kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Vì sao tín dụng đầu tư cho các doanh nghiệp giảm mạnh?

Vì sao tín dụng đầu tư cho các doanh nghiệp giảm mạnh?

Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, duy trì ổn định lãi suất huy động theo quy định, kịp thời giải ngân nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhu cầu sử dụng vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, ước đến hết tháng 8 năm 2023, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt khoảng 66.200 tỷ đồng, trong đó cho vay doanh nghiệp 33.375 tỷ đồng, giảm 11,7% so với đầu năm. Trong tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa có 14.040 tỷ đồng, giảm 12,39% so với đầu năm, với 1.356 doanh nghiệp còn dư nợ. Theo lí giải của nhiều doanh nghiệp, trong thời điểm khó khăn như hiện nay việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nếu không tính toán cẩn trọng sẽ thua lỗ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã hạn chế vay vốn ngân hàng; thậm chí có những doanh nghiệp còn thu gọn sản xuất trả tiền ngân hàng.

Ông An Quốc Huy, quản lý ở Công ty TNHH Minh Hiếu (xã Nguyên Lý, Lý Nhân) – doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch tuynel cho hay: Trong năm 2023, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như cùng kỳ những năm trước vào mùa khô người dân xây nhà rất nhiều, gạch nung không bị ế ẩm thì trong năm nay, kinh tế suy thoái, công nhân ở các KCN bị giảm giờ làm, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, các hộ xây dựng nhà ở giảm mạnh dẫn tới sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra tiêu thụ chậm. Trước những khó khăn trên, công ty đã phải thu gọn sản xuất, có hai dây chuyền, chỉ cho hoạt động một dây chuyền để duy trì việc làm cho người lao động và rút vốn về trả nợ ngân hàng. Việc mở rộng sản xuất trong thời gian tới doanh nghiệp cũng chưa tính đến khi mà kinh tế còn đang suy thoái.

Vì sao tín dụng đầu tư cho các doanh nghiệp giảm mạnh
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Đồng Văn. Ảnh: Trần Thoan

Đối với các ngân hàng thương mại hiện nay muốn giải ngân vốn cho doanh nghiệp vay song lại gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, sản xuất, kinh doanh ngừng trệ, mặc dù đã hạ lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng đã mời chào các doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn vay vốn nhưng nhu cầu sử dụng nguồn vốn tín dụng của khách hàng cũng hạn chế. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đang rất cần vay vốn song các chi nhánh lại không dám giải ngân do không có tài sản bảo đảm, không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi hoặc phương án sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam cho biết: Năm 2023, chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời giải ngân vốn cho khách hàng có nhu cầu vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp đã sử dụng vốn ngân hàng, gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh đơn vị cũng xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ theo từng món, miễn giảm một phần lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến nay, khoảng hơn 65% nguồn vốn của chi nhánh cho vay phát triển kinh tế hộ, còn lại gần 35% là cho vay doanh nghiệp. Trong 3 quý đầu năm 2023, mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với nhiều năm trước do suy thoái kinh tế. Đối với nhiều doanh nghiệp là khách hàng thân thiết với chi nhánh nhiều năm qua vẫn sử dụng số vốn lớn, song đến năm nay họ lại đầu tư cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp còn thu gọn sản xuất.

Cũng như Chi nhánh Agribank Hà Nam, trong giai đoạn này, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn cho các doanh nghiệp vay. Thực hiện việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp, từ đầu năm 2022 đến nay một số tổ chức tín dụng lớn đã điều chỉnh giảm từ 0,2 – 0,5%/năm lãi suất cho vay. Tại Chi nhánh Agribank Hà Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Hà Nam, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Hà Nam, Chi nhánh Ngân hàng ACB Hà Nam, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Hà Nam... đã ưu tiên mở rộng nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất nhằm khai thác tiềm năng lợi thế ở địa phương và kích cầu tiêu dùng trong xã hội.

Để nâng cao nguồn vốn đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung: khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp; triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chủ động phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nắm bắt thông tin về nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như xem xét, giải quyết đề nghị của khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng thường xuyên rà soát lại từng khoản vay của doanh nghiệp, cân đối lại vốn, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. 

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy