Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, thiếu nhân công lao động, chủ đầu tư nợ đọng vốn, lãi suất ngân hàng cao… là những khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải trong sản xuất kinh doanh.
Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này toàn tỉnh có hơn 7.885 doanh nghiệp, trong đó 5.545 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký 168.062 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất kinh doanh thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như xây dựng, chế biến vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ thương mại, sản xuất đồ điện tử, nhà hàng, khách sạn…
Sau hơn 6 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ – CP của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid – 19, các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và tác động của thị trường thế giới, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn khi giá xăng dầu, than, vật liệu xây dựng tăng tác động trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp đã phải thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 276 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 41,54% so với cùng kỳ năm 2021; 24 doanh nghiệp thông báo giải thể, bằng 82,75% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Qua tổng hợp ý kiến của các hội viên, doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn đang gặp khó khăn do nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi đó sản phẩm sản xuất ra lại tiêu thụ chậm. Đối với nhóm doanh nghiệp chuyên xây dựng các công trình, kiến nghị tới Nhà nước, giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi đó các cơ quan quản lý áp giá chưa phù hợp với giá của thị trường. Trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư nợ đọng vốn kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn kiến nghị lãi suất ngân hàng cao, việc vay vốn ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn lao động ở một số doanh nghiệp. Các hội viên cũng kiến nghị Nhà nước sớm vào cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giải quyết thủ tục hành chính, tránh tình trạng, hồ sơ nộp đi, nộp lại nhiều lần gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nắm bắt ý kiến của các doanh nghiệp, thời gian qua tỉnh Hà Nam đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, tham mưu với UBND tỉnh tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Sở Xây dựng tiến hành rà soát những kiến nghị của các doanh nghiệp, kịp thời tham mưu với UBND tỉnh, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Công thương đưa Sàn giao dịch điện tử Hà Nam vào hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động khảo sát nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch giải ngân và tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng đã triển khai: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng; phối hợp với một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để cung cấp thông tin về nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.
Đến nay, các ngân hàng đã vào cuộc giải ngân hàng chục nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid – 19 bùng phát. Thời gian này, các ngân hàng thương mại cũng đã vào cuộc hỗ trợ khách hàng 2% lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều khách hàng đã từng bước tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các Hội Doanh nghiệp trong tỉnh, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ban ngành tập trung rà soát lại các thủ tục hành chính, tham mưu cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cắt giảm những thủ tục còn rườm rà, chồng chéo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Các sở, ngành công khai minh bạch, cập nhật các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị; bám sát vào 10 cam kết của UBND tỉnh với nhà đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhà đầu tư thứ cấp, các doanh nghiệp trong KCN. Đối với cán bộ cố tình gây khó khăn cho các doanh nghiệp sẽ kiên quyết xử lý.
Trần Hữu