Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo đó, thông tư quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.
Đặc biệt, thông tư quy định, khi giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên, các tổ chức thuộc đối tượng báo cáo thực hiện báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền các thông tin cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử.
Các thông tin này bao gồm cả họ và tên, ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu; số thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ đăng ký thường trú hoặc nơi ở hiện tại khác (nếu có) và quốc tịch.
Thông tư số 09 cũng quy định rõ trường hợp cá nhân có giao dịch trên 500 triệu đồng nhưng không phải báo cáo với cơ quan nhà nước là người thụ hưởng trong giao dịch chuyển tiền điện từ quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài; người khởi tạo trong giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam.
Cùng với đó, thông tư cũng chỉ rõ các giao dịch chuyển tiền điện tử không cần phải báo cáo với cơ quan nhà nước gồm: giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ; giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.
PV