công khai các cơ sở vi phạm trên hệ thống thông tin đại chúng để tạo sức răn đe.
Theo Cục QLTT tỉnh, đến cuối tháng 8, lực lượng QLTT trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 20 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, trong đó chủ yếu là vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Năm nay, thị trường bánh Trung thu khá đa dạng. Bên cạnh bánh truyền thống, các nhà sản xuất còn đưa ra thị trường các dòng bánh Trung thu với các loại nhân mới lạ, đồng thời áp dụng hình thức bán hàng online để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Đi kèm với đó là tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP do các cá nhân kinh doanh trà trộn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng để thu lợi bất chính. Ngay sau đợt cao điểm kiểm tra bảo đảm ATTP dịp trước, trong Tết Trung thu, Cục sẽ chỉ đạo lực lượng tập trung kiểm tra việc thu hồi, xử lý các sản phẩm bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng.
Liên tiếp các vụ việc vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý cho thấy, vấn đề ATTP, đặc biệt là thực phẩm trong dịp Tết Trung thu là một trong những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các lực lượng chức năng để nhân dân được vui đón Tết Trung thu đầm ấm, ý nghĩa, an toàn về thực phẩm.
Nguyễn Oanh